(Baonghean) - Chiến dịch chống xe quá khổ, quá tải trên khắp cả nước diễn ra đã được mấy tháng nay. Thế nhưng, trên các cung đường lớn, đường nhỏ, dù là quốc lộ hay tỉnh lộ hiện vẫn xuất hiện không ít những chiếc xe tải chở nặng lặc lè mà nhìn bằng mắt thường cũng biết ngay là quá tải trọng cho phép không ít. 
 
images1005648_xe_qua_kho.jpgKiểm tra xe quá khổ, quá tải. Ảnh minh họa
Những chiếc ô tô chở nặng quá mức cho phép đó lưu thông một cách thoải mái như chưa hề có chuyện gì  xảy ra. Và câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao những chiếc xe “phá đường, hại cầu” đó vẫn xuất hiện một cách ngang nhiên trước mắt bàn dân, thiên hạ, bất chấp mọi nỗ lực ngăn cản, xử lý của các cơ quan chức năng trong suốt thời gian qua? Phải chăng đang có một lỗ hổng nào đó trong quy trình kiểm tra, xử lý xe quá khổ, quá tải?
 
Đây là một câu hỏi có nhiều đáp án. Và càng về sau, câu trả lời càng khác xa với trước. Ban đầu, khi lực lượng chức năng mạnh tay thì cánh tài xế tìm cách lách bằng việc đi đường vòng tránh trạm cân. Sau đó là dùng chiêu thức “lấy thịt đè người” bằng cách đậu thành hàng dài trước trạm cân rồi chớp thời cơ ồ ạt vượt qua. Manh động và liều lĩnh hơn là tấn công lực lượng liên ngành tại các trạm kiểm soát, cho xe húc đổ rào chắn để tẩu thoát. Kín đáo hơn là cử người móc nối, hối lộ lực lượng chức năng để vượt trạm. Những mánh lới đó rộ lên thời gian đầu và bây giờ chuyển sang phương thức mới là lợi dụng những thời điểm sơ hở trong ngày của lực lượng chức năng để “qua ải” trạm cân.
 
Điển hình là vào ngày 29/6 vừa rồi, báo chí ghi nhận được cảnh hàng loạt chiếc ô tô thuộc diện quá khổ, quá tải lợi dụng lúc cán bộ Trạm cân số 15 đóng tại địa bàn xã Diễn An (Diễn Châu) thay đổi ca trực giữa trưa đã ầm ầm lao qua trạm kiểm soát ngay trước mắt lực lượng chức năng giống như ở chốn không người. Tuy nhiên, khi tận mắt chứng kiến cảnh này, trong lòng nhiều người không khỏi dấy lên sự nghi ngờ là Trạm cân số 15 bị các tài xế lợi dụng thời điểm sơ hở rồi “đánh úp” để tẩu thoát  hay là cố tình để cho lái xe “lợi dụng” nhằm hợp thức hóa việc cho xe quá tải vượt trạm. Bởi lẽ, việc bàn giao giữa hai ca trực chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và lực lượng thừa hành nhiệm vụ vẫn có mặt tại hiện trường chứ không vắng bóng hoàn toàn. Vậy mà sự việc lại diễn ra trong suốt gần hai tiếng đồng hồ, hàng loạt xe tải đã lọt trạm và người ta chỉ “nỗ lực” dừng kiểm tra được đúng... một xe thuộc diện “thấp bé, nhẹ cân” nhất trong số đã vượt qua trót lọt. 
 
Nhìn cảnh này, có người nhận xét, chưa chắc đã đúng là lực lượng chức năng không đủ sức ngăn chặn vào thời điểm đó mà dường như là họ không có ý muốn ngăn chặn xe quá tải vượt trạm. Còn vì sao lại “không có ý muốn ngăn chặn” thì phải được các cơ quan chức năng điều tra, xem xét may ra mới có câu trả lời chính xác
 
Từ sự việc này, chợt nhớ tại hội nghị sơ kết công tác kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh diễn ra cách đây chưa lâu, ông Huỳnh Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đánh giá là kết quả kiểm tra, xử lý vẫn chưa phản ánh đúng thực tế. Xe quá khổ, quá tải vẫn chạy nhiều trên Quốc lộ 1A. Và ông đã đặt câu hỏi “Liệu lực lượng trạm cân đã làm hết khả năng chưa? Đã kiểm soát được 24/24h chưa?”. Qua sự việc trên, một lần nữa, dư luận buộc phải đặt lại câu hỏi đó. Nếu đã làm hết khả năng thì phải tìm hiểu lý do vì sao lại thế còn đúng là chưa thì phải làm rõ nguyên nhân cụ thể để có các biện pháp khắc phục kịp thời. Và cũng cần phải xem xét thêm những khả năng khác. Như là nhận tiền lót tay để cho xe quá khổ, quá tải qua trạm rồi đổ thừa cho lái xe tụ tập, liên kết với nhau lợi dụng thời điểm giao ca ồ ạt băng qua. Sợ nhất là có chuyện “mượn gió bẻ măng” theo kiểu đó. 
 
Cho nên, để việc kiểm tra, kiểm soát xe quá khổ, quá tải đạt hiệu quả như mong muốn thì trong những việc cần làm thì nên nhớ là phải hết sức cảnh giác để phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm hành vi “mượn gió bẻ măng”, tiếp tay cho xe vi phạm để trục lợi bất chính.
 
Duy Hương