(Baonghean) - Sau 25 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mới chỉ có hơn 100 trên tổng số 500 tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam. Và tỉ lệ vốn được thực hiện so với vốn các doanh nghiệp FDI đăng ký mới chỉ được non một nửa, khoảng 47,2%. Điều đáng nói là chỉ có khoảng 5 đến 6% doanh nghiệp FDI sử dụng công nghệ cao, 80% công nghệ trung bình và còn khoảng 14% sử dụng công nghệ lạc hậu.
Điều đó đồng nghĩa với việc không ít doanh nghiệp FDI coi việc đầu tư vào nước ta như là một cơ hội để thanh lý, loại bỏ những công nghệ cũ đã lạc hậu, lỗi thời ra khỏi đất nước họ theo cách có lợi nhất. Đó là mang ra nước ngoài kết hợp với giá nhân công rẻ ở các nước đang phát triển để tiếp tục tận dụng công nghệ cũ, các loại máy móc, thiết bị đã hết khấu hao nhằm thu lợi nhuận tối đa. Lợi nhuận thì họ mang đi còn các rủi ro về môi trường do công nghệ cũ tạo ra thì bỏ lại nước ta.
Để xảy ra tình trạng này, như lời ông Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì là do không ít nhà đầu tư lợi dụng sơ hở của luật pháp, sự yếu kém trong quản lý nhà nước để nhập khẩu vào Việt Nam máy móc, thiết bị lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Điều đó đúng, nhưng không phải là tất cả. Họ biết lợi dụng cái đó để trục lợi sao ta lại không biết để mà ngăn chặn? Hơn hai mươi năm là một quãng thời gian dài đủ để một đứa bé mới sinh trở thành một công dân với đầy đủ quyền hạn và trách nhiệm. Vậy mà điều đó vẫn xảy ra thì không thể đổ lỗi cho sự non nớt, thiếu kinh nghiệm được. Mà ngược lại, không ít người có trách nhiệm trong lĩnh vực này còn lợi dụng những sơ hở, yếu kém đó để tiếp tay cho nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu lợi cá nhân. Có lẽ đây mới là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu dẫn đến hiện trạng trên.
Và hiện tượng này xảy ra không chỉ ở các doanh nghiệp FDI mà ở các doanh nghiệp nhà nước của ta cũng có. Cách đây gần 20 năm, khi Nhà máy Xi măng Hoàng Mai đang được xây dựng, người viết bài này đã có dịp đến đó làm việc và đã được ông Giám đốc nhà máy đưa đi bằng chiếc xe Toyota mang hiệu Crown đen bóng. Lúc đó, loại xe đó chỉ có tầm cỡ Ủy viên T.Ư Đảng trở lên mới được sử dụng. Hỏi ra mới hay là khi đi mua máy móc, thiết bị cho nhà máy xi măng, phía đối tác đã biếu không chiếc xe đó. Tại sao đối tác nước ngoài lại “hào phóng” đến vậy?
Chiếc xe đó liệu có phải là “chất liệu bôi trơn” để hệ thống thiết bị, máy móc đó đi lọt qua các cửa kiểm tra, giám định chất lượng? Điều đó ai cũng nghĩ đến nhưng không ai dám khẳng định. Còn mới đây là việc Tập đoàn Vinashin, Tổng công ty Vinalines bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu USD để nhập về những con tàu, ụ nổi đã hết thời hạn sử dụng cả hàng chục năm. Mua xong, mang về và… đắp chiếu để đó mà vẫn qua mắt được các cơ quan chức năng đã làm dư luận cả nước bàng hoàng.
Nói vậy để thấy, để xảy ra tình trạng trên lỗi không phải chỉ riêng ở phía các nhà đầu tư nước ngoài mà phần lỗi chính là ở chúng ta. Nếu chúng ta kiên quyết không cho phép thì làm sao họ đưa được những thứ đó vào đất nước ta. Đã đến lúc phải có những quy định, quy chế quy trách nhiệm một cách rõ ràng, cụ thể và kiên quyết xử lý đối với những tổ chức, cá nhân có trách nhiệm đã để những “rác thải công nghệ” lọt vào đất nước. Xin đừng để đất nước biến thành bãi thải công nghệ cũ của các doanh nghiệp nước ngoài!
Đừng biến đất nước thành bãi thải công nghệ cũ
Duy Hương