(Baonghean) - Con người ta, hầu như ai cũng muốn “sống đơn giản cho đời thanh thản”. Nhưng không dễ một chút nào hết. Vì không phải hễ cứ muốn là được. Có khi do bản thân không buông bỏ hết được những tham, sân, si ở đời. Có khi lại do khách quan đem lại khiến cho những việc đang đơn giản bỗng trở nên phức tạp, rối rắm vô cùng.
 
Như chuyện ngành Giao thông Vận tải, đang yên, đang lành  đột nhiên đề xuất cấp giấy phép lái xe (GPLX) riêng cho người lái xe ô tô số tự động. Thế là những ai đã có GPLX số sàn, bao năm nay là “tay lái lụa” lại phải “cắp cặp” đi học thêm một cua nữa về cách thức lái xe số tự động đề phòng khi có thêm tiền đổi xe mới hay lỡ mượn xe ai đó để đi không phải là loại xe số sàn. Nếu không, sẽ bị phạt cho “lên bờ, xuống ruộng”. Mà không chỉ cánh xế mới thêm phần vất vả mà các anh cảnh sát giao thông cũng phải mất thời gian làm thêm cái việc xác định ô tô đang chạy là số sàn hay số tự động để thổi tu huýt cho đúng quy định.
 
Vậy điều này có cần thiết không? Như lý giải của một số người am hiểu lĩnh vực này thì câu trả lời là hoàn toàn không. Vì tại Điều 5, Thông tư 46/2012/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 7/11/2012 về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ có quy định cơ sở đào tạo lái xe phải có xe số tự động và tại Khoản 3, Điều 27 của thông tư này cũng quy định thời gian thực hành lái xe trên đường với xe số tự động là 10 giờ. Như vậy, việc đưa các nội dung đào tạo đối với xe số tự động vào chương trình đào tạo, cấp, đổi GPLX hiện nay đã có.
 
Do đó, nếu muốn giảm tai nạn giao thông do yếu tố người lái xe số tự động gây ra như quan điểm của ai đó thì nên tăng thời gian thực hành tập lái xe số tự động lên là đủ, không cần phải thiết kế lại một chương trình đào tạo riêng cho người lái xe số tự động. Bởi vậy, nếu ngành Giao thông Vận tải thật sự quan tâm tới an toàn giao thông đường bộ vì sự an toàn tính mạng của người dân, ngoài ra không có mối quan tâm hay lợi ích riêng rẽ nào khác thì nên thắt chặt việc đào tạo, sát hạch lái xe theo như thông tư trên đã quy định là đủ. Không cần làm phát sinh ra GPLX thứ 2 làm gì. Vì rất tốn kém, phiền toái và chẳng đem lại lợi ích cho ai ngoài mấy trường dạy lái xe do ngành phụ trách có thêm nguồn thí sinh mới, và dĩ nhiên là có thêm tiền.
 
Chuyện thứ 2, lại cũng khởi phát đề xuất, kiến nghị của ngành này là xe máy có niên hạn từ 5 năm trở lên sẽ phải thực hiện kiểm tra định kỳ và cấp tem kiểm định thì mới được lưu hành. Mức phí kiểm định dự kiến 100 nghìn-150 nghìn đồng cho mỗi xe. Lý do được đưa ra “chống lưng” cho đề xuất này là để kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy để bảo vệ môi trường. Vì theo đánh giá của Cục Đăng kiểm Việt Nam, xe máy là nguồn chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn nhưng lại chưa được kiểm soát khí thải trong quá trình sử dụng. Hơn nữa, như lời khuyến cáo của những người có trọng trách trong ngành lục lộ thì bên “Tây” người ta đã làm việc này từ lâu rồi. Đồng ý, kiểm soát khí thải để tránh ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường là việc cần nên làm và cần làm ngay. Đề xuất kiểm định khí thải là đúng, nhưng kiến nghị thu tiền kiểm định xe thì rất không nên. Vì người tiêu dùng đã phải bỏ ra 3 nghìn đồng phí bảo vệ môi trường trong mỗi lít xăng rồi. Nếu tiếp tục thu phí kiểm định khí thải để bảo vệ môi trường thì rõ ràng là phí chồng lên phí.
 
Không như lý giải trên báo chí của ông Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam rằng, phí kiểm định không chồng phí môi trường vì người dân đóng phí môi trường để đầu tư nâng cao chất lượng sống, còn phí kiểm định xe cơ giới trả cho việc thực hiện kiểm soát khí thải để các xe không xả khói đen ra môi trường. Ô hay! Đã bắt người ta trả tiền để có môi trường sống trong lành, việc kiểm soát khí thải gây ô nhiễm cũng là nhằm tới mục đích giữ gìn môi trường trong lành đó nên không thể tách bạch ra như thế được. Bảo người ta ứng tiền trước để mua nguyên liệu làm bánh, rồi lại bắt trả tiền bánh nữa thì khác nào bóp hầu, bóp cổ người ta.
 
Nói vậy là kiểu nói của kẻ mạnh, nói lấy được, nói cốt để đạt được mục đích của mình bất chấp đúng, sai, phải, trái. Đã đưa phí bảo vệ môi trường vào giá xăng rồi thì nên có cơ chế để người đưa xe đi kiểm định không phải trả tiền, cơ sở kiểm định được bồi hoàn tiền phí từ nguồn thu thuế bảo vệ môi trường thông qua giá xăng. Cứ khăng khăng đòi thu tiền, rút cục là để bảo vệ môi trường hay chỉ nhằm thu phí kiểm định đây? Bởi nguồn thu phí kiểm định từ hàng chục triệu chiếc xe gắn máy không phải nhỏ mà là khổng lồ.
 
Hơn nữa, việc tiến hành kiểm định để thu phí rất không đơn giản chút nào hết vì cần có số lượng người rất đông đảo để thực hiện và kiểm soát việc thực hiện. Mới chỉ kiểm định ô tô thôi mà ở các trạm đăng kiểm đã xảy ra không ít việc tiêu cực, nay lại với số lượng mô tô, xe máy khổng lồ như vậy ai dám bảo đảm là không xảy ra các hành vi trục lợi cá nhân. Để rồi dân vẫn mất tiền mà khói đen vẫn xả ra môi trường. Và anh cảnh sát giao thông ngoài việc phải căng đầu ra phân biệt ô tô số sàn hay số tự động. Thì sẽ lại phải căng mắt ra xem xe máy có tem kiểm định hay không và có khi còn phải ngửi khói để xem khói sạch hay khói bẩn nữa thì khổ cho họ quá. Từ đó mới thấy, cứ thêm đề xuất, kiến nghị theo hướng “trục lợi ngành” là thêm sự tốn kém, phiền toái cho dân.
 
Nói đến đây chợt nhớ ra bài thơ “Thêm một” của nhà thơ Trần Hòa Bình có mấy câu rất hợp cảnh “Thêm một - lắm điều hay/Nhưng mà tôi cũng biết/Thêm một - phiền toái thay”.
 
Bụt Sơn