Giảm thời gian, chi phí và công sức cho nông dân
Vụ xuân này, nhiều địa phương trên địa bàn Nghệ An đang đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, đưa công nghệ mạ khay và máy cấy vào sản xuất lúa nhằm giảm thời gian, chi phí và công sức cho nông dân.
Nếu như trước đây, để cấy hơn 6 sào ruộng, gia đình bà Trần Thị Minh ở xã Thọ Thành, Yên Thành phải mất hơn 10 ngày. Các khâu gieo mạ, nhổ mạ, cấy đều làm thủ công nên bà Minh rất vất vả. Song từ vụ Xuân năm 2022, bà không còn phải lo lắng, tất bật mà chỉ việc đứng trên bờ ruộng theo dõi máy cấy làm thay. Bà Minh cho biết: “Cấy bằng máy, tôi không phải đi tìm người cấy thuê. Chi phí cấy thuê khá cao 350.000 đồng/ngày, trong khi chỉ chưa đầy 2 tiếng đồng hồ hơn 6 sào cấy máy đã được cấy xong; chi phí cấy máy rẻ chỉ từ 140.000 - 150.000 đồng/sào.
Ông Hồ Sỹ Quảng - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành cho biết thêm: Ban đầu để thực hiện gieo cấy bằng máy rất khó khăn, bởi từ trước đến nay, sản xuất lúa của bà con nông dân chủ yếu làm theo phương pháp truyền thống. Tuy nhiên bằng việc thực hiện các mô hình hiệu quả ngay trên địa bàn xã, từ chỗ triển khai 80 ha, nay đã sử dụng gieo mạ khay và máy cấy đạt 200 ha/480 ha lúa. Từ hiệu quả mang lại, HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Thọ Thành còn nhân rộng gieo mạ khay cấy lúa sang các xã khác.
Theo đại điện của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành, gieo mạ khay, cấy lúa, mang lại nhiều lợi ích, không những tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động mà còn chăm sóc lúa thuận lợi. Vụ xuân này, Yên Thành đưa vào gieo cấy trên 2.000 ha, tập trung ở các xã Liên Thành, Nam Thành, Trung Thành, Thọ Thành…
Địa bàn huyện Quỳnh Lưu lưu hiện nay đã áp dụng đưa máy cấy vào sản xuất từ năm 2021. Vụ này áp dụng gieo mạ khay và máy cấy có diện tích khoảng trên 20 ha, tập trung ở một số xã như Quỳnh Lâm, Quỳnh Tân…
Theo các nhà chuyên môn, áp dụng cấy máy mang lại hiệu quả cao hơn so với gieo mạ và cấy bằng phương pháp thủ công. Nhờ cấy máy, nông dân có lợi nhuận cao hơn từ 10 - 12% so với phương pháp cấy thủ công. Việc ứng dụng cấy lúa bằng máy có mật độ chuẩn, theo hàng dễ kiểm soát cỏ dại, sâu bệnh, ít sử dụng thuốc BVTV.
Sớm tháo gỡ khó khăn
Sử dụng máy cấy là phương án tối ưu để giải quyết những khó khăn về thời vụ cấp tập. Tuy mang lại nhiều lợi ích, song việc mở rộng diện tích cấy máy không dễ thực hiện. Bà Vũ Thị Bích Hằng - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Quỳnh Lưu áp dụng sản xuất mạ khay từ đầu năm 2021 có diện tích 30 ha, nhưng vụ xuân này giảm chỉ còn 20 ha.
Nguyên nhân sản xuất mạ khay gieo cấy lúa bằng máy giảm do trở ngại lớn nhất là sản xuất mạ khay. Để sản xuất mạ khay cần diện tích mặt bằng lớn nhưng lại chỉ sử dụng theo thời vụ. Các công cụ hỗ trợ sản xuất như giàn gieo, khay mạ, thiết bị gieo, giá thể... có kinh phí đầu tư lớn, trong khi thời gian khai thác chỉ từ 20-30 ngày/năm.
Theo đại điện của Phòng Nông nghiệp huyện Yên Thành cho biết: Mặc dù mang hiệu quả cao nhưng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu gieo cấy còn thấp, huyện Yên Thành có trên 9.000 ha lúa nhưng hiện nay chỉ mới đưa vào gieo cấy mạ khay cấy lúa trên 500 ha. Nguyên nhân là do sản xuất mạ khay đòi hỏi đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng như kho bãi, nhà xưởng và mặt bằng để tập kết khay mạ, nhất là cơ sở sản xuất mạ khay phải mua giá thể, chưa tự sản xuất được nên chi phí sản xuất cao. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn, người sử dụng máy, thiết bị hầu hết chưa được đào tạo kiến thức cơ bản…
Theo các nhà chuyên môn, để tháo gỡ khó khăn trong việc mở rộng diện tích cấy máy, các địa phương cần xây dựng mô hình trình diễn, tổ chức hội thảo đầu bờ để tuyên truyền vận động nông dân hưởng ứng áp dụng và mở rộng tiến bộ kỹ thuật mới này. Mỗi địa phương nên xây dựng một cơ sở sản xuất mạ khay, khâu sửa chữa, bảo hành máy cấy do cán bộ khuyến nông phối hợp với doanh nghiệp tổ chức, để xây dựng làm nơi đào tạo, huấn luyện và tư vấn dịch vụ cho nông dân.
Các địa phương tập trung chỉ đạo dồn ô, đổi thửa, nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất như hệ thống tưới tiêu, giao thông, thủy lợi nội đồng để thuận lợi đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Cần có chính sách hỗ trợ đồng bộ từ thành phố đến các huyện, thị xã và cơ sở để khuyến khích, thúc đẩy cơ giới hóa trong sản xuất lúa. Các huyện cần giao chỉ tiêu, kế hoạch cụ thể cho từng xã, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát, để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc trong quá trình sản xuất./.