Theo giải thích của Chủ tịch xã Thiệu Phú, việc khóa cổng nhằm “hạn chế nguy cơ dịch lây lan dịch bệnh ra cộng đồng bởi đã có tình trạng nhiều người về từ vùng dịch nguy cơ cao, đang cách ly tại nhà nhưng vẫn ra khỏi nhà”. Hơn nữa, việc khóa cửa, dán giấy thông báo trước cửa nhà dân đã được người dân đồng ý chấp thuận sau khi được chính quyền xã “vận động, giải thích”.
Ông Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, bản chất câu chuyện ở đây vẫn là tinh thần chống dịch của cán bộ, có lẽ vì quá cẩn trọng, sợ người dân ở các vùng dịch trở về có thể khiến dịch lây lan trong địa phương, nên trong cách làm chưa hợp lý, có phần cứng nhắc khiến cho việc giám sát quá chặt, chưa đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ thông qua Nghị quyết 128 NQ/CP .
"Lãnh đạo xã Thiệu Phú có khi cũng chưa rõ tinh thần chỉ đạo của tỉnh, tuy nhiên qua thông tin báo chí nêu, địa phương đã nhanh chóng thay đổi, rút kinh nghiệm, cuộc sống của các hộ dân đã trở lại trạng thái bình thường, việc cách ly và đi lại theo quy định chung"- ông Sơn cho hay.
Tuy nhiên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, từ sự việc ở Thiệu Phú, cần có sự thống nhất trong tuyên truyền và chỉ đạo ở tất cả các địa phương trong cả nước, để các cấp chính quyền có thể thực hiện đồng bộ, không gây ra cảm giác cản trở người dân về quê ăn Tết hay cản trở đi lại, giao thương.
Không chỉ ở Thanh Hóa, mà tại Thái Bình, một gia đình gồm 2 người già và 2 cháu nhỏ ở thôn Cao Bạt Nụ, xã Nam Cao (huyện Kiến Xương) cũng bị “nhốt” ở trong nhà để cách ly do 2 cháu về từ "vùng đỏ" Hải Phòng. Phải gần 7 ngày sau, khi sự việc đến tai lãnh đạo xã và có chỉ đạo, cán bộ thôn mới mở khóa cho gia đình này.
Chủ tịch UBND xã Nam Cao khẳng định: "Xã không chỉ đạo hay quy định việc nhốt người trong nhà, tùy trường hợp các trưởng thôn sẽ linh hoạt xử lý để tránh lây lan dịch bệnh”.
Nhìn nhận về cách chống dịch ở một số địa phương vừa qua, ông Võ Văn Dũng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128 NQ/CP về thích ứng trong tình hình mới. Trên cơ sở đó, các địa phương cần có quy định rõ trong việc cách ly F0 tập trung và tại nhà, có sự giám sát của Tổ Covid cộng đồng cũng như theo dõi thường xuyên của y tế. Đối với những người đi xa về cách ly tại nhà cũng vậy, cũng cần có sự giám sát của tổ Covid cộng đồng, không nên sử dụng biện pháp khóa cửa nhà dân như vừa qua. Đây cũng là cách làm của Nghệ An hiện nay.
Cán bộ thôn là cấp cơ sở gần dân nhất. Sau gần 2 năm chống dịch, họ được quyền làm gì và làm tới đâu, chẳng nhẽ, đến giờ phút này vẫn tồn tại cách làm tùy hứng nếu không nói là tùy tiện, lạm quyền. Hăng hái chống dịch theo cách máy móc, cứng nhắc, thiết nghĩ, không chỉ dừng ở việc nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Nếu không xử lý nghiêm các vụ việc như vậy thì tình trạng này sẽ còn tái diễn, nhất là khi lượng người đổ về quê ăn Tết ngày càng tăng. Sẽ chẳng có chính quyền nào đủ sức khóa trái nhà dân ở tất cả các hộ có người về từ vùng dịch. Ở đây, cần một cách ứng xử thông minh, trách nhiệm để vừa chống dịch, vừa động viên người dân tự giác phòng dịch.
Trước phản ánh của báo chí, ngày 17/1, Bộ Y tế đã có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc chấn chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp.
Công văn của Bộ Y tế nêu rõ: Nếu có vi phạm, yêu cầu xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật hoặc chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan Công an để xem xét, xử lý.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định; kịp thời chấn chỉnh việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch không phù hợp, kiên quyết không để xảy ra các hành vi vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19./.