(Baonghean) - Dư luận đang “nóng” theo sự kiện Giám đốc Sở Y tế Nghệ An vào vai “bệnh nhân”, “vi hành” xuống mấy cơ sở nha khoa thuộc hàng có tên có tuổi ở Thành phố Vinh để “bắt tận tay day tận cánh” “tập đoàn bẻ răng chui” này! Bắt được, bắt quả tang luôn. Òa, sướng!
 
Phải nói quá ư là ngoạn mục, cách thức kiểm tra có pha chút tình tiết vẻ như trinh thám ly kỳ này góp phần làm vỡ òa ra lắm thứ ghê! Không chỉ là câu chuyện rút giấy phép hay không rút giấy phép  mà quan trọng hơn qua việc này mới lật ngửa được trách nhiệm của các cơ quan quản lý đang “nằm vô vạt mô”!  
 
Họ (những cơ sở nha khoa “chui”) không những có tên, mà lại còn là tên bề thế, không những có tuổi lại là còn tuổi già dặn. Nói họ “chui” là chui qua kẽ hở “hơi bị” thênh thang của công tác quản lý thôi. Chứ cơ sở của người ta chình ình ra đó, có biển, có hiệu, có cả “hót lai” (hot line - đường dây nóng) chứ đâu phải núp vùng hẻo lánh hay “ngõ nhỏ phố nhỏ” đâu mà “chui” qua được con mắt của mọi người. Ấy vậy mà bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu nơi mà sao họ vẫn ung dung vi phạm mà nói như cụ Nguyễn Du là “Chọc trời khuấy nước mặc dầu/ Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Vấn đề bóc mẽ là ở chỗ ấy.
 
Hay là “trên đầu có ai” thật? Không biết, nhưng nếu có cũng chắc chắn không phải bác Giám đốc sở vừa đi “vi hành”. Không có “ai” thì mấy “ai” dám ngang nhiên thế, nhỉ? Có người đặt câu hỏi “vụ” này chính quyền cơ sở “cấp xã” có nắm được không? Câu trả lời rành… khó. Nói có biết mà lại “thả rông” như thế cũng dở, mà nói không biết thì lại càng dở hơn. Có lẽ lại phải tặc lưỡi cảm thông cho cơ sở vì bận trăm thứ bà rằn nên chuyện nha khoa tạm thời để “ngoài danh mục” nóng. Giờ thì vê tê vê (VTV) “chiếu” rồi, đường lùi cho những phòng khám nha khoa “chui” mà mấy bác xe ôm thường gọi tếu là “ốt bán răng” ấy coi như hết.
 
Nhân chuyện bác Giám đốc sở “vi hành” tôi cũng tranh thủ hầu kể mọi người chuyện của mình. Cách đây 2 năm, tôi có đi khám răng. Cũng không để ý là mình vào chỗ “chui” hay “đi khom”, chỉ nhớ nữ bác sĩ luống tuổi quan tâm lừng ly từng tý rồi “khuyên” nhổ mấy cái răng sâu đi, trồng đám sứ ti tan vào cho nó… sang, tò mò thì được biết giá mỗi chiếc răng giả nhỏ bằng hạt ngô ấy là 1,7 triệu đồng. Tiếc “của gia truyền” nên tôi khước từ. Ơn giời, đến nay răng tôi vừa khỏi sâu mà lại chưa hề bị… “tin tan”. May!
 
Vậy là cơ sở nha khoa “chui” đã bị lật tẩy, kết quả kiểm tra cũng đã được công bố rộng rãi. Điểm mặt “anh tài” gồm: Nha khoa thẩm mỹ (số 48 đường Chu Văn An); Phòng khám nha khoa Hoàng Thu (151 đường Lê Lợi); Trung tâm nha khoa thẩm mỹ Răng Xinh (số 33 Đinh Công Tráng); Nha khoa Sông Lam (số 96 Đốc Thiết) và một cơ sở mới chuyển nhượng, đang xin cấp phép hoạt động.
 
Được biết, khi đoàn thanh kiểm tra đến một cơ sở nha khoa thẩm mỹ thì gặp cảnh “vắng không rõ lý do”. Tại một phòng khám nha khoa khác, đoàn phát hiện cơ sở này đã hoạt động sai chức năng, phạm vi cho phép cũng như quảng cáo sai sự thật. Một trung tâm đã bị rút giấy phép hành nghề nhưng thời điểm đoàn kiểm tra thì cơ sở này vẫn làm răng cho bệnh nhân, chủ cơ sở không có mặt.
 
Đặc biệt, khi Giám đốc Sở Y tế Nghệ An đã “vào vai” người đến khám tại một cơ sở nha khoa thì nhân viên ở đây vẫn mở máy chụp phim cho “bệnh nhân”... Giám đốc Sở, mặc dù cơ sở này chưa được cấp phép hoạt động và chủ cơ sở vắng mặt. Cơ sở nha khoa thứ 5 thì được chủ cơ sở mới “sang tên” nhưng lại chưa… đổi chủ! Tuy chưa được phép hoạt động nhưng cơ sở vẫn mở cửa để “giữ khách”.
 
Những vi phạm thì coi như đã rõ như ban ngày. Tuy nhiên, chuyện quản lý thì lại mở ra những câu hỏi không mới nhưng chưa cũ. Tại sao phải tận đến lúc người đứng đầu ngành Y tỉnh nhà vào cuộc thì sự việc mới được vén lên? Ngoài “răng” ra thì mắt nữa, thì tai mũi họng nữa, thì nhi nữa, thì sản khoa nữa, … Nhiều, nhiều lắm, liệu cán bộ đứng đầu ngành Y tế tỉnh nhà có đủ sức, đủ người, đủ thời gian mà “vi hành” hay không? 
 
Luật khám chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 23 tháng 11 năm 2009 đã dành những 7 điều (từ điều 7 đến điều 13) quy định về quyền của người bệnh, nhưng có lẽ nó vẫn chưa “ngấm” đến bệnh nhân? Trong kinh tế thị trường, khi đến với những cơ sở y tế tư nhân thì ngoài vị trí của một bệnh nhân họ còn là khách hàng nữa. Mà đã là người tiêu dùng thông minh thì không ai lại đi mua hàng không rõ nguồn gốc cả! Ngoài trách nhiệm của các cấp, các ngành, thì có lẽ ngành Y, mà không chỉ ngành Y, cần đẩy mạnh hơn công tác truyền thông.
 
Cần có giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả để công khai rộng rãi những cơ sở khám chữa bệnh “phi giấy phép” đến tận mỗi một người dân. Cần trang bị cho họ kiến thức, kỹ năng lựa chọn dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Quy luật thị trường, cầu giảm thì cung cũng sẽ giảm, lúc ấy chắc chúng ta ít phải “vi hành” hơn. Dẫu sao thì mọi người cũng rất ghi nhận, trân trọng và cảm ơn hành động “xông thẳng vào trận địa” của lãnh đạo sở. Nhưng cứ nơi nào, việc gì cũng phải chờ “xuất tướng”, cũng phải sở trực tiếp ra tay, sở lại còn phải vào vai bệnh nhân nữa thì cũng… khổ sở thật!
 
Nguyễn Khắc An