Theo thống kê ban đầu của các ban ngành, tổng số nạn nhân bị chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh ta hơn 15.000 người, trong đó, 12.346 người còn sống. Số người bị nhiễm trực tiếp là 6.255 người, số bị gián tiếp là 6.181 người. Số nạn nhân thuộc thế hệ con là 5.922 người, số cháu là nạn nhân có 259 người. Số trẻ em dưới 16 tuổi là 3.125 người.

761766_small_40228.jpg
Về tình hình bệnh tật, hầu hết những nạn nhân chất độc da cam thuộc thế hệ con, cháu đều mắc di chứng dị tật, tâm thần, mù mắt. Số người không có khả năng lao động là 4.149 người, số người không có khả năng tự phục vụ là 2.007 người. Tổng số hộ nạn nhân là hơn 8 nghìn hộ, trong số này thì số hộ có 3 người bị nhiễm trở lên là hơn 1.200 hộ. Hầu hết đời sống các gia đình nạn nhân chất độc da cam còn nhiều khó khăn, cần được cộng đồng trợ giúp.Qua khảo sát và tổ chức thực hiện của ngành Lao động-Thương binh và xã hội, đến nay, toàn tỉnh có 11.719 người bị nhiễm chất độc hóa học đang được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên, trong đó có 6.200 người trực tiếp tham gia kháng chiến và 5.519 người là

con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Mức trợ cấp cũng được điều chỉnh theo hướng tăng lên nhằm góp phần giảm bớt khó khăn cho các nạn nhân, từ cao nhất là 593.000 đồng/tháng, thấp nhất 180.000 đồng/tháng, nay mức cao nhất là 785.000 đồng/tháng, thấp nhất 238.000 đồng/tháng theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP của Chính phủ. 100% đối tượng đang hưởng trợ cấp thường xuyên được cấp thẻ BHYT, con đẻ của người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang theo học các trường phổ thông, các trường chuyên nghiệp được miễn giảm học phí, các khoản đóng góp khác, được trợ cấp ưu đãi một lần.

Bên cạnh việc thực hiện chu đáo các quy định của Nhà nước về trợ cấp thường xuyên cho các nạn nhân, nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động thiết thực nhằm trợ giúp các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn. Tiêu biểu là huyện Thanh Chương, địa phương có nhiều nạn nhân chất độc da cam nhất của tỉnh, từ năm 2002 đã tổ chức vận động quyên góp quỹ vì người khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam, hàng năm thu được từ 50 - 60 triệu đồng. Số tiền đó dùng để hỗ trợ các gia đình về nhà ở, thuốc men điều trị bệnh, lắp chân tay giả, mua con giống, vật nuôi phát triển kinh tế gia đình. Cùng với đó, các ban ngành, đoàn thể của tỉnh cũng có nhiều hoạt động chung tay xoa dịu nỗi đau da cam. Từ năm 2006 đến nay, Hội Chữ thập đỏ đã hỗ trợ cho hơn 200 hộ gia đình nạn nhân chất độc da cam chăn nuôi trâu bò, lợn, phát triển sản xuất (với 114 hộ nuôi lợn, 96 hộ nuôi trâu, bò), thành lập các nhóm nhân đạo hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống. Cũng từ năm 2006, Hội chữ thập đỏ xây dựng 21 ngôi nhà tình nghĩa cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam khó khăn về nhà ở. Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày TB-LS, Hội còn tặng các gia đình nạn nhân 10 suất quà, mỗi suất trị giá 200 nghìn đồng. Ngoài ra, trong các chương trình hành động của các đoàn thể như chương trình vay vốn giải quyết việc làm của Hội phụ nữ cũng ưu tiên cho các gia đình nạn nhân chất độc da cam, chương trình tình nguyện hè của Đoàn thành niên cũng có nhiều hoạt động giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam như thăm hỏi, tặng quà, tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí, hỗ trợ sữa chữa nhà ở... Vừa qua, Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp xây dựng nhà tình nghĩa trị giá 30 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Mỹ ở Thanh Liên - Thanh Chương (Bà Mỹ có chồng từng tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc da cam, đã mất, có 3 con thì 2 người bị di chứng chất độc da cam, bị dị tật và tâm thần, 4 mẹ con trước đó sống trong một ngôi nhà tranh tre dột nát). Nhờ có sự giúp đỡ của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội - từ thiện nên ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nạn nhân chất độc da cam vươn lên chiến thắng bệnh tật, làm chủ cuộc sống, đã được biểu dương và phát huy tích cực. Nổi bật có em Nguyễn Minh Phú -học sinh lớp 9 ở Thọ Thành - Yên Thành, bị mất cả hai tay do di chứng chất độc da cam nhưng đã tập viết thành thạo bằng chân, đã nỗ lực học hết THCS và tiếp tục theo học THPT. Ngoài ra còn có ông Hoàng Đức Kiên ở Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu, bị nhiễm chất độc da cam trong những năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, sinh được 5 người con thì 3 người bị chết, 2 người còn sống đều bị dị tật và mắc các chứng tâm thần nhưng đã không đầu hàng trước hoàn cảnh, vừa một mình nuôi các con ăn học, vừa làm kinh tế, trở thành hộ khá của xã.

Tháng 9/2006, Hội nạn nhân chất độc da cam được thành lập. Với sự ra đời của Hội, những hoạt động vì nạn nhân chất độc da cam cụ thể hóa hơn, thiết thực và hiệu quả hơn. Tuy mới thành lập chưa đầy một năm nhưng Hội đã phối hợp với địa phương vận động, hỗ trợ xây dựng được 4 nhà tình nghĩa tặng 4 gia đình nạn nhân ở các xã vùng sâu vùng xa của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn và Tân Kỳ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà nhân ngày lễ, tết gần 200 gia đình nạn nhân với mức quà từ 50.000 đến 100.000 đồng/suất. Nhiệm vụ tập trung nhất của Hội là tích cực vận động thành lập Hội ở các huyện, thị để nâng cao sức mạnh của Hội. Bên cạnh đó, Hội không ngừng vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh giúp đỡ các nạn nhân, tiếp tục kiên trì thực hiện vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ và đại diện cho các nạn nhân tham gia các diễn đàn liên quan đến nạn nhân chất độc da cam trong và ngoài nước. Về lâu dài, Hội sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng và trung tâm chỉnh hình và phục hồi chức năng Vinh nghiên cứu xây dựng dự án chỉnh hình và phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam. Ngoài ra còn phối hợp với một số cơ sở đào tạo nghề xây dựng dự án trung tâm dạy nghề, giải quyết việc làm cho nạn nhân chất độc da cam.


Minh Quân