(Baonghean) - Vai trò của người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu có một vị trí hết sức quan trọng đối với quá trình phát triển của một cơ quan, đơn vị, địa phương. Đúng như dân gian đã nói “Một người lo bằng kho người làm”. Hiện nay, nền kinh tế nước ta đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, trong khi tình hình thế giới có những chuyển biến phức tạp càng đòi hỏi đội ngũ lãnh đạo các cấp, các ngành có bản lĩnh vững vàng, năng lực, trí tuệ và phẩm chất tốt để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.
Trước hết, người lãnh đạo phải có bản lĩnh vững vàng, tự tin, nhất quán: Người lãnh đạo phải giữ vững quan điểm lập trường tư tưởng, tự tin, dám làm, dám dấn thân vào việc khó, quyết tâm vượt qua thử thách, thực hiện mục tiêu đã đặt ra, không dao động trước những khó khăn, tác động bên ngoài, lời nói và hành động đi đôi với nhau, đã nói ra là quyết tâm làm bằng được. Luôn nhất quán trong lời nói và hành động, tạo lòng tin cho cấp dưới. Sẽ không có thêm nhà đầu tư nào khi nhà đầu tư trước thấy lãnh đạo thất hứa; chắc chắn không có cán bộ nào muốn làm việc dưới quyền một lãnh đạo hay thay đổi, dao động, thiếu kiên quyết, thiếu tự tin. Ngoài ra bản lĩnh còn thể hiện việc nói “Không” với tiêu cực, đó là bản lĩnh từ chối. Điều đó thể hiện sự tự tin và tạo dựng niềm tin vững chắc để có bản lĩnh vượt qua khó khăn.
Người được giao giữ trọng trách là lãnh đạo thể hiện vai trò đại diện của mình với mọi người, phải lấy đó là niềm tự hào, là trách nhiệm mà Đảng và nhân dân giao phó, đó không chỉ là danh tiếng cho bản thân mình mà cho cả gia đình, dòng họ, bạn bè, xóm làng… Vì vậy phải luôn phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giữ được tín nhiệm vững bền, sự kính trọng tin yêu của mọi người với mình..
Thứ hai, người lãnh đạo phải có phẩm chất năng lực: Người lãnh đạo trước hết phải giàu trí tuệ, có kiến thức chuyên môn, giỏi ngoại ngữ, biết sử dụng công nghệ thông tin, kiến thức xã hội và năng lực thực tiễn, năng lực quản lý. Một người lãnh đạo có kiến thức chưa chắc đã là người có năng lực, chỉ khi áp dụng kiến thức đó vào thực tiễn tạo ra hiệu quả công tác cao thì đó mới là người lãnh đạo có năng lực. Năng lực của người lãnh đạo phải bao gồm năng lực dự báo, dự đoán tương lai, năng lực phát hiện, tìm tòi, sáng tạo, biết khái quát từ những việc nhỏ hàng ngày để có giải pháp giải quyết tình hình chung. Năng lực người lãnh đạo thể hiện làm việc bằng trí óc, bằng tư duy thông qua chương trình công tác, nghị quyết, quyết định, thông qua kế hoạch, chiến lược và chỉ đạo hiệu quả công việc. Có cách làm việc khoa học, không vùi đầu vào bận rộn công việc sự vụ, giành thời gian học tập vươn lên, tạo ra môi trường làm việc thân thiện, tốt đẹp, hăng hái, nhiệt tình, tạo động lực làm việc, khát vọng cống hiến cho cấp dưới và lan tỏa ra xã hội. Xây dựng tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, khi lãnh đạo đi vắng thì bộ máy vẫn hoạt động bình thường.
Năng lực phát hiện, bố trí cán bộ là một tiêu chuẩn quan trọng của người lãnh đạo. Người lãnh đạo phải có năng lực phát hiện người giỏi, người tốt để bố trí vào những việc quan trọng, theo dõi, bồi dưỡng, đề bạt, tạo nguồn cán bộ, bồi dưỡng được người thay thế mình. Việc bố trí cán bộ phải khách quan, đúng đắn có như vậy mới tạo dựng được lòng tin. Người lãnh đạo phải nhanh chóng phát hiện những kẻ ô dù, cơ hội, né tránh, động tác giả, thoái hóa, biến chất… để giáo dục, bồi dưỡng, uốn nắn và sử dụng hợp lý. Năng lực người lãnh đạo không những thể hiện tầm nhìn xa mà phải có tính quyết đoán mạnh mẽ, dám đương đầu với mọi thử thách, có giao tiếp rộng rãi, chọn lọc thông tin phục vụ việc lãnh đạo điều hành; hiệu quả công việc là thước đo đánh giá người lãnh đạo.
Thứ 3, người lãnh đạo phải có một tấm lòng nhân hậu, phẩm chất trong sáng và kỹ năng lãnh đạo, tác phong gương mẫu; chính những tố chất này làm nên “uy quyền mềm” của người lãnh đạo. Người lãnh đạo không những thể hiện được vai trò của thủ trưởng mà còn thể hiện được vai trò của thủ lĩnh. Người lãnh đạo phải gương mẫu, gương mẫu chính là mệnh lệnh không lời. Thái độ chân thành, chia sẻ với cấp dưới, xử sự công bằng tạo ra niềm tin và sự kính trọng của cấp dưới đối với người lãnh đạo. Người lãnh đạo làm việc tận tâm, nhiệt tình, nói đi đôi với làm, làm việc tập thể, dân chủ, quyết đoán, sâu sát với thực tế, gần gũi với quần chúng, trong xử lý công việc vừa cứng rắn, linh hoạt, mềm dẻo. Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay để thực hiện được mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” người lãnh đạo các cấp, các ngành phải thể hiện là tư lệnh, không những là thủ lĩnh của ngành, đơn vị mình, biến khát vọng của mình thành động lực phấn đấu của cả tập thể. Làm tốt vai trò của người đại diện trên cương vị mà mình được phân công; có thể ví người lãnh đạo như đầu tàu, đầu tàu chạy nhanh thì đoàn tàu sẽ chạy nhanh, đầu tàu chạy chậm thì đoàn tàu cũng chạy chậm.
Hơn lúc nào hết, giai đoạn hiện nay rất cần những người lãnh đạo vừa có tầm, vừa có tâm để xây dựng đất nước ngày càng phát triển. Do đó, việc phát hiện, đánh giá, đào tạo, bố trí, đề bạt người lãnh đạo ở các cấp, các ngành là hết sức quan trọng và cấp thiết. Đây là một nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi toàn diện ở các địa phương, đơn vị. Những biểu hiện xa dân, quan liêu; lãng phí, tham nhũng, vô cảm, yếu kém về năng lực sẽ không phù hợp với chuẩn mực người lãnh đạo ở mọi thời kỳ, đặc biệt là giai đoạn hiện nay.
Hồ Đức