(Baonghean) - Quán nước vỉa hè hôm nay có vẻ sôi nổi hơn thường lệ. Người ta bàn cãi, tranh luận với nhau hăng hái lắm, vì chủ đề bàn cãi hầu như liên quan tới tất cả mọi người dù giàu hay nghèo. Đó là cái mũ bảo hiểm đội đầu khi ngồi trên xe máy. Nghe nói, từ mồng Một tháng Bảy này, bên Cảnh sát Giao thông sẽ tập trung xử phạt người đi xe máy, xe máy điện, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm, đội không đúng quy cách hoặc đội mũ không phải mũ bảo hiểm, hay còn gọi là mũ rởm, mũ nhái.
 
Không đội bị phạt là đúng rồi. Nhưng đội mũ rởm, mũ nhái mà cũng bị phạt là hơi rắc rối, phiền hà. Vì một lẽ, dựa vào tiêu chuẩn nào để mà phân biệt đâu là mũ rởm, đâu mà mũ nhái. Bởi cho đến nay các nhà chức trách vẫn chưa ban hành văn bản cụ thể phân định cho người dân rõ thế nào là một mũ bảo hiểm đạt chuẩn. Nếu không có bằng cớ giấy trắng, mực đen, dấu đỏ thì còn lâu mới phạt được người ta. Mà nếu cứ đè cổ dân ra mà phạt liều, phạt ẩu thì người ta không “tâm phục, khẩu phục”. Dẫn đến những hành vi phản kháng vượt quá mức kiểm soát. Về vấn đề này, một người viện dẫn  Thông tư liên tịch 06/2013 của Liên bộ Khoa học - Công nghệ, Công Thương, Công an và GTVT thì mũ bảo hiểm phải gồm 3 bộ phận (vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong và quai đeo), có tem CR và trên mũ có ghi rõ tên sản phẩm là “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”...
 
Vậy mũ ngoại nhập giá mấy triệu đồng một cái chắc và nặng như nồi cơm điện mà không có ghi dòng chữ như chỉ thị nêu cũng bị liệt vào loại mũ rởm à? Không ai chấp nhận đâu nha! Hơn nữa, cứ thử ra đường chặn xe, lật mũ lên coi có chiếc mũ nào có dòng chữ đó không? Không, hoàn toàn không. Đó là phía người đội, về phía người được giao trách nhiệm xử phạt, họ cho biết là cũng rất lúng túng. Bởi bằng mắt thường khó nhận biết được đó có phải là mũ “chuẩn” hay không. Dựa vào đâu mà kết luận. Hay là mỗi lần phạt lại phải niêm phong, rồi đưa đến cơ quan chức năng thẩm định. Khi ấy không lẽ tạm giữ mũ của người dân và thời gian đâu mà làm vậy?... Tóm lại là việc phạt người đi xe máy đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn là không khả thi.
 
Có người thắc mắc, các cơ quan chức năng muốn triệt mũ rởm, mũ nhái phải triệt các cơ sở sản xuất và người buôn bán thứ hàng này chứ sao lại đi xử phạt người dùng. Vì dân thường “người trần, mắt thịt” đi mua mũ đâu đủ kiến thức để mà phân biệt được mũ đạt chuẩn hay không đạt chuẩn. Hay là do không xử được người làm, người bán để mũ kém chất lượng tràn lan nên quay sang xử... dân để hạn chế được chừng nào hay chừng đó? Chịu, không ai giải thích là vì sao người ta lại làm vậy một cách hợp lý. Mà nhất trí cao với kết luận của bà hàng nước đó là: chuyện ngược đời!
 
Người Lắm Chuyện