Thời gian gần đây, lo ngại trước vấn nạn dầu ăn giả, dầu ăn bẩn trên thị trường, người dân nhiều nơi đã chọn cách mang lạc, đậu nành của gia đình làm ra đi ép về dùng, thậm chí những gia đình không làm nông nghiệp cũng đi mua lạc trong dân để mang đi ép.
Chị Lê Thị Tuyết, một chủ cơ sở ép dầu tại thị trấn Nam Đàn cho biết: Mấy năm nay, lượng người dân đến ép dầu cũng như mua dầu lạc đã ép về sử dụng tăng lên đáng kể. Trước đây, gia đình chị Tuyết sử dụng các ống ép thủy lực để ép thủ công, nay thì ép bằng máy nên năng suất cao hơn, mỗi ngày có thể ép được 4-5 tấn lạc.
Với máy ép, sẽ có 4 công đoạn để hoàn tất việc ép dầu, đầu tiên là bóc vỏ lạc (một số nơi người dân có thể ép cả vỏ nhưng với điều kiện vỏ lạc phải được làm thật sạch), sau đó đem sấy, rồi cho vào máy ép, cuối cùng đưa vào máy lọc nén khí để cho ra dầu thành phẩm.
Theo chị Tuyết, cứ 1 yến lạc sẽ cho ra 1 can 5 lít dầu, còn đối với đậu nành và vừng thì 1 yến chỉ cho khoảng hơn 1 lít dầu. Vì có sẵn lạc nên người dân đến ép lạc, đậu nành về dùng rất nhiều, có người còn ép sẵn để gửi đi cho con ở Hà Nội, Sài Gòn để sử dụng.
Hiện nay, phong trào dùng dầu ăn tự ép lan rộng khắp các địa phương. Tại các huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Thanh Chương, Diễn Châu, hầu hết địa phương nào cũng có các cơ sở ép dầu từ thủ công hoặc ép bằng máy để phục vụ nhu cầu của người dân. Với máy ép, mỗi cơ sở thường phải đầu tư khoảng hơn 100 triệu đồng cho các loại máy xay vỏ, sấy, ép và lọc dầu.
Đối với cách ép dầu thủ công, lạc sau khi đã bóc vỏ được đem đi xay nhỏ, sau đó sẽ được hấp chín (hấp cách thủy), và cuối cùng là đóng từng gói nhỏ cho vào khuôn ép để dùng thủy lực ép ra dầu. Khuôn ép là 1 ống hình trụ tròn, cao khoảng 80-90cm, khi lạc được hấp nóng lên, ép sẽ cho ra dầu. Với cách ép thủ công thì sẽ mất thời gian hơn, các công đoạn đều phải có sự can thiệp của con người.
Ngoài ra, hiện nay trên mạng xã hội, nhiều cơ sở kinh doanh hàng online còn rao bán các loại máy ép dầu mini phục vụ trong gia đình. Tuy nhiên, máy ép mini thường có công suất thấp, ép lâu, nên rất ít người sử dụng.
Ông Thông, chủ một cơ sở ép dầu ở khu vực Diễn Thịnh (Diễn Châu) cho biết, hiện nay xu hướng tự ép dầu rất phổ biến trong người dân. Tại cơ sở của gia đình ông Thông, ngày nào cũng có người dân đến ép, nhiều thì 1 yến, có người còn ép cả mấy tạ để dùng dần. Nhiều gia đình ở TP.Vinh khi về quê cũng tìm mua lạc trong dân mang đi ép.
Mặc dù giá lạc, vừng, đậu nành trên thị trường khá cao, 1 yến lạc vỏ có giá 350.000 đồng, lạc hạt là 500.000 đồng, và can 5 lít dầu lạc có giá từ 400.000-500.000 đồng, trong khi đó giá 1 can 5 lít dầu công nghiệp trên thị trường chỉ có giá 150.000 – 200.000 đồng. Nếu so sánh, rõ ràng dầu tự ép đắt hơn 2 đến 3 lần nhưng người dân vẫn sử dụng.
Chị Nguyễn Thị Nga, thị trấn Nam Đàn chia sẻ, bây giờ các loại thực phẩm ngoài thị trường thứ gì cũng có nhưng chất lượng thì không biết, trong khi lạc thì đến mùa có thể mua trong dân về dự trữ, khi nào ăn hết lại đem đi ép, mỗi lít dầu chỉ có 30.000 đồng tiền công, dù đắt hơn dầu ngoài chợ nhưng chất lượng đảm bảo hơn. Chị Nga cũng đặt nghi vấn, giá lạc và đậu nành ngoài thị trường cao như vậy, trong khi 1 can dầu 5 lít chỉ có giá 150.000 đồng thì rất khó tin.
Bà Phan Thị Hương ở phường Bến Thủy (TP.Vinh) cho biết: Mấy năm gần đây không mua dầu thực vật ngoài chợ nữa mà chuyển sang dùng dầu lạc tự ép. Mỗi lần về quê là bà Hương lại nhờ anh em mua sẵn lạc để dự trữ. Dầu ép được, ngoài việc dùng trong nhà, bà Hương còn gửi ra cho con đang học ở Hà Nội, bởi theo bà, biết chắc sản phẩm làm ra sẽ yên tâm hơn so với dầu mua ở chợ. Nhất là ở Hà Nội thời gian qua nghe nhiều đến chuyện dầu bẩn, mỡ động vật bẩn tràn lan, nên cứ ép sẵn rồi gửi ra cho con cái dùng.
Nhiều người cho biết, dùng dầu tự ép quen rồi, bây giờ nếu chuyển sang các loại dầu mua ở chợ rất khó ăn. Dầu lạc vàng óng, đặc hơn nên cũng đỡ tốn hơn./.