Dấu ấn từ những con số
Về các vùng nông thôn ven biển, rất nhiều nơi phải đối mặt với nạn ô nhiễm do rác thải, nguồn nước không đảm bảo, nhà vệ sinh không đạt... ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của cộng đồng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với nhận thức ngày càng cao về vấn đề môi sinh môi trường, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, và nhất là nguồn vốn ưu đãi từ chương trình cho vay nước sạch, VSMTNT, nên cuộc sống người dân có nhiều đổi thay.
Ở xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai), ông Nguyễn Văn Nho - Chủ tịch UBND xã cho hay: Quỳnh Lập là xã biển đất chật người đông, nước sạch khó khăn và việc xây dựng hố tiêu hợp vệ sinh cũng rất nan giải. Thế nhưng, từ nguồn vốn cho vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), nhiều hộ thuộc diện được vay vốn đầu tư công trình nước, xây dựng nhà vệ sinh... Cũng nhờ đó, năm 2017 xã về đích nông thôn mới. 
bna_a14530664_1132021.jpgChị Nguyễn Thị Hạnh ở xóm 1, xã Hưng Mỹ, huyện Hưng Nguyên sử dụng công trình nước sạch từ vốn vay NHCSXH. Ảnh: Thu Huyền

Không chỉ ở Hoàng Mai, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đến nay đã có công trình nước sạch, nhà vệ sinh đảm bảo tiêu chuẩn. Chị Nguyễn Thị Hạnh ở xóm 1, xã Hưng Mỹ (huyện Hưng Nguyên) cho biết, trước đây chưa xây bể nước sạch gia đình phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Năm 2016, từ nguồn vốn vay của ngân hàng chính sách xã hội huyện, gia đình vay 12 triệu đồng đầu tư đường ống, xây bể, lắp đặt máy lọc, làm nhà vệ sinh. Nhờ nguồn nước đảm bảo vệ sinh nên chúng tôi yên tâm sử dụng, sức khỏe tốt hơn, nhà cửa sạch sẽ...

Theo số liệu tổng hợp, năm 2003, trước khi triển khai Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg (Quyết định 62) của Thủ tướng Chính phủ, số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh còn thấp, chỉ đạt 271,4 ngàn hộ (chiếm 51%), đặc biệt là số hộ được sử dụng nước sinh hoạt đạt chuẩn quốc gia chỉ đạt 13%; tỷ lệ hộ dân có nhà tiêu, chuồng trại hợp vệ sinh rất thấp, trong đó có cả một số trường mầm non, tiểu học và trạm y tế chưa có đủ nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. 
Đồ họa: Lâm Tùng

Triển khai Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ, tín dụng do NHCSXH thực hiện đã trở thành công cụ, góp phần thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Điều đó được minh chứng thông qua một số chỉ tiêu sau: Doanh số cho vay để làm mới, sửa chữa, cải tạo công trình do đã hư hỏng, xuống cấp đạt 2.353 tỷ đồng, cho hơn 219 ngàn lượt hộ được vay vốn; doanh số thu nợ đạt 1.253 tỷ đồng, với hơn 145 ngàn hộ tất toán nợ.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách Nghi Lộc giải ngân nguồn vốn. Ảnh: Thu Huyền
Đến tháng 10/2020, dư nợ của chương trình là 1.166 tỷ đồng, với 74.341 hộ đang còn dư nợ. Tổng số công trình được xây dựng là 404.210 công trình. Chất lượng tín dụng luôn đảm bảo ổn định, là một trong những Chương trình tín dụng có chất lượng cao của chi nhánh.
Cải thiện môi trường, nâng chất lượng cuộc sống 
Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Giám đốc NHCSXH chi nhánh Nghệ An cho biết: Từ kết quả trên cho thấy, Quyết định số 62 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng thực hiện Chiến lược quốc gia cấp NS&VSMTNT là chủ trương rất đúng đắn của Chính phủ được cấp ủy, chính quyền và nhân dân đồng tình ủng hộ.
Đây cũng chính là quyết sách quan trọng, phát huy được sức dân theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", vừa góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ sức khỏe người dân vừa tham gia giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở khu vực nông thôn. Mặt khác, dưới góc độ kinh tế chính sách này đã gián tiếp hỗ trợ nguồn lực để người dân phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh và góp phần xây dựng nông thôn mới.
Công trình nước sinh hoạt được đầu tư từ vốn vay NHCS của gia đình anh Bùi Xuân Đại ở thôn 5, Hội Sơn, Anh Sơn. Ảnh: Thu Huyền

Thông qua đầu tư các công trình NS&VSMTNT, chương trình đã góp phần cải thiện điều kiện sống, đảm bảo sức khỏe cho người dân; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân ở khu vực nông thôn; góp phần quan trọng vào việc thay đổi một số tập quán, thói quen lạc hậu trong sinh hoạt và đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi; là nguồn lực quan trọng để phát triển và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. 

Cho vay NS&VSMTNT đã tác động tích cực đến môi trường sống của người dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, góp phần giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt và ô nhiễm môi trường, tạo cảnh quan và môi trường sống thân thiện.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chương trình còn gặp một số khó khăn. Đó là, nguồn vốn còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của người dân trên địa bàn; mặc dù đã điều chỉnh mức cho vay từ 4 triệu đồng/công trình lên 10 triệu đồng, tăng  6 triệu/công trình so với khi bắt đầu thực hiện chương trình song mức cho vay vẫn còn quá thấp so với chi phí thực tế hiện nay.
Cán bộ NHCSXH huyện Quỳ Hợp thăm hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn. Ảnh: Thu Huyền

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh, hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh... vẫn còn thấp trong khi nguồn lực khác của địa phương dành cho lĩnh vực này còn hạn chế. Bên cạnh đó, ngoài khu vực nông thôn trên thực tế một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo ở khu vực đô thị rất cần nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng, lắp đặt các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nhưng chưa có cơ chế để được tiếp cận.

Để chương trình tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp NS&VSMTNT trong giai đoạn tới, đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng cho vay NS&VSMTNT khi hết thời gian quy định (31/12/2020), đồng thời xem xét gắn chương trình NS&VSMTNT với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới cho người dân khu vực nông thôn được vay vốn xây để dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và xây dựng nông thôn mới.
Nghiên cứu mở rộng cho vay đối với các đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và thu nhập trung bình đối với khu vực thành thị để góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, thiết yếu đối với nhóm đối tượng này, nhất là tại các thị trấn thuộc huyện. Đồng thời, nâng mức cho vay tối đa lên 20 triệu đồng/công trình để đáp ứng chi phí cần thiết xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh đảm bảo chất lượng.
Theo số liệu năm 2020: Tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 85%, tăng 34% so với năm 2003 và tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt 60%, tăng 47% so với năm 2003; tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 74%, tăng 39% so với năm 2009; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 60%, tăng 34% so với năm 2009, góp phần vào kết quả chung đối với 246 xã về đích nông thôn mới, chiếm 59,85% tổng số xã khu vực nông thôn, 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành  mục tiêu xây dựng nông thôn mới.