(Baonghean) - Xin được nói ngay, NATO không phải là tên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương viết tắt theo cách lấy chữ cái đầu của các từ tiếng Anh là North Atlantic Treaty Organization. NATO này, cũng viết tắt theo cách đó, nhưng là của cụm từ No Action, Talk Only, nghĩa là không hành động, chỉ nói. Việt hóa đi thì thành ra là: chỉ nói mà không làm hoặc là nói không đi đôi với làm.
Cái tên viết tắt nghe rất Tây này xuất phát từ thực trạng của ngành Du lịch nước ta là tiềm năng, thế mạnh nhiều. Con người, thiên nhiên tươi đẹp, nhưng lại ít quảng bá ra nước ngoài. Nên chẳng khác nào “áo gấm đi đêm”. Cho dù, các tổ chức, cơ quan, quan chức ngành Du lịch luôn nói cảnh quan du lịch nước ta không thua quốc gia nào cả. Cái chính là cần phải tập trung và đẩy mạnh việc quảng bá con người, cảnh sắc đẹp đẽ của nước non nhà ra thế giới bên ngoài để thu hút du khách. Ý tưởng đó, cũng được bàn luận nhiều trong các hội nghị, hội thảo về phát triển ngành Du lịch. Bộ, ngành nói vậy. Các địa phương nói vậy.
Các chuyên gia cho đến người trực tiếp làm du lịch cũng đều biết vậy và nói vậy. Nói mãi nhưng rồi vẫn chưa thấy ai có một hành động cụ thể, thiết thực nào để quảng bá hình ảnh của đất nước. Thực tế thì, thiên nhiên Việt Nam đẹp lắm, đó là nhận xét của rất nhiều khách nước ngoài chứ không phải của những người Việt nhiễm “phép thắng lợi tinh thần” của AQ.
Có lẽ vì thế mà phần lớn các chương trình đình đám để quảng bá cảnh đẹp Việt Nam đều do nước ngoài làm, như hôm qua Đài Truyền hình ABC của Mỹ đã đầu tư 300 nghìn USD cho “Chào buổi sáng nước Mỹ” trực tiếp truyền hình cảnh đẹp Việt Nam, bắt đầu từ sáng sớm ngày 13 tháng 5 vừa rồi. Còn trong nước, từ Nhà nước cho đến tư nhân, chưa có nhiều chương trình đình đám như thế. Cho nên, khi đánh giá công tác quảng bá hình ảnh đẹp của Việt Nam, các doanh nhân làm du lịch gói gọn trong một từ là: NATO! -Không hành động, chỉ nói!
Ngẫm cho thật kỹ, suy cho thật rộng ra thì “bệnh” NATO, không chỉ có ở ngành Du lịch mà vốn đã thành một thứ bệnh trầm kha lan rộng ở nhiều ngành khác. Rõ nét và gây nhiều bức xúc nhất là ngành Nông nghiệp. Một dạo, đi đến đâu người ta cũng hô hào, cổ vũ “đổi mới cơ cấu mùa, vụ, cây, con” chuyển mạnh nền nông nghiệp từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Đến khi nông sản các loại ê hề, bán không nổi, cho đi thì uổng. Điệp khúc “được mùa, mất giá” diễn ra quanh năm, ngày tháng, ở tất cả các mặt hàng.
Người ta lại kêu gọi, hô hào “tìm đầu ra cho nông sản”. Nhưng vì “chỉ nói mà không hành động” thành ra bao năm qua nông dân ta thường lâm vào cảnh lao đao, lận đận với chính những sản phẩm mà họ phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới làm ra được. Mà lao đao, lận đận không biết bao giờ mới thôi vì tới tận ngày hôm nay, vẫn chưa thấy có một kế hoạch, chương trình hành động bài bản, dài hơi nào được đưa ra nhằm giải quyết vấn đề “bí đầu ra” cho nông dân. Đến nỗi, vừa rồi, ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã không ngần ngại nói thẳng ra rằng “Tất cả các mặt trận đều đang gặp sức ép” và khó nhất là nông nghiệp, mặt trận mà trước nay qua bao cơn sóng gió, vẫn luôn chứng tỏ được là “điểm tựa của cả nền kinh tế”. Nông nghiệp ế thừa và giá trị thấp không chỉ ở trong hình ảnh những quả dưa mà ở trong tất cả mọi thứ.
Không chỉ nông nghiệp, mà cả ở trong công nghiệp cũng vậy. Từ rất lâu rồi, dễ là từ những năm đầu thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, người ta đã nói nhiều, nói rất hùng hồn về việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Coi đó là lối mở, là hướng đi cho công nghiệp nước nhà để bắt kịp xu thế chung của thế giới bắt đầu từ cái bu-lông made in VietNam. Nhưng rồi, cho đến nay, sau 30 năm đổi mới, ta vẫn chưa có được nhà máy nào có khả năng sản xuất được cái ốc vít cho hãng điện thoại Samsung với chất lượng và giá thành ngang giá nhập khẩu từ bên ngoài về.
Ta cũng từng nói nhiều về chủ trương nội địa hoá ô tô để có một ngành công nghiệp ô tô ngang ngửa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nhưng cho đến nay, công nghiệp ô tô gần như phá sản vì tỷ lệ nội địa hóa quá thấp thành ra nhập khẩu từ bên ngoài về còn rẻ hơn lắp ráp trong nước. Mũi nhọn công nghiệp ô tô coi như đã thành mũi… tù. Bệnh NATO còn có rất nhiều ở những nơi khác nữa, không thể liệt kê hết được. Chỉ nói ra đây một vài ví dụ tiêu biểu vậy thôi.
Dân ta không lười, người ta không dốt. Thậm chí là còn được công nhận là khá thông minh, nhanh nhạy, nhưng rồi ta vẫn thua bè, kém bạn chỉ vì ta mắc phải căn bệnh NATO. Chỉ nói mà không làm, nói thì rất hay mà làm thì không hoặc làm rất dở. Mỗi một con người, một gia đình và rộng ra là cả quốc gia, dân tộc, muốn phát triển nhanh và bền vững thì nhất thiết phải loại trừ cho bằng được căn bệnh NATO.
Bụt Sơn