Bây giờ mà về làng, gặp được những người trẻ là rất, rất khó! Làng trong cũng như làng ngoài, xóm trên cũng như xóm dưới chỉ thấy toàn người… già, và trẻ con! Thanh niên đi làm ăn xa hết, làng buồn vì thiếu hẳn một lớp người trẻ trung… Và câu chuyện này không chỉ là những nỗi buồn…

761762_small_40159.jpgLàng quê đang vắng, "già" dần đi

 Buồn tênh làng "già"...
Từ Hà Nội, suốt 6 giờ đồng hồ ngồi trên chuyến xe khách “chất lượng cao” (thực tế là chất lượng không cao), tôi về đến Đô Lương – Nghệ An, mảnh đất chôn rau cắt rốn.
Tầm tối, tôi định đi dạo quanh làng, tìm gặp mấy người bạn cũ (tôi cũng là người trẻ mà). Nhưng lạ thật, gà mới lên chuồng mà làng đã vắng ngắt? Bà tôi biết ngay, nói chầm chậm: “Dừ còn ai nữa mô? Thanh niên có ở làng nữa mô? Quân nớ đi mần ăn hết cả rồi…”. Tôi cảm thấy câu nói của bà buồn lắm.
Một lúc lòng vòng không gặp được bóng “thanh niên” nào cả, quay trở lại giếng làng nơi ngày xưa cánh thanh niên trai gái chúng tôi vẫn thường xuyên tụ tập, hát hò. Nhưng giờ đây cả làng đã đi ngủ, bóng tối bủa vây…
 Ông Trần Văn Thảo, trưởng xóm nói chuyện:  “Dừ thì bọn “thanh niên” đi hết – cả xóm hàng trăm hộ may ra có 1 – 2 đứa ở nhà. Nhưng mà sớm muộn gì rồi bọn ni rồi cũng ra đi”. Bà Tùng vợ ông Thảo nói thêm: “Cách đây chỉ vào ba năm, không nói về Đà Sơn, mà bất cứ đâu cũng vậy – thanh niên làng – mỗi xã - mỗi xóm phải đến hằng trăm người, làng vui hẳn lên nhất là trong những ngày mùa. Bây giờ thì khác, đi ra đồng mùa gặp chỉ thấy toàn ông bà già đã có tuổi... nheo nhóc thêm là lũ trẻ con lõm bõm học làm đồng”. Tôi nhớ, ngày trước cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày lễ, hội làng phần lớn là do thanh niên tham gia. Các trận bóng chuyền, bóng đá thường xuyên được tổ chức, không có thanh niên sao có thể thành công?
Tổ chức Đoàn không thể đi vào hoạt động quy củ được, cũng chỉ vì thiếu đoàn viên, thanh niên. Nhìn trong sổ danh sách đoàn viên thì dày kín tên tuổi, nhưng khi bí thư, phó bí thư đi gọi, triệu tập sinh hoạt Đoàn thì vắng tanh! Thôi thì chờ dịp hè, tết, thanh niên, đoàn viên về thăm quê, sinh hoạt luôn thể cho đông đủ, vui vẻ. Anh Dũng Bí thư chi đoàn xóm 5 cho tôi hay: “Làm bí thư đoàn khổ lắm, kêu gọi mãi nhưng có họp hành được gì đâu, mà bây giờ họp thì lấy ai ra mà họp”. Đó là còn chưa kể một số trường hợp bí thư đoàn được bầu lên mấy hôm thì xin “từ chức” vì quá chán nản, hoặc vì chính họ cũng phải đi làm ăn xa…
“Thanh niên làng đi làm ăn là để thoát khỏi luỹ tre làng… Muốn giàu, muốn sướng thì phải… đi xa” – Anh Hiếu một người trạc tuổi tôi nói vậy. Chả biết có đúng không?

Người trẻ nơi mô?
Vẫn theo lời anh Hiếu nói thì con đường mà người trẻ đi làm ăn xa là để tránh không phải chịu khổ về sau. Họ vốn ít được học hành, toàn phải làm nghề nông khổ sở, khó khăn đủ điều “không mở mày mở mặt được” giờ phải tìm chỗ mà đi, cứ biết thoát khỏi 4 luỹ tre làng là tốt rồi. Họ phần lớn là kéo nhau vào miền Nam làm thợ may, thợ giày da xuất khẩu, một số thì vào Tây Nguyên trồng cà phê, cao su. Người nào vay mượn được vài chục triệu thì đầu tư đi xuất khẩu lao động, làm người giúp việc, chạy hàng ở các nước Malaixia, Đài Loan…
Xóm 5 - Đà Sơn có nhiều gia đình cả mấy đứa con cùng đi vào Nam kiếm sống hết. Ông Đoàn – người có 2 người con trai thì một vào Bình Dương làm giày da xuất khẩu, một ở vào Lâm Đồng trồng cà phê. Nói chung thu nhập chỉ mới đủ sống tằn tiện. Nhưng như thế cũng đã tốt rồi, còn hơn có “thanh niên” đi vào Nam làm ăn mà chỉ lo chơi bời đến nỗi mắc vào các tệ nạn, không còn đường về quê. Đó là một thực tế thật đáng buồn. Bởi mưu sinh, người trẻ phải bỏ làng đi, trước hết họ phải tự nuôi sống bản thân mình đã, sau đó mới dám hi vọng nuôi sống, giúp đỡ gia đình.
Anh Hiếu là người từ một công ty giày da xuất khẩu ở Bình Dương mới trở về. Anh  nói: “Ở trong đó thanh niên quê mình đông lắm, tụ tập nhau suốt, tiền kiếm được thì có bao nhiêu đâu, cuộc sống thì đắt đỏ nhiều mà cánh thanh niên bọn mình thì không dành dụm được, chẳng đứa nào dám nghĩ là có tiền gửi về cho ông bà cả, có gửi cũng chẳng đáng là bao. Mà đi làm thuê cực lắm, nếu không có việc thì thôi chứ khi hàng về ông chủ tăng ca bắt làm cả ngày cả đêm, có khi 2 – 3 đêm thức trắng liền, lương thì chẳng tăng được là mấy… thế nhưng không làm thì bị đuổi việc”.
Tuy vậy, trong số những người xa quê làm ăn cũng có người có cơ may thành công, kiếm được tiền gửi về xây dựng nhà cửa tươm tất, khang trang… Bà Dần người có con gái đi làm ăn xa nói: “Cũng nhờ cái Tâm nó chăm chỉ làm việc, nó làm giày da xuất khẩu ở trong Nam gần 4 năm rồi, hàng tháng hầu như tháng nào nó cũng gửi tiền về cho tôi. Ít thì năm sáu trăm, nhiều thì triệu, hơn triệu. Nhờ nó biết đường làm ăn mà nhà cửa đầy đủ hơn trước nhiều”.
Nhiều gia đình cả vợ lẫn chồng đều “nam tiến”, gửi con cái cho ông bà ở nhà chăm sóc. Tháng tháng gửi tiền về nuôi con. Ông Hậu, người nuôi 2 đứa cháu để con đi làm ăn xa nói: “Tôi nuôi 2 đứa, một đứa từ khi lên 3, một đứa thì cai sữa chưa xong. Bố mẹ nó đi kiếm sống. Thằng Đông đi Malaixia, còn cái Thanh đi làm giày da xuất khẩu trong Bình Dương, 2 – 3 năm tụi nó mới về một lần”.

Đi xa có thành triệu phú?
Về quê bây giờ thật khó để bắt gặp dáng cô thôn nữ thon thả, dáng anh lực điền vạm vỡ trên những cánh đồng vàng mùa gặt. Hình ảnh lãng mạn đó đã lùi vào quá khứ! Còn bây giờ là thời kỳ hội nhập, nước mình vào WTO rồi! Muốn giàu, muốn thành đạt, thì phải thoát khỏi cảnh con trâu đi trước cái cày theo sau, phải có gan ra đi! Suy nghĩ như vậy nên người dân trong dần dần trả hết ruộng đất để “nam tiến”, “đông tiến”, “tây tiến”. Họ khát khao một cuộc sống đầy đủ hơn. Một cuộc sống có thể cho con cái ăn học bằng bạn, bằng bè, một cuộc sống không phải lo chạy ăn từng bữa… Vả lại, ở quê đến lúc nông nhàn thì biết làm gì? “Nhàn cư vi bất thiện”, lại thêm nạn cờ bạc, ma tuý đang hoành hành khắp thôn cùng ngõ hẻm Đà Sơn – Đô Lương. “Thanh niên” ở nhà không cẩn thận có khi bị rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội thì coi như chấm hết!

Bao giờ làng trẻ lại?
Tranh thủ hai ngày nghỉ cuối tuần về thăm quê, nghe chuyện nhà chuyện làng, chuyện xóm, tôi thấy làng tôi đã “già” rồi! Tôi nghe bạn tôi đi nước ngoài về kể chuyện ở các nước bên Tây bên Tàu nông thôn của họ thích lắm, nông dân của họ cũng rất tuyệt vời nữa! Chính phủ các nước đó tập trung đầu tư phát triển nông thôn song song và tương xứng với quá trình phát triển đô thị hóa. Những người tài, giỏi ở thành phố đều tình nguyện hoặc được thu hút về nông thôn làm việc…
Nghe chuyện của bạn kể, tôi thầm ước đến khi nào làng tôi được như thế nhỉ? Khi đó, làng tôi sẽ “trẻ” lại chứ không như bây giờ - có chuyện bất thường như hỏa hoạn cháy nhà, thiên tai bão lụt thì “lực lượng tại chỗ” chỉ toàn ông già bà cả, ứng cứu nỏ ăn thua! Còn bây giờ, tôi phải ra bến xe để kịp chuyến “chất lượng… không cao” ra Hà Nội đã! Tôi là “thanh niên”, là người trẻ, phải ra thành phố thi thố với đời…
          
                                           Trần Nụ BC1B
                                        Cao đẳng PT-TH TW1