(Baognhean) - “Giỏi xin ông Đại, giỏi cãi ông Thường”, ấy là câu ca tự chế mà bà con xóm Hạ ưu ái dành cho hai vị đứng đầu hai “triều đại” trưởng thôn của làng tôi.
Như một mặc định, người ta chê bai ông Thường bao nhiêu thì người ta lại nức nở khen ông Đại bấy nhiêu. Nào là ông Đại năng động, nào là ông Đại chịu khó, nào là hết lòng vì... xóm vì dân! Người ta vanh vách kể tên hàng loạt “công trình” mà ông đã dày công... xin xỏ! Cái nhà văn hóa thì ông xoay ủy ban xã, cái mái che thì ông kêu gọi mấy bác đảng viên sinh hoạt nơi cư trú đang giữ trọng trách nọ kia, bàn ghế vận động từ vài “đứa” lính cũ, bộ loa máy thì móc hầu bao mấy cậu doanh nghiệp trẻ trên địa bàn... Sau một hồi bàn cãi, hình như mọi kết luận đều thống nhất, làm trưởng thôn chỉ cần giỏi... xin là được! Chả vậy mà cuối năm ấy, mặc cho sức khỏe bước vào kỳ ọp ẹp, ông Đại vẫn phải lạy chày lạy cối bà con mới “tha” cho vụ tái cử nhiệm kỳ hai.
Ấy là việc của xóm, cũng như là phận sự của vị trưởng thôn, cái phận sự mà ngày qua ngày vẫn vô tư “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, cái sự xin này bởi vậy mà nó không “xỏ” là mấy.
Tuy nhiên, bên cạnh cái mục đích xin có vẻ như hồn nhiên trong sáng ấy, thì vẫn còn, thậm chí còn một cách la liệt các kiểu xin mà kiểu nào cũng kéo cả hai phía (người xin và kẻ cho) trở thành nạn nhân của một trào lưu không thể phi lý hơn của xã hội.
Chúng ta biết rằng, cơ chế thị trường là một sản phẩm của nền văn minh nhân loại, nó đồng thời mang đến cho xã hội vô vàn những ưu việt. Nhưng ở một góc quy chiếu nào đó, nó cũng giáng xuống cuộc sống chúng ta không ít phiền toái. Sự ngự trị, chi phối, lấn lướt của đồng tiền lên trên cả những giá trị văn hóa khác không phải là không đáng sợ. Một trong những điều đáng sợ ấy là lòng tốt bị lợi dụng, thậm chí có nơi “thụt két” khá nghiêm trọng. Hình như, cái chữ xin ngày nay không đơn thuần là sự sẻ chia xuất phát từ nhân văn, từ lòng trắc ẩn của con người nữa.
Thấp thoáng cuối cánh đồng hảo tâm bao la là “công nghệ xin” cũng đua nhau vào mùa gặt hái. Kiếm tiền từ lòng tốt đã hình thành trong tư duy của vô số người, và tất nhiên nó cũng không để lỡ cơ hội phổ biến nhanh chóng trong cộng đồng xã hội. Cái gì cũng có thể bị xin, đâu đâu cũng có người xin và ai ai cũng sẵn sàng xin... Tất nhiên, mọi người đều chung nhau cơ hội để trở thành đối tượng bị... xin! Vài kẻ mau chóng trở nên giàu có nhờ giỏi xin, đôi khi giá trị của những gì xin được lại trở thành thước đo năng lực của người đi xin. Chẳng còn gì xa lạ khi nghe ai đó tấm tắc khen “Xếp ấy tài ba năng động quá, mới nhận chức có mấy tháng mà xin được bao nhiêu là thứ”. Tương tự chúng ta chắc cũng đã có lần nghe đâu đó, ai đó từng chê bai: “Thủ trưởng nhà mình kém quá, giữ ghế suốt nhiệm kỳ mà có xin được cái gì đâu”.
Nghe nói, có huyện nọ họp hội đồng nhân dân, vị chủ tịch vừa thông qua kế hoạch kinh tế - xã hội của năm thì phía dưới ào ào các xã đua nhau phát biểu. Đơn vị xin xây trụ sở, đơn vị xin đầu tư khu công nghiệp, đơn vị xin cơ chế đặc thù, có cả đơn vị xin kinh phí đi... du lịch. Cuối cùng, vị chủ tịch nọ kết luận: “Đồng ý đầu tư cho tất cả các xã, nếu năm tới huyện xin được nguồn hỗ trợ của... tỉnh!”. Thế là, hội trường im lặng chờ đợi đến lượt được cho, ai chưa được cho thì tiếp tục bước vào một mùa xin mới. Kể cũng lạ, hình như bây giờ việc gì người ta cũng có thể xin. Thể thao xin, hội thi xin, tổng kết năm xin, liên hoan văn nghệ cũng xin... Nghe đồn, có chủ đầu tư mới chân ướt chân ráo lập dự án sinh thái gì đó vào Đảo Ngư mấy tháng, khách khứa chưa thấy đâu nhưng đã đón tiếp cả gần chục đoàn đến liên hệ để được cho không ra nghỉ ngơi và du lịch mấy ngày! Ngao ngán thật, người ta có thể xin nhiều thứ, nhưng xin... ăn chơi thì quả là độc!
Có hơi cay hay không khi một người bạn của tôi nói cái trào lưu xin xỏ này là một căn bệnh truyền nhiễm, có lần anh ấy còn gọi đó là “Tư duy Cái Bang”! Tôi vốn dĩ hay sốc trước những những nhận xét như thế này, nên miễn bình luận. Đành rằng, xin và cho, suy cho cùng thì đó là sự san sẻ, nó nằm trong chuỗi tập hợp những hình thức phân phối chứ tuyệt nhiên tự nó không tạo ra sản phẩm vật chất nào cho xã hội. Làm sao có thể phát triển khi con người không tự giác tham gia lao động tạo ra sản phẩm có ích? Điều đó không phải là họ không biết mà họ cho rằng sứ mệnh lao động là của kẻ khác, còn phận sự của họ là đi xin. Khỏi phải bàn cãi gì nhiều, rõ ràng trừ những trường hợp cá biệt, còn lại thì xin là biểu hiện của sự lười biếng, là tư tưởng trông chờ ỷ lại, là hành vi trực tiếp làm thui chột động lực lao động. Có thể nói, “xin - cho” là một trong những cơ chế cực kỳ hiệu quả về khả năng kéo lùi sự tiến bộ. Hãy thử hình dung, nếu một lúc nào đó mà “nghề xin” được xã hội hóa ở trình độ cao, tức là nhà nhà đi xin, người người là đi xin thì sẽ còn ai để mà... cho nữa!
“Nghề xin” vậy mà cũng lắm công phu. Trước là phải nghĩ ra cái để mà xin, kế đến là tìm ra nơi để xin, cuối cùng là nghĩ ra cách để mà xin. Nói chung, người đi xin phải biết rất nhiều thứ, nhưng tốt nhất là không biết... ngượng! Nói như mấy bác “nghệ nhân” đi xin rằng, công việc này ngượng là hỏng! Phải lỳ đòn, phải biết điểm yếu của của “kẻ cho” là rất ngại bị “mắc võng” nên phương châm là “mòn đường chết cỏ” bám bao giờ được mới thôi. Vậy là từ một nghĩa cử cao đẹp là cho để sẻ chia, lắm khi trở thành cho để... rảnh nợ. Tại thời điểm này, để loại bỏ hoàn toàn câu chuyện xin - cho thì quả là không thể. Nhưng ai xin, xin cái gì, xin như thế nào lại là một câu chuyện khác. Người đi xin đừng đánh mất phẩm giá, cái tự trọng của bản thân, đã xin là phải thật, đừng nên... “xỏ”!
Nguyễn Khắc An