(Baonghean) - Hôm vừa rồi mình bắt gặp một cảnh tượng như thế này: một chiếc xe ô tô đỗ bên lề đường, cửa sau mở và bên trong là hai đứa trẻ khoảng 6-8 tuổi. Lâu lâu lại thấy mấy người bán hàng ở gần đó đưa nước và trái cây đến cho hai đứa bé. Mình ghé lại vì hiếu kỳ, hỏi thì được biết: Người mẹ đỗ xe ở đây rồi đi vào chợ được một lúc lâu, nhưng lại quên hạ kính xe.
 
Một người bán hàng thấy chiếc xe đỗ mãi trước cửa hàng của mình, đi ra nhắc nhở thì tá hoả vì thấy có hai đứa trẻ ngồi trong xe đóng kín cửa. Đập cửa ra hiệu cho chúng hạ kính mới biết sự tình, ai nấy đều ngao ngán vì người mẹ vô tâm, hay là thiếu hiểu biết một cách nguy hiểm? Trên báo chí, đã đưa tin về không ít trường hợp trẻ em tử vong vì mất nước, bí hơi do bố mẹ cho ngồi lại trong xe ô tô đóng kín cửa quá lâu. Đó là chưa kể đến những rủi ro khi để cho trẻ em ở một mình mà không có người lớn theo dõi, quan sát.
 
Trên thực tế, nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra với trẻ em xuất phát từ sự vô tâm của người lớn. Với suy nghĩ: mình làm được, bọn trẻ cũng làm được, chúng ta quên mất rằng trẻ em chưa hoàn thiện cả về tư duy lẫn thể chất. Vậy nên không thể đánh giá, nhận định sự an toàn hay rủi ro đối với trẻ em dựa trên thang đánh giá của người lớn. Ví dụ, cũng là sốt nhưng ở trẻ em cần phải đặc biệt chú ý theo dõi và có biện pháp hạ sốt nhanh nhất có thể. Bởi sốt cao ở trẻ em có thể diễn biến nguy hiểm nhanh hơn ở người lớn rất nhiều. Hoặc một ví dụ khác là áo chui đầu có dây rút ở mũ, nghe qua chắc hẳn ai cũng nghĩ chẳng có mối nguy hiểm nào tiềm ẩn ở một chiếc áo bình thường.
 
Ấy vậy mà Uỷ ban an toàn hàng tiêu dùng Mỹ đã yêu cầu thu hồi toàn bộ áo có mũ và có dây rút dành cho lứa tuổi từ 2-12. Lý do là bởi khi trẻ chơi đùa, dây mũ có thể bị vướng vào các vật khác trong lúc trẻ đang trùm mũ và có thể bị ngạt thở. Khó trách người thiết kế và phụ huynh bởi từ góc nhìn của người lớn chúng ta, tất nhiên đó là điều khó có thể xảy ra. Chỉ đến khi những vụ việc thương tâm xảy ra, người ta mới giật mình tự hỏi: có phải chúng ta đã quá xem nhẹ những rủi ro ẩn chứa trong môi trường mà ta và trẻ đang sống chung hay không?
 
Để thấy, muốn bảo vệ và cho trẻ em môi trường sống tốt nhất, phải đặt mình vào vị trí, góc nhìn của trẻ. Có như vậy mới biết cần phải cho trẻ điều gì và giữ chúng tránh xa khỏi điều gì. Tất nhiên không phải bao giờ việc đánh giá, nhìn nhận thông qua lăng kính giả định ấy cũng dễ dàng và chính xác. Vậy nên các bậc cha mẹ cần không ngừng trau dồi, bổ sung kiến thức để quan tâm, bảo vệ con em mình tốt nhất. Đồng thời, cũng cần trang bị cho trẻ những kỹ năng tự lập và tự bảo vệ cần thiết, nâng cao "sức đề kháng" tự nhiên của trẻ trước môi trường sống có nhiều nguy cơ, rủi ro. Đó mới chính là cách hiệu quả nhất để giảm thiểu những sự cố đáng tiếc xảy ra với trẻ em, đơn cử như hiện tượng trẻ em đuối nước ngày hè, trong đó có một phần lỗi rất lớn ở cách giáo dục trẻ của người lớn chúng ta!
 
Hải Triều