(Baonghean) - Khu tôi cư trú có khá đông nhà báo. Có người đương chức, có người đã nghỉ hưu. Nhưng cái nghề “nghỉ mà không hưu” này lại gắn chúng tôi lại với nhau bởi “máu nghề nghiệp”, nhất là mỗi dịp gần đến kỷ niệm “ngày của mình” 21/6, hay khi sắp đến kỳ chấm giải báo chí hàng năm.

Mới hôm nọ, trong một dịp hội ngộ bác X - một nhà báo thuộc loại lão làng vừa ngồi vào bàn trà đã nêu vấn đề:

-Ông N này, tôi vừa đến thăm anh em ở cơ quan cũ, nghe mấy bạn trẻ nói “ông này phải lao vào tìm đề tài để viết bài dự thi” tôi thấy hơi lạ. Sao lại có loại bài chỉ để dự thi ? Nó khác những bài báo không dự thi ở chỗ nào?

Nghe bác X hỏi, ông N, người chủ sự hội trà hôm nay, một vị nguyên lãnh đạo một đài truyền hình địa phương, một đài đã từng được khá nhiều giải ở các cuộc thi vùng, thi toàn quốc trả lời ngay:

-Bác X ơi, tình hình đó là có thật. Hồi còn làm việc, bọn tôi cũng trăn trở nhiều. Ở một đài địa phương có bao nhiêu là việc, nhưng lo nhất và đầu tư lớn nhất vẫn là những “tác phẩm dự thi”. Vì năm nào cũng thi, thể loại thì rộng nhưng hầu như chỉ dồn vào những vấn đề gay cấn, nhất là chống tiêu cực. Các bác có thấy những vấn đề mới trong cuộc sống tuyên truyền cả năm mà nào mấy khi được giải. Báo chí ta cứ nói, trong tuyên truyền thì biểu dương nhân tố mới là chữ đạo, nhưng cứ xem bài đoạt giải trong các cuộc thi hàng năm cả báo viết, báo nói, báo hình thì bài về nhân tố mới được mấy giải. Bởi vậy, anh em nói lo “đi viết bài dự thi”, “làm phim dự thi” cũng đâu có sai, vì phải tìm đề tài “hợp khẩu vị”.

Cuộc trao đổi của các nhà báo lão thành bỗng trầm hẳn xuống. Có ai không quan tâm đến việc chống tiêu cực, tham nhũng. Có ai không biết những nhà báo đang đi vào điều tra, viết bài chống tham nhũng là rất công phu, nguy hiểm, có khi tính mạng bị đe dọa. Nhưng những nhà báo đang vào những vấn đề mới, biểu dương những nhân tố mới đâu có dễ (trừ những người vì lợi ích cá nhân để tô hồng theo kiểu quảng cáo trá hình). Nhưng trong các cuộc thi nghiệp vụ báo chí ở địa phương cũng như ở Trung ương, có lúc còn nặng về một số mảng, đề tài, nhất là chống tiêu cực nên mới có xu hướng đi “viết bài dự thi”, “làm phóng sự, điều tra truyền hình dự thi”.

Để “hội trà nghiệp vụ” trở lại vui vẻ, bác N nâng chén trà thay rượu trong tiếng cười: “Thôi nhé, sắp đến ngày của mình”, chúng ta bàn luận đôi điều. Tất cả đều mong các nhà báo dù là đương chức hay đã “nghỉ mà chưa hưu” hãy đi vào cuộc sống theo những mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Chúng ta tin rằng, những tin bài hay, những phóng sự tốt được quần chúng hoan nghênh dù không được giải, không được tuyên dương, khen thưởng ở các cuộc thi thì sẽ được giải “trong lòng công chúng”


Nhị Thanh