Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào nhân kỷ niệm 60 năm ngày Thương binh liệt sĩ đã diễn ra trong bầu không khí linh thiêng và hùng tráng. Với sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, QK4 các sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, cùng các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thân nhân liệt sĩ, đêm tưởng niệm đã để lại sự xúc động sâu sắc...


761761_small_40155.jpg
Nghĩa trang liệt sĩ Việt- Lào hiện là nơi yên nghỉ của gần 11 nghìn liệt sỹ. Và số mộ liệt sỹ cũng chưa dừng lại ở đó khi mà những năm gần đây, hàng năm Nghĩa trang lại đón nhận thêm hàng trăm hài cốt liệt sỹ được quy tập trên đất Lào về (năm 2006 đón nhận thêm 219 mộ liệt sỹ). Trong số 11 nghìn ngôi mộ thì có đến hơn 9 nghìn mộ của các liệt sĩ quê ở các tỉnh xa.

Từ 25 đến 27/7, mặc dù trời nắng nóng, nhưng có mặt hàng trăm thân nhân liệt sĩ đến thắp hương cho phần mộ người thân và đồng đội. Chúng tôi xúc động bắt gặp hình ảnh một thanh niên đang đứng cúi đầu trước ngôi mộ liệt sĩ, đọc thư, rồi anh bật lửa đốt bức thư bên cạnh lư hương. Hỏi chuyện

chúng tôi được biết đó là Nguyễn Anh Tuấn, gọi liệt sĩ Nguyễn Quang Mỹ bằng chú. Hàng năm vào dịp 27/7, bố anh đều đưa anh đến Nghĩa trang thắp hương viếng chú ruột hy sinh tại Lào năm 1978. Năm nay bố anh ốm không đi được nên viết một bức thư nhờ anh mang đến đọc trước ngôi mộ của chú.

Ông Trần Doãn Yên - Trưởng ban quản lí Nghĩa trang cho biết: "Trung bình mỗi năm có khoảng 1.500 gia đình thân nhân đến đây thắp hương viếng liệt sĩ, thông thường mỗi gia đình đi như vậy có khoảng 3 đến 5 người. Những thân nhân liệt sĩ ở xa đến đều được Ban quản lí sắp xếp chỗ ăn nghỉ và cấp phát tiền đi lại theo qui định của nhà nước". Ông Yên còn cho biết thêm, những năm trước, vào dịp 27/7 có khoảng 60 đến 70 đoàn thuộc các cơ quan, đơn vị đến Nghĩa trang viếng liệt sĩ, riêng năm nay mới đến hết ngày 26/7 đã có hơn 200 cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp đến dâng hương. Điều đó chứng tỏ hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn đã được nhiều người chú trọng, không chỉ trong các ngành, đoàn thể, đơn vị nhà nước mà cả những cá nhân và doanh nghiệp.

Bác Nguyễn Xuân Nghiệm - 69 tuổi - Chủ tịch Hội CCB khối 5 thị trấn Anh Sơn, một người lính từng chiến đấu tại chiến trường Lào từ năm 1964 đến năm 1973. Hàng năm vào dịp 27/7, đều đi thắp hương cho tất cả các ngôi mộ, dù đó là những ngôi mộ với những cái tên thân quen hay mộ của những liệt sỹ "chưa biết tên" (tại đây có gần 6 nghìn mộ liệt sỹ "chưa biết tên"). Bác Nghiệm tâm sự: "Là một cựu chiến binh nên tôi hiểu được sự hy sinh mất mát to lớn của những người lính. Những thành quả mà chúng ta đang có được ngày hôm nay là nhờ công lao, sự hy sinh thân mình của các anh hùng liệt sĩ. Bởi vậy các thế hệ hôm nay và mãi mãi sau này phải luôn ghi nhớ và phát huy".

Dường như tất cả những người đến dự lễ hội và đến thắp hương viếng các liệt sĩ ở Nghĩa trang đều muốn nán lại để dự Lễ tưởng niệm diễn ra vào đêm 26/7. Đó là những giây phút thiêng liêng và lắng đọng nhất. Đêm linh thiêng, hàng vạn người dân đổ về nghĩa trang. Gần 11 ngàn ngôi mộ liệt sĩ lung linh rực rỡ với gần 11 ngàn ngọn nến vừa được các em học sinh trường THCS Thị trấn thắp lên. Đặc biệt năm nay tại mỗi phần mộ liệt sĩ được cắm một bông hoa và dâng một đĩa oản. 21 mâm ngũ quả do bà con các địa phương trong huyện Anh Sơn dâng lên được đặt trên 21 bàn thờ trước lễ đài. Sau nghi thức chào cờ Tổ quốc và bản Quốc ca hùng tráng, một phút mặc niệm các anh hùng liệt sĩ, lần lượt các đoàn đại biểu lên đài tưởng niệm đặt vòng hoa kính viếng các anh hùng liệt sĩ. Bài văn tế được NSƯT Tiến Dũng đọc với giọng truyền cảm ấm áp trong âm hưởng của bản nhạc "chiêu hồn tử sĩ" đã gây xúc động lòng người.

Đêm tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ kết thúc trong tâm trạng xúc động sâu sắc của hàng vạn người dân. Để rồi trong mỗi chúng ta càng thấm nhuần sâu sắc hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", mãi biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã đổ máu đào cho đất nước "nở hoa độc lập, kết quả tự do"...


Hoàng Hảo - Minh Quân