(Baonghean) - Theo điều tra do Bệnh viện Sản - Nhi và Đại học Y Khoa Vinh phối hợp tổ chức, ước tính trên địa bàn tỉnh có khoảng 4.600 trẻ (tương đương 1,57% trẻ dưới 6 tuổi) mắc chứng tự kỷ cần được can thiệp. So với tỷ lệ 0,7% em mắc chứng bệnh này cách đây khoảng 15 năm, thì đây là thực trạng đáng báo động. Tuy nhiên, để hạn chế chứng tự kỷ ở trẻ vẫn đang là “bài toán” khó giải!
Nhìn bé Thuỳ Duyên chơi đùa với bạn bè, nhận biết được các đồ vật mà mẹ bé - chị Lê Thị Thái (Nghi Phú – Thành phố Vinh) cứ ngỡ là mơ. Bởi từ một em bé chậm phát triển cả trí tuệ, ngôn ngữ… nhưng sau hai năm kiên trì thực hiện theo chương trình trị liệu tại Bệnh viện Sản – Nhi hiện nay bé đã chịu nói, tự xúc cơm ăn, tự đếm số, nhận biết một số chữ cái, màu sắc… Đây là một trong những trẻ đã được can thiệp chứng tự kỷ có hiệu quả tại Khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng - Bệnh viện Sản – Nhi. Mỗi ngày, khoa tiếp nhận từ 3 - 5 trẻ tự kỷ đến khám mới. Thường xuyên có 30 trẻ đến tập luyện, thực hiện trị liệu và giáo dục để phục hồi và phát triển nhân cách. Đa số trẻ đến khám đều có biểu hiện chậm phát triển, chậm nói, tăng hoạt động, giảm chú ý, gặp khó khăn trong giao tiếp và học tập.
Theo điều tra mới nhất (được thực hiện lần đầu tiên trên quy mô toàn tỉnh) do Bệnh viện Sản – Nhi phối hợp với Trường Đại học Y khoa Vinh trên 14.000 trẻ em dưới 6 tuổi tại 7 huyện, thành, tỷ lệ trẻ mắc chứng rối loạn tự kỷ là 1,57%, tương đương 1/64 trẻ bị mắc chứng bệnh này. Tỷ lệ trẻ tự kỷ nặng là 0,69% tương đương với con số 2000 em/ 300.000 trẻ (dưới 6 tuổi) cần điều trị phục hồi và tái hoà nhập. Đáng chú ý là trẻ mắc chứng tự kỷ ở khu vực miền núi cao chiếm tỷ lệ cao hơn các khu vực thành phố và đồng bằng.
Trẻ tự kỷ dần thay đổi nhận thức, hành vi sau những buổi trị liệu.
(Chụp tại Bệnh viện Sản – Nhi)
Theo các nghiên cứu khoa học, di truyền và yếu tố nguy cơ thai sản (trẻ đẻ non, bị ngạt, mẹ lớn tuổi, nhiễm trùng, nhiễm độc khi mang thai…) là những nguyên nhân chính gây ra chứng rối loạn tự kỷ. “Số trẻ tự kỷ trong thời gian gần đây có xu hướng tăng, nguyên nhân là do cuộc sống hiện đại, nhiều bậc phụ huynh bận rộn với công việc nên ít có thời gian gần gũi con cái; trẻ em xem ti vi nhiều… là những yếu tố làm tăng nặng bệnh. TS Cao Trường Sinh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Vinh lý giải.
Trên địa bàn tỉnh, tính đến thời điểm này, Khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng Bệnh viện Sản – Nhi là trung tâm đầu tiên và duy nhất thực hiện đồng bộ việc khám, phát hiện, tư vấn và điều trị chứng tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, Bác sỹ Trần Ngọc Lưu - Trưởng khoa Thần kinh - Phục hồi chức năng cho biết: “Với những trẻ tự kỷ cần có phòng trị liệu ngôn ngữ, âm nhạc… nhưng khuôn viên trung tâm chưa đáp ứng được. Ngoài ra, về nhân lực phục vụ công tác tại khoa, chúng tôi mới có 1 thạc sỹ tâm lý, 1 cử nhân giáo dục đặc biệt, 1 kỹ thuật viên làm công tác điều trị trẻ tự kỷ, so với nhu cầu chúng tôi đang cần thêm rất nhiều…”. Có thể thấy, cơ sở vật chất cộng với đội ngũ bác sỹ như vậy chưa thể đáp ứng với số trẻ tự kỷ (4.600 trẻ) cần được can thiệp trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay.
Phòng bệnh và phát hiện bệnh sớm là một trong những giải pháp hạn chế chứng tự kỷ có hiệu quả nhất. Nhưng thực tế hiện nay những kiến thức cơ bản về chứng tự kỷ và cách phòng bệnh tự kỷ trong cộng đồng còn rất hạn chế. Cháu Phan Văn Tân (Nam Thành – Yên Thành) 5 tuổi bị rối loạn ngôn ngữ nên cháu nói bị lắp bắp, lộn xộn, tính khí thất thường… Mặc dù thấy cháu phát triển không bình thường so với trẻ cùng lứa tuổi, nhưng gia đình cứ nghĩ cháu chỉ bị chậm nói. Bà nội cháu chia sẻ: “Cháu sinh non, lúc sinh mới 7 tháng tuổi, lại khát sữa.
Phần vì kinh tế gia đình khó khăn, nên bố mẹ cháu lo làm ăn, không có nhiều thời gian quan tâm đến cháu. Đến lúc cháu lên 4, thấy bất thường, mới lo lắng đưa cháu đi khám thì bác sỹ nói cháu mắc chứng tự kỷ, cần phải điều trị. Gia đình cũng chỉ biết có vậy chứ không biết tự kỷ là bệnh gì”. Đáng ngại hơn là nhiều phụ huynh hiện nay vẫn còn tâm lý “mặc cảm” và “giấu bệnh”. Anh Nguyễn Viết Cường (Xuân Lâm – Nam Đàn) có con trai 4 tuổi bị tự kỷ cho biết: “Nhận thấy cháu có những biểu hiện bất thường nhưng vì ngại nên ban đầu vợ chồng tôi cũng không nói cho mọi người trong gia đình biết. Chúng tôi vẫn cho cháu đi học bình thường. Đến khi tự tìm hiểu qua mạng, biết bệnh của cháu, hai vợ chồng mua đồ chơi tự dạy cho cháu nhưng kết quả cũng không mấy khả quan. Lúc đó chúng tôi mới đưa cháu đến bệnh viện điều trị”.
Vì thiếu hiểu biết về hội chứng tự kỷ nên nhiều phụ huynh phát hiện con mắc bệnh muộn. Theo thống kê của Bệnh viện Sản – Nhi, hầu hết trẻ chỉ được phát hiện mắc chứng tự kỷ sau 2 tuổi. Thạc sỹ, bác sỹ Trần Thị Kiều Anh – Bộ môn Nhi – Trường Đại học Y khoa Vinh cho biết: “Trong quá trình đi điều tra thực tế, qua những câu hỏi của phụ huynh cho thấy phần lớn họ còn rất ít hiểu biết về căn bệnh này. Vì vậy những bậc cha mẹ cần cố gắng tìm hiểu sâu hơn về bệnh tự kỷ để có sự can thiệp kịp thời, luôn yêu thương và giúp đỡ trẻ phát triển theo hướng tốt nhất. Việc phát hiện bệnh muộn, đưa trẻ đến bệnh viện lúc con đã lớn, điều này vô hình trung sẽ làm bệnh của trẻ nặng thêm”.
Ngoài cha mẹ, thầy cô giáo là những người tiếp xúc đầu tiên với trẻ. Bởi thế, thầy, cô có vai trò quan trọng trong việc phát hiện những rối loạn tâm, sinh lý ở trẻ. Thế nhưng có một thực tế là hiện nay, ngay cả giáo viên cũng ít được trang bị những kiến thức về chứng rối loạn tự kỷ. Trường Mầm non Hoa Sen (Thành phố Vinh), một trong số ít trường học nhận giáo dục trẻ khuyết tật, trong đó có trẻ tự kỷ. Song việc dạy trẻ tự kỷ của giáo viên nhà trường cũng gặp không ít khó khăn. Cô Nguyễn Hồng Vân – Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Các cán bộ và giáo viên của trường chưa được bồi dưỡng về giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật nói chung và cho trẻ tự kỷ nói riêng. Một số cán bộ, giáo viên chỉ được tập huấn sơ bộ về nội dung này trong các buổi tập huấn chung của bậc học”.
Theo các nghiên cứu khoa học, nếu được phát hiện và can thiệp sớm (trước 36 tháng), trẻ tự kỷ có thể được cải thiện về chỉ số IQ, khả năng ngôn ngữ, thích nghi và hoà nhập trở lại với cộng đồng. Quá độ tuổi này, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian hơn. Bởi thế, theo Bác sỹ Trần Ngọc Lưu – Trưởng khoa Thần kinh – Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản - Nhi: “Để hạn chế tình trạng trẻ tự kỷ hiện nay ở tỉnh ta, cần tăng cường các biện pháp truyền thông cho các bậc phụ huynh, thầy cô để phát hiện, phòng và điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ. Hiểu biết về hội chứng tự kỷ, phát hiện và can thiệp sớm trẻ sẽ có cơ hội khỏi bệnh, nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng…”.