(Baonghean) - Thông tin báo chí có tác động về mặt xã hội hết sức to lớn. Với sứ mạng cổ động phong trào yêu nước, báo chí Cách mạng Việt Nam đã để lại dấu ấn đậm nét trong các cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc. Thời gian gần đây, báo chí nước ta đã trăn trở đi tìm sự thật, khởi xướng và làm bùng nổ hàng loạt vụ việc gây chấn động cả nước như tham nhũng tại PMU18, Petro Việt Nam, Vinashin, Vinaline và mới đây là vụ việc Đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến bị bãi nhiệm.

Báo chí ở Việt Nam, dù chỉ là báo của một ngành, một đơn vị nhưng đều được Đảng lãnh đạo và có mục đích phục vụ cho lợi ích của dân tộc. Báo chí hoạt động theo quy định của luật pháp nhưng mỗi báo có tôn chỉ mục đích riêng, có địa bàn hoạt động và đối tượng công chúng khác nhau. Những ấn phẩm báo chí có phạm vi ảnh hưởng sâu rộng, tác dụng đối với cộng đồng càng thiết thực thì hiệu ứng xã hội càng cao.

Báo chí có lợi thế vô cùng lớn, đó là nắm giữ các phương tiện chuyển tải thông tin và được phép công khai sự thật tới đông đảo công chúng. Một thông tin khi chưa lên báo có thể chỉ là dư luận bình thường, nhưng khi đã được báo chí công khai thì sự lan tỏa rất mạnh mẽ. Bài học ở Việt Nam cũng như trên thế giới cho thấy, một ấn phẩm báo chí tốt có thể cổ vũ, khích lệ hàng triệu người, gây chuyển đổi được cả tình thế. Ngược lại, báo chí có khả năng gây ra những tổn thất khôn lường, làm hỏng những việc lớn, thậm chí lật đổ cả thể chế chính trị hoặc làm điêu đứng hàng loạt hoạt động từ quản lý xã hội tới sản xuất kinh doanh.


777563_small_76722.jpg

Phóng viên Báo Nghệ An tác nghiệp tại vùng lũ Thạch Ngàn (Con Cuông).
                                                        Ảnh: Trần Hải

Báo chí không làm và không thể làm được công việc của các cơ quan tư pháp, nhưng chính bằng cách phát động thông tin báo chí đã giữ vai trò khởi xướng cho các công việc của tư pháp. Thông tin báo chí là cội nguồn để bùng nổ dư luận xã hội và dư luận xã hội lại gây áp lực buộc cơ quan tư pháp phải thực thi công vụ.

Hiệu ứng xã hội của báo chí suy tới cùng chỉ là vậy.

Thế nhưng trong thực tế, vấn đề hiệu ứng xã hội của báo chí lại có những chuyện rất cần được quan tâm.

Hiện nay báo chí đang có một môi trường tác nghiệp hết sức cởi mở. Báo chí hoạt động dường như không có vùng cấm. Trong xu thế mở cửa và hội nhập, hàng loạt vụ việc, sự kiện nổi bật của cả nước ở hầu khắp các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội được báo chí thông tin rất đa chiều, đa phương tiện và đa góc tiếp cận. Cảm hứng chủ đạo của thông tin báo chí vẫn là hướng phát triển tích cực của đất nước. Bên cạnh đó, những chùm bóng tối hay sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cũng được báo chí thẳng thừng phanh phui, làm cho khuynh hướng phản biện xã hội trên báo chí ngày càng thu hút được sự quan tâm của công chúng.

Báo chí và hiệu ứng xã hội của báo chí ở Nghệ An cũng không nằm ngoài mặt bằng chung đó. Báo chí hoạt động trên địa bàn Nghệ An theo rất sát mọi diễn biến của tỉnh. Nhiều vụ việc và sự kiện nổi bật được các báo cập nhật thông tin, đưa tới cho công chúng trong và ngoài nước hiểu biết về hình ảnh một tỉnh Nghệ An giàu tiềm năng, ổn định, cởi mở, thân thiện, nhiều khát vọng hội nhập và phát triển. Chỉ lấy một dẫn chứng nhỏ trong việc khắc phục hậu quả trận lũ quét ở Nậm Giải (2007), lũ kép ở các huyện đồng bằng (10/2010) và vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ (2011), báo chí đã có những thông điệp đầy tính nhân văn gửi tới nhân dân cả nước. Trên cơ sở đó, báo chí đã giúp nhiều gia đình hoạn nạn nhận được sự đồng cảm, chia sẻ và sự hỗ trợ lớn cả vật chất lẫn tinh thần.

Nghề báo là nghề rất nghiệt ngã. Để viết về chủ quyền biển đảo, phóng viên phải lênh đênh ròng rã cả tháng trời tới tận Trường Sa. Để lật tẩy sự lừa đảo của kẻ xấu trong việc tìm mộ liệt sĩ bằng phương pháp áp vong, phóng viên phải chấp nhận sự dấn thân vô cùng nguy hiểm. Cũng có những vấn đề dư luận quan tâm bức xúc được báo chí phát hiện và cảnh báo từ rất sớm như bất cập trong công tác quản lý và khai thác khoáng sản, hậu quả khôn lường sau khi triển khai các dự án thủy điện, ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất công nghiệp, vấn đề quản lý quy hoạch xây dựng và xử lý các dự án có mục đích chuyển đổi. Tiếc rằng, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên không ít những chuyện quan trọng vào hàng quốc kế dân sinh như vậy một thời đã bị chìm xuồng, đến nay chúng ta lại phải tốn không biết bao nhiêu công sức và tiền của để khắc phục.

Biện chứng của phát triển là hai mặt, bên cạnh những thành tựu đương nhiênsẽ có những thiếu sót, sai lầm. Trong bối cảnh các cơ chế và chế tài của nước ta vừa thiếu lại vừa không chặt chẽ thì việc báo chí biểu dương cổ vũ cái tốt và đấu tranh bài trừ cái xấu đang gặp không ít khó khăn. Nhiều nhà báo trên đường đi tìm sự thật đã bị các đối tác cản trở hoặc đe dọa, hành hung. Có lẽ vì thế mà dư luận xã hội ngày càng tin cậy và gửi gắm tâm nguyện cho báo chí, đồng hành với báo chí và dành cho báo chí những thiện cảm tuyệt vời. Thực tế cho thấy, có những oan khuất của người dân hay vi phạm pháp luật nghiêm trọng của một tổ chức nếu báo chí không lên tiếng thì sẽ vĩnh viễn bị lãng quên.

Hiệu ứng xã hội của báo chí không xuất phát từ đề tài, thông tin một điển hình chưa hẳn đã cho hiệu ứng tốt và ngược lại phản ánh những thiếu sót sai lầm không chắc đã có hiệu ứng xấu. Hiệu ứng xấu hay tốt là do quan điểm và thái độ đưa tin của nhà báo và cơ quan báo chí. Năm 2011, có một tác phẩm viết về một dự án nông nghiệp rất hấp dẫn với kỹ năng nghiệp vụ rất giỏi, nhưng đọc kỹ thấy như tác phẩm này đã được đặt hàng. Mới đây, có khá nhiều tác phẩm báo chí thông tin quá đậm về những khó khăn trong cuộc sống của người dân tái định cư ở Thanh Chương, đồng thời cho rằng những hộ dân đã trở lại vùng lòng hồ là quá thuận lợi. Hiệu ứng là báo chí đã vô tình cổ vũ cho người dân tái định cư trở về sinh sống ở vùng lòng hồ Bản Vẽ.

Nếu phải nói về quyền lực thì báo chí chỉ có cái quyền duy nhất là được minh bạch thông tin, minh bạch sự thật. Chính vì thông tin phải minh bạch và phải là sự thật cho nên các cơ quan báo chí cần phải hết sức cẩn trọng xác minh, kiểm chứng thông tin trước khi đăng phát.

Thông tin càng chuẩn xác và tính định hướng càng rõ ràng thì hiệu ứng xã hội càng to lớn, đó cũng chính là yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo nên hình ảnh và thương hiệu của một cơ quan báo chí.

 


Khánh Linh