(Baonghean) - Ông Nguyễn Hồng Thanh, Tổng Giám đốc, Chủ tịch CLB SLNA trao đổi với phóng viên Báo Nghệ An về công tác đào tạo, huấn luyện các cầu thủ trẻ của “lò” đào tạo SLNA hiện nay.

P.V: Thưa ông, SLNA là một CLB có truyền thống về công tác đào tạo trẻ, từng được nhiều địa phương trong cả nước đến học hỏi, nhưng trong mùa giải 2015 này, chúng ta đã “trắng tay” tại các giải trẻ, nơi mà mới năm trước đây  chúng ta còn gặt hái rất nhiều thành công, theo ông điều gì đã dẫn đến nguyên nhân này?

images1199589_dsc_0084.jpgTrần Đình Hoàng (trái ảnh) trưởng thành từ đội trẻ SLNA.


Ông Nguyễn Hồng Thanh: Bóng đá là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ, trong đó bóng đá trẻ Nghệ An đã có thương hiệu từ lâu, được người hâm mộ cả nước biết đến. Với những đóng góp của SLNA cho các đội tuyển quốc gia qua nhiều năm, chúng ta được ghi nhận là trung tâm đào tạo trẻ xuất sắc của Việt Nam. Nhưng gần đây, trên cả nước đã xuất hiện thêm nhiều trung tâm đào tạo trẻ được đầu tư lớn, với trang thiết bị vật chất hiện đại, cơ chế ưu đãi hơn hẳn SLNA, như: ở TP. Hồ Chí Minh có VPF, ở Hà  Nội có Viettel, Hà Nội T&T, rồi HAGL - là lò đào tạo đạt đẳng cấp quốc tế bởi học liên kết với Học viện bóng đá JMG của Pháp. Từ khi có các trung tâm đào tạo mới này, công tác tuyển chọn đầu vào của “lò” đào tạo SLNA bị cạnh tranh khốc liệt. Các  trung tâm đào tạo đó tung người đi tuyển quân ở khắp các địa phương, trong đó có Nghệ An. Trước đây, các địa phương nào có cầu thủ giỏi họ đều giới thiệu cho SLNA, nhưng hiện nay các trung tâm đào tạo như VPF, Viettel  với cơ chế ưu đãi lớn, họ cho tiền cả người giới thiệu, hỗ trợ gia đình và cầu thủ, nên đã có nhiều tài năng trẻ ở Nghệ An gia nhập các trung tâm này.


Ngoài việc cơ chế tuyển quân họ hơn mình thì công tác đào tạo họ cũng được đầu tư rất lớn. Chế độ dinh dưỡng cho các cầu thủ rất khoa học, việc ăn ở, đi lại khi thi đấu của họ cũng rất tốt.  Trong khi đó, các cầu thủ chúng ta mặc dù đã được quan tâm, đầu tư nhiều hơn so với trước, nhưng chúng ta chưa thể có chế độ ăn cho phù hợp với dinh dưỡng của VĐV, chưa có chế độ đãi ngộ tốt cho HLV cũng như các cầu thủ trẻ…


Tất cả những điều đó đã dẫn đến từ chỗ, khi các nơi khác chưa đầu tư mạnh cho công tác đào tạo thì chúng ta còn “làm mưa làm gió” tại các giải đấu trẻ, nhưng hiện nay để có huy chương cũng đã là khó chứ chưa nói đến chức vô địch.


P.V: Bên cạnh sự cạnh tranh khốc liệt của các lò đào tạo trẻ khác, có một số người cho rằng, trong nguyên nhân thất bại của các đội trẻ SLNA năm nay, còn có việc chúng ta dùng HLV không có bằng cấp, ông có nhận xét gì về điều này?


Ông Nguyễn Hồng Thanh:Nói như vậy là không đúng và thiếu tính xây dựng, các HLV tại các tuyến trẻ của SLNA hiện nay phần lớn là những người trưởng thành từ CLB SLNA, họ đều đã tham gia các khóa đào tạo huấn luyện viên của Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Liên đoàn bóng đá Châu Á… đã được cấp các chứng chỉ đào tạo A, B, C, ngoài các chứng chỉ đào tạo HLV ra, nhiều người còn có nhiều bằng cấp nghiệp vụ  khác nữa. Nhưng trong bóng đá, bằng cấp là chưa đủ mà còn phải có kinh nghiệm, chuyên môn.  Căn cứ trên thành tích đạt được cũng như cống hiến cho đội bóng mà chúng tôi giao cho các huấn luyện viên có kinh nghiệm làm HLV các lứa tuổi. Mặc dù không được trả lương cao như một số nơi khác, nhưng anh em HLV làm công tác đào tạo trẻ của SLNA cũng rất tâm huyết và gắn bó với nghề của mình.


P.V: Vậy theo ông, chúng ta cần phải làm gì để “lò” đào tạo bóng đá trẻ SLNA không bị tụt lại trong cuộc cạnh tranh khốc liệt hiện nay?


Ông Nguyễn Hồng Thanh: Để duy trì được thương hiệu SLNA và cạnh tranh được với các trung tâm đào tạo mới nổi như VPF, HAGL, Viettel, Hà Nội T&T, chúng ta cần phải có một cuộc cách mạng trong công tác đào tạo trẻ. Chúng ta không thể “ngủ quên trong chiến thắng”. Từ HLV đến các cầu thủ đều phải nỗ lực hết mình trong từng buổi tập. Họ có thể lực hơn mình thì mình phải có kỹ thuật tốt, chiến thuật tốt hơn họ thì mới mong có được chiến thắng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần kêu gọi thêm các nhà tài trợ, đầu tư cho các đội bóng trẻ chúng ta, để các em có điều kiện, cơ sở vật chất tập luyện cũng như chế độ dinh dưỡng tốt hơn, có cơ chế đãi ngộ cho cầu thủ và HLV tốt hơn để thu hút được nhiều tài năng trẻ hơn và các HLV yên tâm công tác.


Với sự cạnh tranh khốc liệt hiện nay, chúng tôi luôn quán triệt và động viên anh em HLV cũng như các cầu thủ trẻ không vì một vài trận đấu, một vài giải đấu chúng ta chưa thành công mà đã chán nản, lơ là việc tập luyện, mà phải luôn nghĩ đến màu cờ sắc áo, thương hiệu của SLNA – niềm tạo hào của xứ Nghệ để nỗ lực phấn đấu đạt thành tích cao nhất trong mỗi trận đấu, trong từng giải đấu.


P.V: Xin cảm ơn ông!


Đức Chuyên