761763_small_40163.jpgMô hình làm ăn V.A.C giỏi của một CCB xã Lạc Sơn (Đô Lương).
Đã từ lâu đời, người Mông nhà nào cũng nuôi 1-2 con bò, dăm con dê. Cá biệt cũng có gia đình nuôi đến chục con bò. Rồi đến phiên chợ cũng có người dắt bò đi bán- ngày trước, mỗi khi bán cho bò chọi với nhau, con nào thắng cuộc thì được mua với giá cao. Bò là gia sản của người Mông.

Bò, dê, thả rông theo kiểu tự nhiên ở bãi trong rừng. Cứ quen cái kiểu làm ăn này thì khó mà thoát nghèo, chứ đừng nói đến chuyện làm giàu.

Trưởng bản Mường Lống 1 là Vừa Dua Lỳđã có lúc người ta đến nhà hỏi:

- Bỏ cây thuốc phiện rồi chúng mình ăn gì mà sống?

- Dân nghe theo cách mạng, theo cán bộ, nhưng cán bộ phải giải được cái lý: ăn gì mà sống chứ?

Vì thế đi học huyện về, anh hăm hở vào cuộc tuyên truyền cái thế mạnh chăn nuôi lên bằng cách trồng cỏ. Nhưng chỉ hô hào thì không ai làm. Vả lại làm cũng như lửa phào lên một cái lại tắt ngấm. Phải làm cho dân tin bền chặt như cái đai thùng đựng nước, chẳng bao giờ mất đi một giọt. Trồng cỏ- nuôi bò - việc này như một điều lạ. Người Mông nghi ngờ điều trưởng bản bảo lắm.

Biết làm sao, có cục sắt phải mày mò, mồ hôi lộn nước mắt phải đe, phải búa, phải đốt than hết ngày lại đêm phải rèn mới ra được cái dao, cái cuốc, khẩu súng kíp... kia mà. Đi học trồng cỏ như trồng ngô, trồng lúa, người ta xì xào:

- Lạ hè, trồng cái ăn cho người chứ mấy ai trồng cái ăn cho bò, cho dê. Rừng nuôi nó chứ ai lại mình đi lo cái ăn cho nó từng bữa- Đâu phải cái lý.

- Ừ, coi trưởng bản có phải con chim đại bàng đem cái giống xưa nay không thấy gieo lên đất người Mông mình. Làm cán bộ phải đi đầu.

Phía trưởng bản cũng nghĩ: - Thất bại thì làm sao? Anh em bảo, vợ con lo. Bản làng cười cho. Họ Vừ của mình, họ Lỳ của vợ có cười cho mình không? Cuối cùng anh quyết tâm không sợ! Có gan đi bộ đội là không biết sợ chết, làm ăn sai thì nghèo, chưa chết. Có gì mà sợ.

Đồng đội hoà vào một tay. Anh trưởng bản làm 2 ha để trồng cỏ. Cái giống mua về trồng rồi.

Cỏ dần dần lên tốt đến đầu gối, đến bụng, lượn trong đồng cỏ lá rào rào như tiếng cười đùa với Vừ Dua Lỳ. Nhờ cỏ đó, từ chỗ nuôi 2-3 con bò thả rông, nay lên 10 con cũng có cái ăn cho bò. Vừ Dua Lỳ đã có tới ngót 50 bò, 60 dê. Xoá nghèo bằng chăn nuôi là cầm chắc. Rồi lại nào lợn, nào gà đông đúc, rồi có vườn đồi 360 cây các loại: mận, đào, dứa...

Một năm có trong tay ba chục triệu là cầm chắc. Cái được lớn nhất của ông trưởng bản họ Vừ là có niềm tin trong bà con trong tổ chức Hội.

Chi hội CCB bản Mường Lống 1 này có 20 hội viên, 14 là người họ Vừ, 5 người họ Lầu và 1 người họ Xồng tất cả đều một ý xây dựng Hội. Điều quan trọng là từ thành công nuôi bò bằng trồng cỏ, đến nay toàn chi hội có 150 con bò, gần 20 ha trồng cỏ. Cả bản không có ma tuý lọt vào. Bằng chăn nuôi, 5 hộ làm ăn khá giả, 15 hộ còn lại là trung bình trở lên, không còn hộ nghèo.

Cái được của chi hội CCB ở đây là có nghị quyết trồng cỏ chăn nuôi rồi, nhân được điển hình làm kinh tế giỏi; bỏ lối sống bảo thủ khép kín, không chịu học dân tộc khác lúc thì kiêu ngạo, lúc lại mặc cảm tự ti. Đó là căn bệnh truyền thống xấu đã bắt đầu được sửa. Trồng cỏ để chăn nuôi đối với người Mông là một cuộc cách mạng.

Tin và chắc tin người Mông thoát nghèo chắc chắn. Và bàn cách làm giàu để cho cái nghèo đừng bén mảng đến. Con cháu người Mông trong đất nước Việt Nam đâu có chịu thua cái gan, cái chí.

Và đồng cỏ chăn nuôi đã tạo cho người Mông mình đời sống ổn định thì không bao giờ nghĩ đến di dịch cư nữa.

- Thế là thêm một cái lý mới của người Mông mình.


Đậu Kỷ Luật (Hội CCB tỉnh)