(Baonghean) - Từ năm 2006 đến năm 2012, UBND Thành phố Đà Nẵng đã tổ chức cho 283 ứng viên thi tuyển và đã chọn được 92 người đạt điểm số với kết quả cao để bổ nhiệm. Năm 2013, UBND Thành phố Đà Nẵng đã nhận được hàng trăm lá đơn của các ứng viên đăng ký dự thi để tuyển chọn 40 giám đốc, phó giám đốc và các chức danh trưởng, phó phòng các ban ngành của thành phố. Đà Nẵng là đơn vị hành chính đầu tiên của miền Trung và Tây Nguyên thực hiện cơ chế thi tuyển để bổ nhiệm chức danh lãnh đạo và là cơ sở để xem xét đánh giá đào tạo cán bộ nguồn kế nhiệm.

Ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Đà Nẵng cho biết, sắp tới Đà Nẵng sẽ mở rộng đối tượng thi tuyển chức danh lãnh đạo ra ngoài tỉnh. Cụ thể, một công chức ở tỉnh khác có thể thi tuyển giám đốc một sở của Đà Nẵng nếu ứng viên đó đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

Để hạn chế việc chạy vạy mang nhiều hệ lụy tiêu cực trong việc sử dụng và đề bạt cán bộ lãnh đạo cũng như việc nâng cao năng lực công tác của cán bộ, Đà Nẵng rất chú trọng các khâu giám sát, kiểm soát trong công tác thi tuyển từ việc coi thi, chấm thi và các thủ tục thi cử nghiêm minh khác để bảo đảm tính khách quan của kết quả khảo thí. Chống tiêu cực trong khâu thi cử, tuyển chọn cán bộ là vấn đề rất được quan tâm. Rõ ràng là, việc thi tuyển trực tiếp để chọn cán bộ lãnh đạo có nhiều ưu điểm rất nên được phát huy.

Thứ nhất là, việc thi tuyển giúp chúng ta lựa chọn được cán bộ có trình độ chuyên môn cũng như các kiến thức hành chính, khoa học, văn hóa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Thứ hai là, việc thi tuyển nếu làm nghiêm minh sẽ hạn chế tối đa lối đề bạt cán bộ theo cảm tính, theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm và cả việc đề bạt cán bộ nhằm gây thanh thế, bè phái.

Thứ ba là, việc thi tuyển giúp cho các ứng cử viên tránh được tiêu cực ngay từ khâu tuyển chọn để các cán bộ được tuyển chọn không mang gánh nợ nần tiêu cực cả vật chất lẫn mang ơn tinh thần, tập trung năng lực, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, hoàn thành công việc một cách xứng đáng.

Nếu xem lại lịch sử thì thì việc lựa chọn quan lại nước ta thời phong kiến cũng đều dựa vào phương cách thi cử để lựa chọn, đề bạt. Chỉ có điều là, cách thi, nội dung thi cử thì tất nhiên mỗi thời một khác.

Việc Thành phố Đà Nẵng trở lại với cách thức lựa chọn cán bộ bằng thi tuyển là không xa lạ gì với truyền thống khoa cử lâu đời của của nước ta mà nhiều nhà nghiên cứu đã đánh giá “rất văn hiến”, “rất ưu việt”. Mong rằng, những “thí nghiệm” của Đà nẵng sẽ được nhiều địa phương chú ý để tâm xem xét, rút kinh nghiệm hay dở , áp dụng sáng tạo để làm cho công tác lựa chọn, đề bạt cán bộ ngày một thực chất hơn, tiến bộ hơn.


Thạch Quỳ