(Baonghean) - Sau khi tốt nghiệp Khóa 1 Học viện Báo chí - Trường Tuyên giáo TƯ (1969 – 1973) về công tác tại Báo Nghệ An cho đến lúc về hưu (2007), nhà báo Phan Thị Thúy Liên – nguyên Tổng Biên tập Báo Nghệ An, luôn để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng các đồng nghiệp, không ít người coi bà như một người chị, người thầy đáng kính.
- Suốt 34 năm tâm huyết, gắn bó với tờ báo đảng tỉnh nhà, nếu nói về “nghiệp báo” của mình, chị nhớ nhất những gì?
- Nhớ nhất là những ngày mới về báo, được Ban Biên tập phân công về tổ Công nghiệp. Nhỏ bé, lại là con gái nên được các đàn anh quan tâm lắm, đi đâu các anh cũng gọi đi theo, chỉ bảo tận tình. Đi cơ sở chủ yếu các anh đèo bằng xe đạp, mỗi lúc đi tác nghiệp xa một mình thì trầy trật bắt xe khách về cơ sở rồi lội bộ khắp nơi bất kể mưa nắng, rét mướt và cả đói khát. Vất vả vô cùng nhưng say nghề lắm, cho đến bây giờ tôi vẫn không hình dung nổi mình lấy đâu ra năng lượng và nghị lực để vượt qua những thử thách, khó khăn của những năm tháng “vào nghề”… Sau này, khi trải qua các vị trí quản lý, lãnh đạo, phải nói thật lòng là nếu không có sự đồng tâm nhất trí ủng hộ của tập thể, tôi không dễ hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Chị Phan Thị Thúy Liên
- Vâng, các thế hệ làm báo sau chị đều biết ngay từ cái “thủa ban đầu” cầm bút, chị đã có nhiều bài viết sắc sảo, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận mà cho đến nay vấn đề vẫn mang tính thời sự như “Lộn xộn trong đầu tư xây dựng cơ bản”, “ Ước mơ bình dị”, “Đầu tư cho công nghiệp – Có thực mới vực được nghề”… Chị có thể nói rõ hơn?
- Đi sâu tìm hiểu, trăn trở với từng lĩnh vực mình theo dõi, từng đề tài, từng bài viết, chia sẻ khó khăn với cơ sở… là những kinh nghiệm mình rút ra để có các bài báo chất lượng. Mình thường không viết khen mà tâm niệm viết để người ta đọc được gì trong đó có ích cho họ. Các bài viết mà bạn vừa nêu đôi khi được đánh giá là “gai góc”, đụng chạm, nhưng rất vui là các ngành, đơn vị được phản ánh đều nghiêm túc tiếp thu và xử lý các vấn đề bài viết nêu; thậm chí nhiều ngành, đơn vị đã thực sự coi tôi như “người nhà”, chia sẻ mọi chuyện thân tình như mình là thành viên của họ vậy… Sự tin cậy, trân trọng đó được được các anh chị nguyên lãnh đạo các ngành, đơn vị giữ mãi đến tận bây giờ mỗi lần gặp lại.
-Ngay sau khi nghỉ hưu, chị được tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ khối phố nơi cư trú. Sau nhiều năm phấn đấu, đến năm 2011 khối được công nhận “Khối văn hóa”… Hẳn chị đã vận dụng nhiều kinh nghiệm trong “nghiệp báo” của mình vào “chức trách” mới?
- Vẫn là nhờ sự đồng tâm hợp lực của cả chi bộ, ban cán sự khối và nhân dân cả thôi. Bản thân tôi thì cứ nghĩ đã nhận việc gì thì phải làm tận tâm, tận lực, trước hết là tôn trọng thực tế và cái tình. Rồi ngay cả khi đưa ra một ý kiến bàn bạc cũng phải suy nghĩ, trăn trở sâu… Phải chăng đó là những gì mình có được từ nghề báo?
- Rất có thể, thưa chị! Chị có nhận xét gì về đời sống báo chí nói chung hiện nay và báo Nghệ An nói riêng?
- Báo chí hiện nay rất năng động trong thông tin, tính cạnh tranh, tính chiến đấu cũng tăng lên rất nhiều, đóng vai trò quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đất nước…Tuy nhiên, vẫn không ít những tờ báo còn mang tính lá cải, đòi hỏi phải sớm có giải pháp khắc phục để phù hợp với nhiệm vụ, tiêu chí thông tin tuyên truyền, văn hóa tư tưởng của đất nước thời kỳ mới hiện nay. Riêng với Báo Nghệ An, liên quan đến việc đọc, làm theo báo đảng của chi bộ khối phố nên tôi chỉ nói thế này: Rất nhiều sự việc nổi cộm trên địa bàn chúng tôi hiện nay đã được các cấp ủy dùng Báo Nghệ An tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân khi Báo có bài viết phản ánh những sự việc đó. Nói chung, báo đã cố gắng bám sát những vấn đề mà cuộc sống, cơ cở đặt ra, nhưng vẫn chưa thực sự thoát khỏi tính minh họa, khô cứng các vấn đề chính trị. Riêng đội ngũ cán bộ, phóng viên của Báo, tôi thấy giàu sức trẻ, có kiến thức bài bản, xông xáo, nắm bắt tốt các kỹ năng, kỹ thuật làm báo hiện đại; và cái cần là đi sâu hơn với các vấn đề cuộc sống, tránh chạy theo nhuận bút và đánh bóng tên tuổi…
- Cảm ơn chị! Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, chúc chị và gia đình sức khỏe, hạnh phúc!