Khu vực xã Tân Hương (Tân Kỳ) là nơi có rất nhiều cơ sở
ươm cây giống, chủ yếu là các loại cây để trồng rừng như keo, bạch đàn, xà cừ, lát... Để kịp thời đáp ứng nhu cầu mua cây với số lượng lớn của các chủ rừng, các cơ sở ươm cây giống buộc phải thuê người đóng đất vào bầu. Vì thế mà lực lượng lao động chuyên đi đóng bầu đất ra đời.
Người lao động cần mẫn ngồi đóng bầu cây. Ảnh: Tiến Đông Để có được 300.000 đồng tiền công, mỗi ngày những người lao động đóng bầu đất phải làm được số lượng hơn 10.000 bầu.
Chị Hà, trú tại xóm 9 (Tân Hương), đã làm nghề này nhiều năm, đưa đôi tay thoăn thoắt lấy túi bầu được dẫm dưới bàn chân, vừa vốc đất bỏ vào bầu rồi nén lại xếp vào hàng ngay ngắn. Mọi động tác, cử chỉ cứ lặp đi lặp lại như một cái máy. Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Hà cười, làm lâu rồi sẽ quen thôi mà. Đóng được 10.000 bầu đất mỗi ngày không phải chuyện đơn giản. Chưa kể có những thời điểm giá cây giống rẻ thì công đóng bầu cũng rẻ theo.
"Thời điểm này giá cây giống ở mức cao, mỗi cây keo con giá 500 đồng, lát thì 1 cây 5.000 đồng, nên mấy chị em cũng được hưởng lây" - chị Hà cười.
Xay mịn đất để đóng bầu. Ảnh: Tiến Đông Chị Hà bảo nghề này là nghề "nghịch đất". Đất để đóng bầu được người khác xúc vào máy xay mịn, trộn với phân tổng hợp, sau đó đổ thành đống để cho các chị em lao động ngồi đóng. Vào những ngày trời im mát thì có thể kiếm được 300.000 đồng, nhưng có những hôm trời nắng 39 - 40 độ, ngồi cả ngày ngoài nắng ai nấy đều hoa mắt cả, chẳng làm nổi 150.000 đồng. Chưa kể có khi mưa thì đất bị nhão choẹt cũng không đóng được. Vậy là không có thu nhập.
Sau khi đóng xong, những bầu đất được xếp hàng ngay ngắn giúp thuận lợi cho việc kiểm đếm để trả tiền công. Ảnh: Tiến Đông Chị Nguyễn Thị Phượng, xóm Tân Minh (Tân Hương), chuyên gọi người lao động đi đóng bầu cây thì cho biết: Những người làm nghề này ban đầu xác định là nghề tay trái, chỉ đi làm lúc rảnh việc đồng áng ở nhà. Nhưng sau dần, do nhu cầu ngày nào cũng phải đóng bầu nên họ đi làm liên tục, trở thành nghề cho thu nhập chính. Những người làm nghề đóng bầu đất ở Tân Hương không khi nào hết việc, chỉ có điều, nếu như giá cây cao thì chủ vườn trả công đóng bầu cao hơn và ngược lại.
Đóng cho vườn này xong thì họ đi sang vườn khác, đóng hết lượt bầu cho cây keo họ lại chuyển sang đóng bầu cho cây lát, cây xà xừ, nếu bầu to thì tiền công cũng cao hơn.
Sau khi xong phần đóng bầu, những người khác sẽ làm nhiệm vụ cấy cây giống vào bầu. Ảnh: Tiến Đông Sau khi hoàn thành việc đóng bầu đất, các chủ vườn lại phải thuê những người lao động khác cấy cây giống vào bầu.
Đối với cây lát thì hạt giống sau khi nảy mầm ngoài bãi đất được vài tuần sẽ đem cấy vào bầu. Còn những loại cây có hạt to, cứng, hoặc ươm cành thì sẽ được cấy trực tiếp vào bầu. Thường thì một nhóm, hay tổ sẽ nhận làm luôn phần đóng bầu và cấy cây giống. Cũng có những người chỉ quen làm việc cấy cây giống. Tiền công mỗi ngày giao động từ 150.000 - 170.000 đồng.
Khác với đóng bầu, người làm nhiệm vụ cấy cây vào bầu phải cẩn thận và nhẹ nhàng hơn để tránh làm cây con bị gãy. Ảnh: Tiến Đông Chị Nguyễn Thị Vịnh, ở Làng Rào (Tân Hương), hàng ngày cứ chạy xe máy lên xóm Tân Minh để cấy cây giống vào bầu cho chủ vườn. Chị Vịnh làm nghề này cũng được 2 năm rồi. Dù vất vả, nhất là việc ngồi ngoài trời cả ngày khiến cho những người làm nghề này hay bị thoái hóa đốt sống, thoát vị đĩa đệm, nhưng vì để đảm bảo chăm lo cho cuộc sống gia đình nên họ phải chấp nhận.
Ông Nguyễn Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hương chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, một số hộ dân ở địa phương đã tự xây dựng mô hình vườn ươm
cây giống lâm nghiệp có hiệu quả cao, về sau có nhiều hộ học theo. Đến nay toàn xã đã có gần 200 hộ xây dựng vườn ươm cây, cung cấp cây giống cho hầu khắp các tỉnh Bắc Miền Trung. Từ khi nghề ươm cây giống phát triển, đã trở thành hướng đi mới cho người dân địa phương.
Toàn xã Tân Hương có 10 xóm thì các vườn ươm cây chủ yếu ở các xóm Tân Minh, Tân Sơn, Châu Nam, người dân ở các xóm còn lại thì đến các xóm này làm thuê, tạo nên lực lượng lao động đa dạng. Có người thì chuyên đi đóng bầu, cấy cây, nhổ cỏ, đảo cây, có những người thì xay đất hay là đi buôn cây giống để bán cho người dân có nhu cầu ở địa phương khác./.