(Baonghean) - Quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ được hình thành từ rất sớm và đến nay tiếp tục gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru là những người đã có công lớn trong việc đặt nền móng và vun đắp tình hữu nghị Việt - Ấn. Nhắc đến mối quan hệ này người ta thường nhớ tài ngoại giao kiệt xuất của Hồ Chí Minh, gắn liền với hình ảnh rất cụ thể là chiếc ghế và thìa, dĩa.
 
Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên – người tích cực tham gia tổng hợp các di sản ngoại giao Hồ Chí Minh thành giáo trình “Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh”, kể lại câu chuyện vô cùng thú vị diễn ra năm 1958, khi Bác Hồ sang thăm Ấn Độ lần thứ hai. Nhân cuộc mít tinh tại Thành Đỏ ở New Delhi, nước chủ nhà Ấn Độ chuẩn bị một chiếc ghế lộng lẫy như ngai vàng để mời Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi trên bục danh dự, còn nơi Thủ tướng Ấn Độ J. Neru ngồi chỉ là một chiếc ghế bình thường. Khi chính lễ diễn ra, Bác được mời vào chiếc ghế đặc biệt, lập tức Bác tìm cách từ chối.
 
 
Thủ tướng Neru, người có tình cảm thân thiết với Bác, nói: “Ngài là khách danh dự của chúng tôi, việc Ngài ngồi lên chiếc ghế này chính là niềm vinh dự của chúng tôi”. Nhưng Bác vẫn nhất quyết không nhận vinh dự đặc biệt ấy. Thấy thế, hàng vạn người dự mít tinh phía dưới quảng trường đứng cả lên xem hai vị lãnh tụ nhường nhau. Chỉ khi Thủ tướng Neru quyết định thay ghế bình thường khác để hai người cùng ngồi ghế bình thường như nhau, Bác mới đồng ý. Tình huống diễn ra thật bất ngờ, trước vô số quan khách và hàng vạn nhân dân Ấn Độ tham dự mít tinh, nhưng cách xử sự của Bác đã làm cho tất thảy mọi người đều cảm kích. Hàng vạn người dân Ấn Độ có mặt lúc ấy đã hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm! Hồ Chí Minh muôn năm!”. 
 
Cũng trong chuyến thăm này, Thủ tướng Neru tổ chức một bữa tiệc trọng thị để chiêu đãi đoàn Việt Nam. Khi món thịt gà được đưa ra, các quan khách Ấn Độ tỏ ra bối rối. Người Ấn Độ quen dùng tay khi lấy thức ăn, nhưng vì nghi thức tiếp khách quốc tế buộc họ phải dùng dao, dĩa. Phát hiện ra điều này, Bác Hồ chủ động nói với Thủ tướng Neru: “Thịt gà phải ăn bằng tay thì mới ngon, chứ ăn bằng thìa dĩa thì khác nào nói chuyện với người yêu phải qua ông phiên dịch”. Mọi người có mặt trong bữa tiệc bất ngờ cười vang, không khí bữa tiệc lập tức trở nên vui vẻ, thân mật.
 
Chiếc ghế hay là vị trí ngồi, thìa dĩa hay là cách ăn, là những chi tiết rất nhỏ nếu đem so với việc quốc gia đại sự. Ấy vậy nhưng, những phát hiện và ứng xử vô cùng tinh tế, kịp thời đã để lại dấu ấn sâu đậm và có hiệu quả bất ngờ. Việc Chủ tịch Hồ Chí Minh nhường ghế sang trọng để ngồi ghế bình thường là sự khiêm tốn, tôn trọng nước chủ nhà và việc hiểu văn hóa ẩm thực để hóa giải sự khó xử cho quan khách chủ nhà vừa tạo không khí cởi mở, thân thiện. Đó cũng là yếu tố tạo nên mối quan hệ ngoại giao đích thực và bền chặt.
 
Đức Dương