(Baonghean) - Hôm nay đi đón Bim, trên đường về nhà đi qua đường tàu hoả, con bé nhất định bắt mình phải quay đầu xe, đi đường khác. Mình ngạc nhiên hỏi vì sao, nó trả lời vẻ nghiêm trọng:
 
- Cậu không đọc tin về vụ tai nạn ở công trình xây đường tàu hoả trên cao ở Hà Nội, gây chết người đấy à? Bim không đi qua đường tàu hoả đâu!
 
Mình phì cười: "Đấy là đường sắt trên cao, mình đi qua đường sắt trên mặt đất thì sợ gì?" Con bé vẫn nằng nặc không chịu, cực chẳng đã mình đành đi đường vòng về nhà.
 
Tất nhiên Bim nhà mình lo lắng cũng có lý, bởi cũng công trình dự án ấy, mấy tháng trước đã sập một lần gây chết người. Mình vẫn nhớ như in vì chỉ trước vụ tai nạn đó một ngày, mình và ông bạn vàng còn lượn lờ xe máy ngay dưới công trình này. Thằng bạn còn nói đùa một câu: "Có khi nào cái đường tàu này sập xuống đầu hai đứa mình không nhỉ?". Hôm đấy hai thằng còn cười cợt với nhau. Ngờ đâu mấy hôm sau dưới công trình ấy xảy ra tai nạn thật, hai thằng sợ xanh mắt. Đúng là "phỉ phui cái mồm"...
 
images1165754_oto_1419795563606.jpgVị trí sập giàn giáo nhà ga đang thi công khiến giao thông ùn tắc. Ảnh: internet
 
Kể cũng lạ, một công trình mang tầm vóc tiên phong thí điểm như vậy, lẽ ra phải được quan tâm, theo dõi hết sức gắt gao, cớ sao lại để liên tục xảy ra sự cố có liên quan đến mạng người? Có hai lý do khả dĩ: một là do công trình thi công không đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn xây dựng. Lý do này có yếu tố chủ quan và thuộc trách nhiệm của đơn vị thi công, cần phải có hình thức xử lý nghiêm để tránh tái diễn. Thứ hai, xét bối cảnh không gian nơi thi công công trình, phải thừa nhận rằng Hà Nội không phải là một đô thị "thân thiện" với việc xây dựng.
 
Trên nền tảng một thành phố có quy hoạch cũ và đã không còn đáp ứng được nhu cầu phát triển của thời đại, mọi sự thay đổi đều chỉ có thể mang tính cơi nới, chắp vá chứ để xây mới hoàn toàn gần như là “điệp vụ bất khả thi”! Vậy thì câu hỏi đặt ra cho các nhà quy hoạch đô thị và nhà thầu thi công là: làm như thế nào để giảm thiểu rủi ro sự cố trong các công trình xây dựng đối với những đô thị đặc thù như Hà Nội nói riêng và với mặt bằng quy hoạch còn thiếu đồng bộ như ở Việt Nam nói chung? Bởi, dù khó đến đâu đi chăng nữa, đổi mới và phát triển vẫn là nhiệm vụ bắt buộc phải thực hiện. Vấn đề là thực hiện như thế nào, thực hiện ở đâu thì khả năng thành công cao, hạn chế chồng lấn với phông nền cố định có từ trước đó.
 
Nói như vậy để hiểu được phần nào những sự cố trong xây dựng ở một đô thị như Hà Nội là điều khó tránh khỏi và nguy cơ cao hơn ở những nơi có không gian, mặt bằng thông thoáng. Nhưng lý do đó không đủ để biện minh cho một sự thật khó có thể chấp nhận là một công trình vì mục đích dân sinh mà lợi ích cho người dân chưa thấy, đã "kịp" trở thành một "điểm đen" chết chóc. E rằng khi công trình hoàn thành, người ta sẽ gọi nó là "đường tàu tử thần" thay vì đường tàu trên cao, đáng buồn thay!
 
Hải Triều