(Baonghean) - Nếu phải gọi tên một chỉ số nào đó để chứng minh cho “sự lớn mạnh không ngừng” trong những năm qua thì có lẽ việc ra đời của các hội chắc cũng dễ mà được xưng danh. Không biết tra cứu ở chỗ nào, tôi chỉ còn cách tự thống kê tên của các hội xã hội theo trí nhớ vốn dĩ không tốt lắm của mình, vậy mà cũng đã ngót nghét vài trang A4! “Bùng nổ”, đó là từ mà người viết bài này xin phép được dùng để miêu tả sự ra đời có phần ào ạt của các tổ chức hội xã hội trong những năm gần đây. 
 
Vui quá, không vui sao được khi bản thân mình đang còn là công dân của một đất nước mà người người đều là... hội viên! Thật vậy, bởi nếu chứ chiếu theo Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ thì “Hội viên của hội gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự” cơ mà! Ngồi ngẫm lại, mới té ra mình cũng đang là hội viên của mấy... hội! 
 
Trước hết, có lẽ cần thống nhất nhận thức rằng, ngoài các đoàn thể chính trị xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ thì sự ra đời của các tổ chức xã hội cũng là một tất yếu. Không thể không ghi nhận những đóng góp cực kỳ to lớn của các hội xã hội vào sự nghiệp cách mạng nước nhà. Sự ra đời của các hội xã hội đã đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của hàng triệu người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, chia sẻ với Nhà nước trong việc quản lý xã hội. Tuy nhiên, sự ra đời mà có người nói là “vô tội vạ”, nhất là các hội “ngoài danh bạ” thì không thể không quan tâm. 
 
Cho dù đã có đoàn thể chính trị xã hội Hội cựu chiến binh, nhưng dần dần chúng ta có thêm Hội Cựu quân nhân, tương tự có Hội Cựu thanh niên xung phong, rồi Hội Cựu công an, rồi Hội Cựu giáo chức... Bên cạnh đó, còn hùng hậu một lực lượng hội xã hội nghề nghiệp như Hội Làm vườn, Hội Nuôi ong, Hội Đông y, và tất nhiên là đã có “Hội Tâm thần học” ... Ngay trong Đông y, nghe nói còn phân ra Hội thuốc Nam, Hội thuốc Bắc và Hội Châm cứu! Cứ đà này, biết đâu nay mai trong Hội Châm cứu lại có thêm chi hội thủy châm, chi hội điện châm riêng cũng nên! Thật khó mô tả cảm xúc khi lên Google đánh từ khóa “Hội Châm cứu thú y” lại cho đến 735 ngàn kết quả!
 
Theo quy định hiện hành thì điều kiện để thành lập hội phải “1. Có mục đích hoạt động không trái với pháp luật; không trùng lặp về tên gọi và lĩnh vực hoạt động chính với hội đã được thành lập hợp pháp trước đó trên cùng địa bàn lãnh thổ; 2. Có điều lệ; 3. Có trụ sở; 4. Có số lượng công dân, tổ chức Việt Nam đăng ký tham gia thành lập hội”. Như vậy, căn cứ điều kiện thứ 3 chúng ta hoàn toàn có thể suy ra có bao nhiêu hội thì có bấy nhiêu cái... trụ sở! Và cứ ra đời thêm một hội, thì lại chuẩn bị cho sự ra đời một hệ thống... trụ sở. Với sự ra đời đều đặn và liền mạch của các hội như lâu nay chúng ta cũng có thể phán đoán rằng, cái lý luận để bảo vệ sự ra đời của bất kỳ hội nào cũng hay, cũng cần thiết, cũng hợp lý và hợp tình cả. Nhưng phải chăng chính sự “hợp lý hợp tình” ấy đã hoàn toàn thuyết phục được cơ quan có thẩm quyền? Được biết, từ năm 2010 đất nước ta vui mừng đón chào sự ra đời của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam. Hay quá, cần thiết quá, ý nghĩa quá, nhân văn quá! Có người vừa xúc động đến rơi lệ lại vừa băn khoăn đặt câu hỏi, có “Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam” rồi, liệu nay mai có thêm Hội Hỗ trợ gia đình thương binh, Hội Hỗ trợ gia đình có công với cách mạng, hay Hội Hỗ trợ gia đình Bà mẹ Việt Nam anh hùng nữa hay không? Chắc “hơi bị khó” để trả lời!
 
Ý nghĩa, vai trò, tác dụng của từng hội cụ thể chắc để dành cho hội viên của chính hội ấy trả lời. Nhưng có một thực trạng không thể không đề cập đến ấy là ai “nuôi” hội? Về mặt nguyên tắc, chắc mọi người cũng biết rằng, các hội xã hội ra đời là trên tinh thần tự nguyện, kinh phí hoạt động là tự lo, tự trang trải. Ấy vậy mà, hầu hết một trong những việc đầu tiên các hội sau khi đã được cấp có thẩm quyền cho phép thành lập là lập tờ trình xin... kinh phí! Có “bác” còn phát biểu “rất ăn vạ” rằng: Nhà nước đã ra quyết định thành lập rồi, tức là đã đẻ ra nó rồi, mà đẻ ra nó rồi thì phải nuôi nó chứ! Thế là bỗng nhiên các hội đua nhau nhận làm... con đẻ! Ban đầu một vài hội được đưa vào diện “đặc thù” để hỗ trợ kinh phí như Hội Khuyến học, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi... thế rồi bỗng đâu “hội có tính chất đặc thù” lại ào ào xuất hiện. Ai cũng đặc thù vì ai cũng có cái lý để... đặc thù. Vậy là xin, vậy là nể, vậy là... cho, cho mãi. Đến thời điểm này, nghe đâu không thiếu những địa phương có đến những mấy chục cái “hội đặc thù”! Tiền đâu mà chi phí cho các hội đặc thù? Tất nhiên là thuế!
 
Một xã hội phát triển thì không thể ngăn cản sự ra đời của các hội. Nhưng dù có hội nào cũng không thể nằm ngoài nhu cầu thực sự của hội viên, nhu cầu của đời sống xã hội. Xin đừng vì thấy người ta có hội thì mình cũng không chịu... thua. Nếu thực sự có nhu cầu, nếu thực sự có ích, nếu thực sự tuân thủ quy định của pháp luật thì cứ việc thành lập miễn là đừng lãng phí tiền thuế của dân. Lâu nay, có một số hội xã hội tồn tại dưới dạng câu lạc bộ mà ở đó tập hợp những người cùng sở thích, ví dụ như Câu lạc bộ xe đạp thậm chí trong đó còn có cả Câu lạc bộ xe đạp cổ, Câu lạc bộ xe đạp thể thao, và có lẽ không loại trừ khả năng nay mai có thêm Câu lạc bộ xe đạp... điện?! Không sao cả, họ không gây hại cho ai và họ cũng không đòi hỏi tiền thuế của dân cho hoạt động của họ. Tổ chức hội là cần thiết, nhưng trước khi cho ra đời, cần trả lời cho câu hỏi mục đích của hội đó là gì? Nếu mục đích chỉ vì để... xin kinh phí và trụ sở thì thôi! Viết đến đây, tự nhiên tôi lại nhớ đến câu nói đùa của một người bạn: Biết đâu, một ngày nào đó sẽ ra đời Hội những người không thích... hội!
 
Nguyễn Khắc An