(Baonghean) - Được xem là một trong những bộ môn “vàng” của thể thao xứ Nghệ, với thành tích liên tục nhiều năm liền giành thứ hạng cao trên đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế, nhưng bộ môn cầu mây vẫn đang loay hoay với bài toán nhân lực.
Tại Giải Vô địch cầu mây đôi toàn quốc năm 2015 vừa diễn ra tại Nhà thi đấu thể dục thể thao TX.Cửa Lò, đội tuyển cầu mây Nghệ An đạt ngôi vị thứ nhất nội dung đôi nữ và vị trí thứ ba ở nội dung đôi nam. Đó không phải là kết quả ngoài dự tính, bởi bộ môn cầu mây Nghệ An đã có truyền thống đạt thành tích cao ở nhiều giải đấu. Cầu mây Nghệ An cũng đóng góp cho đội tuyển quốc gia nhiều gương mặt vận động viên nổi bật như Nguyễn Thị Quyên, Trần Hồng Nhung, Trương Kiều Trinh, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Trường Quyết … Tuy nhiên, theo HLV Hoàng Hữu Nghĩa – người có 18 năm gắn bó với bộ môn cầu mây Nghệ An – thì đó chỉ là bề nổi của “tảng băng chìm”. “Đằng sau thành tích, là chặng đường dài nỗ lực, quyết tâm vượt khó của cả thầy và trò. Thực tế, bộ môn cầu mây tỉnh nhà đang gặp nhiều khó khăn, mà tất cả cái khó đều có tác động trực tiếp đến việc tuyển chọn, đào tạo nhân lực” – HLV Hoàng Hữu Nghĩa cho biết.
Nhiều năm về trước, ngành thể dục – thể thao tỉnh nhà còn có chính sách duy trì các lớp VĐV nghiệp dư. Các lớp này hoạt động theo cơ chế tỏa về từng huyện, thành, thị, mỗi địa phương hình thành 1 lớp khoảng 10 – 20 VĐV – là học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn. Một tuần 2 – 3 buổi, HLV của Trung tâm VH-TT huyện, thành, thị sẽ thực hiện nhiệm vụ phổ biến kiến thức và kỹ năng, kỹ thuật cơ bản của môn cầu mây. Từ những lớp nghiệp dư ấy, tên tuổi của bộ môn cầu mây được lan tỏa rộng khắp trong cộng đồng dân cư, và nhiều gương mặt tiềm năng được phát hiện, bổ sung nguồn nhân lực cho đội tuyển cầu mây tỉnh Nghệ An.
Rất tiếc là những năm gần đây, các lớp VĐV nghiệp dư không còn được duy trì, những HLV cầu mây khuyết đi một “kênh” tuyển chọn đắc lực. “Hiện tại, việc tìm kiếm nhân lực bổ sung cho đội tuyển cầu mây phải thông qua cách làm truyền thống, đó là đặt mối quan hệ với giáo viên các trường học để họ chú ý, giới thiệu cho đội tuyển những học sinh có năng khiếu thể thao; hoặc về các làng quê, tìm đến địa điểm vui chơi sinh hoạt của các em thiếu nhi để “chấm” những em có khả năng. Cách làm này tốn nhiều thời gian, công sức, kết quả không phải bao giờ cũng được như ý nhưng vì nguồn VĐV cầu mây của tỉnh nhà, chúng tôi vẫn phải duy trì đều đặn nhiều năm nay”. – HLV Hoàng Hữu Nghĩa tâm sự.
Mặt khác, tuyển chọn nhân lực bổ sung cho đội tuyển cầu mây còn gặp khó khăn một phần do nhận thức của cộng đồng. Bộ môn cầu mây còn lạ lẫm với nhiều người dân tỉnh nhà, đặc biệt là người dân các vùng, miền xa xôi. Không biết đã bao nhiêu lần, HLV Hoàng Hữu Nghĩa, HLV Hồ Thị Minh Thuận… của đội tuyển cầu mây Nghệ An nghẹn ngào trước những câu trả lời từ các bậc phụ huynh, rằng “cầu mây là môn gì?”, hoặc “Con gia nhập đội bóng đá thì được, chứ còn cầu mây thì …!”. “Những lúc đó cảm thấy buồn vì tìm được một gương mặt tiềm năng cho cầu mây rất khó vì những tiêu chí khắt khe về chiều cao, về sức bền, độ dẻo, sức bật … lại không tuyển chọn thành công. Buồn nữa là vì dù đã có nhiều nỗ lực và thành tích, cầu mây vẫn chưa được đánh giá đúng với vai trò, tầm vóc của nó trên mặt bằng thể thao tỉnh nhà”. – HLV Hồ Thị Minh Thuận – một trong những HLV tài năng của cầu mây Nghệ An trưởng thành từ môi trường VĐV chia sẻ.
Thiếu nguồn VĐV, nên trong khi đội tuyển tỉnh bạn thường có trung bình 30 VĐV trở lên, đội tuyển cầu mây Nghệ An chỉ có 19 VĐV. Điều này gây hạn chế lớn trong quá trình sàng lọc, cạnh tranh để có chất lượng nguồn VĐV tốt nhất; đồng thời là thách thức trong việc kế thừa, tiếp nối giữa các thế hệ VĐV. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nhân lực cũng khó nhiều bề. Ngoài cái khó chung của thực trạng thể thao tỉnh nhà như thiếu thốn cơ sở vật chất, chế độ, kinh phí tập luyện và thi đấu có hạn… thì đặc thù môn cầu mây còn có những thách thức riêng. Đó là thời gian để đào tạo một VĐV thường kéo dài từ 7 – 10 năm, song song với quá trình đó, cả HLV và VĐV phải cùng nhau vượt qua nhiều áp lực, thay đổi về tâm sinh lý. “Lứa tuổi lý tưởng nhất để bắt đầu với môn cầu mây là 11 tuổi. Ở độ tuổi đó, các em đã vượt ngưỡng trẻ thơ và trên đà phát triển thể lực. Về với đội tuyển, các em phải sinh hoạt tập trung, xa nhà, nên những thay đổi về tâm lý nếu HLV không nắm bắt và khéo léo, thì nhiều khi sẽ “mất” VĐV rất đáng tiếc”. – HLV Hoàng Hữu Nghĩa chia sẻ.
Để giải bài toán nhân lực cho đội tuyển cầu mây Nghệ An, cần thực hiện song song nhiều giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Theo HLV Hoàng Hữu Nghĩa, 18 năm gắn bó với đội tuyển, ông luôn trung thành với phương pháp đào tạo thẳng thắn, trung thực, xem trò như bạn. “Hầu hết phụ huynh và các em trong đội tuyển đều có thời gian lung lay, dao động về tương lai, rằng không biết, theo đuổi cầu mây nhưng sau này quá tuổi thi đấu sẽ làm thế nào? Chúng tôi nghĩ, nên thẳng thắn trao đổi với phụ huynh và các em về việc này chứ không nên lẩn tránh”. – HLV Hoàng Hữu Nghĩa cho biết. Và ông nói, luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho các em học văn hóa chứ không vì gánh nặng thành tích mà lao vào tập luyện, phải luôn tạo thế cân bằng và nhắc nhở các em về tầm quan trọng của kiến thức văn hóa trong cuộc sống. Mặt khác, động viên các VĐV tiếp tục theo học Đại học TDTT để trang bị “vốn liếng” cho bản thân, có nhiều cơ hội rộng mở hơn trong tương lai. Từ đó, phụ huynh và VĐV yên tâm để theo đuổi con đường thể thao nhiều gian khó.
Còn giải pháp dài hạn, hiệu quả nhất vẫn là phấn đấu đưa cầu mây trở thành một trong những môn thể thao học đường, từ đó xây dựng và phát triển nên các giải đấu cầu mây phong trào. Giải pháp này không phải lần đầu tiên được đề cập tới, nhưng để trở thành hiện thực, “chìa khóa” nằm ở quyết tâm của các cấp, các ngành và sự đồng hành của toàn xã hội. Làm được như vậy, mới vững niềm tin về sự phát triển xứng tầm của bộ môn “vàng” trong làng thể thao xứ Nghệ.
Phương Chi