(Baonghean) - Trong tuần 3, tháng 9 bài “Nước mắt hộ nghèo” đăng trên Nhật báo ngày 18/9/2014 của tác giả Nhật Lân có số phiếu đề cử cao thứ Ba. Sau đây là một số lời bình dành cho bài viết.

Mở đầu bài viết đề cập đến nội dung đơn kiến nghị gửi đến báo Nghệ An của chị Trần Thị Ngân (thôn 5, Kiều Hạ, Nam Cường, Nam Đàn).  Chị viết: "Mấy năm trước, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hỗ trợ 10 triệu đồng và cho vay theo lãi suất hộ nghèo 10 triệu đồng, tôi làm được một gian nhà nhỏ để hai mẹ con sinh sống. Đời sống vật chất phụ thuộc vào một sào đất loại 3. Mùa lạc thu hoạch được 120 kg, trừ phân bón, giống được khoảng 1.500.000 đồng. Mùa rau, đậu được khoảng 300.000 đồng. Ngoài ra, con tôi được hưởng chế độ 202, mỗi tháng được 180.000 đồng (mỗi năm được 2.160.000 đồng). Như vậy, tổng thu nhập cả năm khoảng 3.900.000 đồng. Bình quân đầu người chỉ được 165.000 đồng/tháng…”. Vậy mà xóm trưởng và ban cán sự xóm lại lấy tiền hỗ trợ 10.000.000 đồng làm chòi vượt lũ cộng vào thu nhập, rồi gạt gia đình chị ra khỏi danh sách hộ nghèo. Cái trớ trêu là những người trong xóm được bình chọn thuộc diện hộ nghèo lại có gia cảnh khá hơn gia đình chị. Cực chẳng đã chị mới phải làm đơn lên các cấp xin xác minh lại hộ nghèo để có thêm chút điều kiện lo cho con học hành. Vậy mà, sau khi kiểm tra lại, xã vẫn khẳng định, gia đình chị đã thoát nghèo. Cuối cùng thì tia sáng vẫn le lói với gia cảnh khốn cùng của 2 mẹ con chị khi “… làm đơn lên huyện, trên đó cử người về xác minh lại, thì kết luận xã làm sai, việc đưa tiền hỗ trợ làm nhà chống lũ vào thu nhập là không đúng. Huyện đã tổ chức đối thoại, khẳng định lại điều này” nhưng oái ăm thay, “… xã vẫn không nghe, họ nói có gì năm sau sẽ xét lại. Huyện đã có quyết định, nhưng xã vẫn quyết không chịu sửa..."  Khi phóng viên đem sự việc này trao đổi với Phó Bí thư Đảng ủy xã thì nhận được câu trả lời theo kiểu đá bóng trách nhiệm. 
images1055544_images1049798_a3.jpgChuồng gà được làm bằng thùng nhựa của chị Trần Thị Ngân
Ắt hẳn, phần lớn những người nghèo chẳng ai muốn cứ nghèo mãi để được nhận trợ cấp. Nhưng cái gì cũng phải có nguyên tắc của nó, dù ít dù nhiều thì đồng tiền hỗ trợ, các chế độ ưu đãi của Đảng và Nhà nước… phải đến đúng đối tượng. Và người nghèo cũng chỉ cần có thế: một sự công bằng với họ. Tôi tự hỏi, liệu ngoài xã hội kia còn bao nhiều cảnh đời phải chịu thiệt thòi như chị Trần Thị Ngân? Và với những thân phận ấy, ai sẽ đứng ra bảo vệ và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ khi vẫn còn một bộ phận cán bộ,  những người được xem là công bộc của dân còn quan liệu, chưa thực sự vì dân, vì người nghèo như đã được đề cập trong bài viết?
 
Người xây dựng