(Baonghean) - Cuối tháng 3 vừa qua, nhân chuyện tập huấn công tác y đức, lãnh đạo ngành Y tế không biết vô tình hay hữu ý đã lại hâm nóng, làm nóng câu chuyện phong bì bệnh viện với một nội dung mới khiến dư luận được dịp nổi sóng. Ấy vẫn là việc “cấm tệ phong bì trước và trong khám, điều trị”, còn sau điều trị thì… đó là việc nghĩa tình, cảm ơn y bác sỹ, có thể chấp nhận được!
Thực ra, chuyện phong bì không chỉ có ở ngành Y và chắc chắn trọng lượng, số lượng phong bì ở đây cũng không thuộc loại… nhiều và nặng nhất. Nhưng chuyện phong bì bệnh viện vẫn luôn được nói đến nhiều nhất, trước hết là do khu vực này “nhặm nhọt” nhất, liên quan đến nhiều người nhất và trước nhất được đưa lên công luận, được ngành chủ quản vào cuộc sớm nhất.
Dẫu vậy, chuyện phong bì bệnh viện đến nay vẫn thuộc loại chuyển biến chậm nhất, không những thế còn có nguy cơ “đổi chiều” khi người lãnh đạo cao nhất của ngành đưa ra câu chuyện “sau điều trị”, “tình nghĩa” và “lời cảm ơn” như vừa nói ở trên.
Rất thú vị là cũng trong dịp này, khi thưa chuyện với một đồng chí lãnh đạo, vị cán bộ nọ nói thẳng rằng, tệ nạn “bao thơ” (phong bì) nặng quá, ăn sâu quá, quen đường quen lối quá khiến cho làm bất cứ việc gì mà không có nó thì đừng bao giờ xong việc, được việc.
Thì đúng rồi, có phong bì mới giải quyết được công việc, nghĩa là phong bì đi việc mới chạy. Nhưng lại có người cãi, không đâu, có nơi nhận phong bì mà việc vẫn không chạy. Được việc hay không, không thể biết. Mất tiền, mất thời gian chờ đợi, mất cơ hội. Đây mới thực sự là “đỉnh” của vấn đề. Hãy cứ nhìn vào bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa công bố ấy, mấy ông tụt hạng đều mắc căn bệnh trầm kha mãn tính “phong bì đi mà việc ỳ ạch” đấy?!
Lại chuyện phong bì
Phú Châu (Hà Nội)