(Baonghean) Vấn đề xây dựng chính quyền đô thị được đặt ra lần đầu tiên tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 1990, do ông Võ Văn Thôn, lúc đó là Chủ tịch UBND Quận 3, sau này là Giám đốc Sở Tư pháp, khởi xướng. Cũng năm 1990, lần đầu tiên Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Quyết định số 132/TTg giải thích về “Chính quyền đô thị”, theo đó địa phương nào quản lý trên 60% số dân phi nông nghiệp là chính quyền đô thị.

Năm 2007, TP. Hồ Chí Minh có Đề án xây dựng chính quyền đô thị, năm 2011 Đề án xây dựng chính quyền đô thị TP. Đà Nẵng được hoàn thành. Cả hai đề án đều gửi lên Quốc hội nhưng không được thông qua vì Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ quy định chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, chưa quy định về chính quyền đô thị. Trong đợt tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992, TP. Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng và một số thành phố khác đã đề nghị đưa vào Hiến pháp quy định về chính quyền đô thị. Sắp tới nếu quy định về chính quyền đô thị được đưa vào Hiến pháp sửa đổi thì sẽ có cơ sở pháp lý để xây dựng mô hình tổ chức chính quyền đô thị cho những thành phố lớn. Tháng 2/2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 192/QĐ-TTg thành lập Ban chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị. Bộ Chính trị cũng đã cho phép TP. Hồ Chí Minh tiếp tục thí điểm đề án tổ chức quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Chính quyền đô thị là vấn đề mới mẻ đối với Việt Nam, nhưng các nước trên thế giới đã xây dựng từ lâu và quản lý rất có hiệu quả. Đặc trưng cơ bản của chính quyền đô thị là tính thống nhất cao, bởi thành phố là một thể thống nhất không phải do nhiều địa phương ghép lại như nông thôn. Theo các chuyên gia pháp lý thì chính quyền đô thị nên tổ chức theo mô hình chỉ có một cấp thành phố, còn cấp quận, phường là “cánh tay nối dài” của chính quyền thành phố; người đứng đầu cấp quận, phường được bổ nhiệm và có thể gọi là “trưởng quận”, “trưởng phường”. Mô hình tổ chức chính quyền đô thị  thống nhất một hệ thống. Mạng lưới điện, đường giao thông, cấp thoát nước và các cơ sở hạ tầng khác đều là hệ thống chung cho toàn thành phố, không thể chia cắt theo các cấp quận, phường. Do chưa có mô hình chính quyền đô thị nên ở các thành phố của Việt Nam việc khai thác cơ sở hạ tầng thường rất lãng phí. Hệ thống điện, đường, cấp thoát nước, mỗi địa bàn quản lý một kiểu gây lãng phí lớn, thậm chí làm hư hỏng cơ sở hạ tầng của thành phố. Việc phát triển các chợ, phố chuyên doanh, cơ sở dịch vụ nếu không có sự quản lý chung thống nhất trong toàn thành phố, mà để cho mỗi địa bàn tổ chức một kiểu sẽ dẫn đến tình trạng manh mún, kinh doanh không có hiệu quả.

Thành phố Vinh lên đô thị loại I có thể nên tính tới  phương án quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Hệ thống chợ, ngoài chợ Vinh và chợ Ga Vinh do thành phố trực tiếp quản lý, còn các chợ khác đều do phường quản lý nên mỗi chợ tổ chức kinh doanh một kiểu. Nhiều cơ sở kinh tế tư nhân, phường không đủ khả năng quản lý, còn thành phố thì không thể “với tới” nên phát triển tự do không có quy hoạch. Với quá trình đô thị hóa nhanh chóng, sản xuất nông nghiệp vùng ngoại thành thu hẹp dần, lao động phi nông nghiệp tăng nhanh, từ đó đặt ra những vấn đề phải được quản lý theo mô hình chính quyền đô thị. Bởi vậy, các thành phố lớn, trong đó có Thành phố Vinh nên  tính đến giải pháp quản lý từ  mô hình chính quyền đô thị.


Trần Hồng Cơ