(Baonghean) - Tuần qua, việc Tập đoàn BKAV chính thức ra mắt chiếc điện thoại thông minh thương hiệu Việt Bphone đã gây ra một cơn “bão” nhỏ trong giới truyền thông nước nhà. Đây thật sự là một sự kiện đáng tự hào cho nước Việt và như người đứng đầu tập đoàn này nói thì với sản phẩm này “Việt Nam đã biến mất khỏi bản đồ vùng trũng công nghệ thế giới”. Chưa biết điều đó có chính xác, có thành hiện thực trong tương lai gần hay không, nhưng ít nhất nó đã thắp lên niềm hy vọng cho nền công nghệ nước nhà và củng cố thêm niềm tin vào tiềm năng, trí tuệ người Việt.
TIN LIÊN QUAN
Thế nhưng, thay vì ủng hộ, động viên, cổ vũ và khuếch trương niềm tự hào về sản phẩm công nghệ thông minh thuần Việt đó, thì có không ít lời chê bai từ phía những người trẻ tự cho mình là am tường công nghệ cao. Họ moi móc, bình phẩm đủ điều với âm hưởng rất không thiện chí. Có người còn mỉa mai, dè bỉu theo cách dội nước đá vào ngọn lửa khát vọng đang bùng cháy ở người đứng đầu BKAV. Mà nói như ngôn ngữ thời thượng của lớp trẻ bây giờ là “ném đá” không ngơi tay, không tiếc lời vào sản phẩm đầu tiên dám sánh vai với các cường quốc trong lĩnh vực này. Cho dù, chưa một ai trong số họ được tận tay sử dụng chiếc điện thoại Bphone đó. Vậy mà cứ phán như đúng rồi vậy. Có người lại cho rằng, đó có khi là một chiêu quảng bá sản phẩm của nhà sản xuất. Hy vọng điều đó đúng là như vậy. Vì trong cách đánh bóng thương hiệu có phương thức gọi là “hiệu ứng ngược” theo cách không khen mà chê bai thật lực. Nhưng lại ngại là không phải như thế. Vì thói thường của không ít người trẻ bây giờ, nhất là từ khi mạng xã hội được sử dụng rộng rãi, là nhảy bổ vào đủ mọi chuyện, mọi thứ và bình luận, phán xét, nhận định theo một âm hưởng chủ đạo là chê, là phê phán.
Còn nhớ cách đây chưa lâu, khi chàng trai trẻ Nguyễn Hà Đông sáng tạo ra trò chơi Flappy Bird khiến giới chơi game cả thế giới say mê, ngưỡng mộ thì lớp trẻ xứ ta lại lao vào mổ xẻ với thái độ rất không thiện chí. Đỉnh điểm của thái độ không lành mạnh, thiếu trong sáng này là nghi ngờ tác giả của trò chơi này “đạo” game nước ngoài và trên mạng có không ít kẻ đắc ý chắc mẩm là “sẽ bị kiện”. Rồi có người còn vu cho tài năng trẻ này trốn thuế thu nhập từ trò chơi rất ăn khách này… Tóm lại là người ta xúm vào nghi ngờ, nói xấu đủ điều. Mặc cho thiên hạ làm ầm ĩ lên, người thanh niên chọn cách im lặng. Và thực tế đã cho thấy tất cả những nghi ngờ vô căn cứ đó đều không đúng. Giới sáng tạo trò chơi điện tử toàn cầu vẫn tôn vinh chàng trai Việt lên hàng những tài năng trẻ hàng đầu trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Đến lúc đó, chẳng thấy một ai trong giới thạo việc “ném đá” lên tiếng nói lại.
Có người lại cho đó là hệ quả của thói GATO nghĩa là ghen ăn, tức ở đang lan tràn trong xã hội. Lối sống theo kiểu “trâu buộc ghét trâu ăn” đó rõ ràng là rất xấu, rất đáng phê phán và lên án. Nhưng đáng sợ nhất đó có thể là biểu hiện của tâm lý tự ti dân tộc, sùng bái nước ngoài. Rằng là ta không làm được gì nên hồn cả. Thứ gì của ta cũng thua kém bên ngoài, nhất là so với các nước phương Tây. Nếu có được thứ gì tốt tốt một chút nếu không là “thuổng” công nghệ thì cũng là bắt chước, làm theo mà thôi (!?). Lối suy nghĩ đó tồn tại lâu dài, dai dẳng trong suy nghĩ của không ít người rồi ăn sâu vào tiềm thức. Lâu dần trở thành một hiện tượng rất nguy hiểm mà thuật ngữ khoa học gọi là tự kỷ ám thị. Nghĩa là một hoặc nhiều người luôn có xu hướng tin vào bất kỳ điều gì mà họ liên tục tự nhủ với bản thân, cho dù điều đó đúng hay không đúng. Nếu họ liên tục tự lừa dối mình bằng một quan điểm sai lầm, thì đến một lúc nào đó, họ sẽ chấp nhận nó như một sự thật hiển nhiên.
Nếu đúng như vậy thì đây là một hiện tượng rất nguy hiểm. Nhất là với lớp trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Do vậy, cần để tâm nghiên cứu, mổ xẻ làm rõ bản chất thật của hiện tượng này để có cách khắc phục sớm và triệt để. Nếu không, cứ tự kỷ ám thị mãi thì dân khó cường, nước khó mạnh.
Duy Hương