(Baonghean) - Vườn quốc gia Pù Mát nằm trên sườn đông của dải Trường Sơn hùng vĩ, vùng lõi có diện tích 91.113 ha, vùng đệm diện tích 86.000 ha. Trong số 164 khu rừng đặc dụng ở Việt Nam, VQG Pù Mát là một kho tàng về các nguồn gen hoang dã, quý hiếm, được xếp hạng giá trị sinh học vào loại bậc nhất của cả nước.
Vườn Quốc gia Pù Mát có chung 61,5 km đường biên giới Việt Lào, với diện tích vùng lõi 91.113 ha, vùng đệm 86.000 ha được phân bố trên 16 xã thuộc 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. VQG Pù Mát nằm trên dải Trường Sơn có độ cao từ 100-1.841 m so với mực nước biển. Trong đó 90% diện tích của VQG có độ cao dưới 1000m, những khu vực cao nhất nằm sát biên giới Việt-Lào. Đỉnh núi cao nhất VQG Pù Mát 1.841 m, được lấy làm biểu tượng và tên gọi của VQG. Từ đỉnh Đông này, các thung lũng dốc trải dài xuống tạo thành những sườn núi có độ dốc cao. Có rất ít khu vực bằng phẳng ở VQG, các đáy thung lũng có 4 lưu vực sông chính là Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng và Khe Khặng.
Gấu ngựa dược cứu hộ tại VQG Pù Mát
Các khám phá gần đây về những loài thú lớn mới ở dải Trường Sơn đã thu hút sự quan tâm chú ý của các nhà khoa học trên thế giới. Những quan tâm về khoa học đối với khu vực này đã tăng lên nhanh chóng. Điều đó được thể hiện qua sự trợ giúp của các tổ chức đối với Chính phủ Việt Nam nhằm tìm ra những giải pháp bảo tồn rừng và đa dạng sinh học. Hiện tại các nhà khoa học trong và ngoài nước đã xác định ở VQG Pù Mát có 132 loài thú, trong đó có 42 loài có giá trị bảo tồn được liệt kê trong sách Đỏ Việt Nam và 25 loài bị đe dọa cấp quốc tế. Quần thể thú lớn đang bị đe dọa bởi các hoạt động bất lợi của con người, đặc biệt là loài hổ đông dương, sao la, bò tót... Riêng số lượng loài sóc bụng xám đang còn khá nhiều. VQG Pù Mát còn là một trong những nơi sinh sống của quần thể voi Châu Á lớn nhất hiện tại còn lại ở Việt Nam. Đối với 51 loại thú nhỏ tại VQG, đây là nơi duy nhất về số loài thú ở khu vực Đông Dương. Có 53 loại bò sát trong và 33 loài lưỡng, trong đó có nhiều loài bị đe dọa như rùa ba vạch, rùa hộp trán xanh, rắn lục xanh, rắn hổ chúa. Tất cả các loài lưỡng cư và bò sát tất cả đã được chụp ảnh và bảo quản tiêu bản cho việc nghiên cứu ở Bảo tàng lịch sử thiên nhiên Chicagô, Mỹ.
Về chim: Có 361 loài thuộc 49 họ và 14 bộ bao gồm cả chim bản địa và chim di cư. Trong số đó có 287 loài được liệt kê trong danh lục đỏ của IUCN, gồm 3 loài ở mức sắp nguy cấp (VU), 7 loài ở mức sắp bị đe dọa (NT) và 277 loài ở mức ít lo ngại. Bên cạnh đó, VQG còn có 39 loài dơi, có 7 loài đang trong nguy cơ bị đe dọa, là nơi có cấp độ đa dạng về loài dơi lớn nhất Châu Á, chiếm 50% loài dơi được biết đến ở Việt Nam, 4% số loài dơi được biết đến trên thế giới. Về cá: Có 83 loài thuộc 56 chi, 19 họ. Tiêu biểu có các loài: cá chình, cá lăng, cá mát, cá lấu...Côn trùng xác định được 1084 loài, thuộc 64 họ, 7 bộ.
Dơi chó ấn ở Pù Mát (nguồn VQG Pù Mát)
Thảm thực vật ở đây được chia làm nhiều kiểu phong phú và đa dạng. Dưới chân núi là những vệt rừng sến táu, lên đến độ cao khoảng trên 600 m có những cánh rừng với nhiều thân cây 4-5 người ôm không xuể. VQG Pù Mát còn là nơi lưu giữ 2.494 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 202 họ, trong đó có 70 loài trong sách đỏ Việt Nam và 63 loài trong sách đỏ thế giới. Các loài thực vật quý hiếm ở đây gồm có sa mu, hải nam, sồi... Mới đây, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam (VACNE) đã trao bằng công nhận Cây di sản Việt Nam cho cây sa mu dầu được đánh giá hùng vĩ nhất Việt Nam ở VQG Pù Mát. Với chiều cao hơn 70 mét có chu vi thân đo được 23,7m, đường kính thân 5,5 m, cây sa mu này ước tính khoảng hơn 1000 năm tuổi. Nói chung, 80% diện tích của VQG Pù Mát và vùng đệm có cây che phủ, trong phạm vi VQG nói riêng, 62% rừng nguyên sinh (gần như chưa bị tác động).
Vườn quốc gia Pù Mát là một phần quan trọng của Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An, được UNESCO đánh giá những giá trị nổi bật. Đây là khu sinh quyển có diện tích lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích hơn 1,3 triệu ha, trong đó vùng lõi 191.922, vùng đệm 503.270 ha. Hiện có 473.822 người sinh sống trong khu sinh quyển này. Là khu sinh quyển kết nối ba vùng lõi VQG Pù Mát, Khu BTTN Pù Huống, Pù Hoạt tạo nên một hành lang bảo tồn duy trì tính liên tục cảnh quan và sinh thái, đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu quý hiếm của khu vực. Khu sinh quyển này thể hiện sự hài hòa giữa cảnh quan tự nhiên và không gian văn hoá với hơn mười sắc tộc cùng chung sống duy trì bản sắc văn hoá.
Cu li loài linh trưởng cần được bảo tồn (ảnh Trần Xuân Cường)
Khu DTSQ Tây Nghệ An là mô hình cho phát triển bền vững, để lại cho các thế hệ mai sau với phương châm bảo tồn cho phát triển và phát triển để bảo tồn. Khu sinh quyển này đại diện cho các hệ sinh thái, vùng địa lý sinh học có ý nghĩa bảo tồn đa dạng sinh học tạo điều kiện cho phát triển bền vững, với diện tích lớn thực hiện 3 chức năng; Bảo tồn, phát triển, gìn giữ các giá trị văn hoá với sự tham gia của cộng đồng, thúc đẩy nghiên cứu, giáo dục đào tạo... Điều này đang tạo lợi thế cho khu DTSQ thu hút các chương trình dự án nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế, phát triển du lịch sinh thái. Đối với VQG Pù Mát là một khu vực được ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Quốc gia, đồng thời là khu vực có diện tích rừng tự nhiên rộng lớn nhất phía bắc Việt Nam và có ý nghĩa nhất trong việc bảo tồn hệ sinh thái của dãy Trường Sơn. VQG tiếp giáp với các khu rừng rộng lớn và nối dài về phía bên kia biên giới Việt –Lào và các khu rừng kéo dài vào phía Nam của dãy Trường Sơn, điều đó làm tăng thêm tầm quan trọng của nó trong khu vực, đặc biệt trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học liên biên giới và nghiên cứu biến đổi khí hậu. Tại đây có đại diện của hầu hết các trạng thái rừng, từ rừng lùn đỉnh núi đến các trạng thái hỗn giao, lá rong, lá kim á ẩm nhiệt đới, lá rông thường xanh nhiệt đới.
Vườn quốc gia Pù Mát được đánh giá đa dạng bậc nhất về sinh học của cả nước, điều đó khẳng định qua việc so sánh giữa các VQG trên cả nước: VQG Pù Mát số thực vật nhiều hơn VQG Cúc Phương là 494 loài, số loài thú nhiều hơn 37 loài, số loài chim nhiều hơn 260 loài, cá nhiều hơn 71 loài... Ngoài ra VQG Pù Mát số thực vật nhiều hơn VQG Cát Tiên hơn 1000 loài, hơn 60 loài thú, hơn 41 loài chim... nhiều hơn VQG Yokdon 7 loài bò sát, 121 loài chim, 65 loài thú ...
Được biết, VQG Pù Mát được “Dự án lâm nghiệp xã hội và Bảo tồn Thiên nhiên SFNC”, do cộng đồng Châu Âu và Chính phủ Việt Nam tài trợ điều tra cơ bản về đa dạng sinh học. Chương trình tổng điều tra được tiến hành trong thời gian 3 năm từ năm 1998 đến năm 2000 do các chuyên gia và cán bộ của Khu BTTN Pù Mát, nay là Vườn quốc gia Pù Mát thực hiện, có sự trợ giúp của các nhà khoa học Việt Nam, Anh và Mỹ. Tổng cộng có 55 nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng 17 cán bộ của VQG Pù Mát đã tham gia vào công việc.
Ngày 29-4 UNESCO đã công bố quyết định và trao bằng công nhận khu vực Tây Nghệ An là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Bao gồm vườn quốc gia Pù Mát nối liền 2 Khu bảo tồn Pù Huống, Pù Hoạt nằm trong địa giới 9 huyện miền núi, tạo thành hành lang xanh lớn nhất Đông Nam Á, kéo dài trên 500 km, với hơn 1,3 triệu ha, gần như phủ kín diện tích rừng tự nhiên Nghệ An. |