(Baonghean) - Lang thang hết Pù Xam Liệm, Pù Đen Đinh và lạc lối cả vào “rừng lạnh” Tam Hợp -Tương Dương, tôi lại biết thêm miền rừng mới là thượng nguồn khe Khặng (sông Giăng), thác Khe Kèm. Tất cả những miền rừng mến thương ấy đều in đậm dấu chân của những chiến sĩ gác rừng…
Lang thang Khe Khặng
Chúng tôi tiếp tục lên thuyền máy, ngược Khe Khặng vào với Trạm QLBVR ở Cò Phạt, xã Môn Sơn, nơi có người Đan Lai đang sinh sống. Anh Nguyễn Thúc Chiến - Trạm trưởng cho biết: Trạm quản lý 9 tiểu khu, (hơn 15.000 ha rừng). Tại đây có đặc thù riêng so với các trạm, là dọc sông Giăng có 3 bản là bản Cồn, bản Cò Phạt, bản Pủng gồm 141 hộ dân người Đan Lai đang sống trong vùng đệm của VQG Pù Mát. Nên ngoài việc tuần tra bảo vệ rừng thì anh em còn phải tuyên truyền vận động bà con không chặt phá rừng. Kết hợp với đồn biên phòng 555 để bày cho bà con làm ăn kinh tế, giám sát việc đốt nương làm rẫy.
Anh Nguyễn Huy Hoà nguyên là Trạm trưởng nơi đây tâm sự: Trước đây một số lâm tặc vào phỉnh nịnh bà con người Đan Lai chặt gỗ bán. Anh em đã tuần tra và ngăn chặn ngay hành động này. Đời sống của cán bộ Trạm hiện còn lắm thiếu thốn, không đường, không điện, không sóng điện thoại, không chợ… Mùa lũ dòng sông Giăng cuồng nộ biến Cò Phạt trở thành hoang đảo, có khi cán bộ Trạm phải ăn sắn, khoai thay cơm chờ lũ rút mới tiếp ứng được lương thực từ ngoài vào. Trạm QLBVR Cò Phạt hàng tháng chia nhau tuần tra 6 - 7 đợt, mùa lũ thì cắt dông đi tuần theo các triền núi. Mùa đông lội các khe suối như Khe Tàng, Khe Màng, Khe Be, Khe Búng… Tại Thung Cằm nơi có rất nhiều các loài linh trưởng, hươu nai, lợn rừng… anh em phải tuần tra thường xuyên để gỡ bẫy thú và ngăn chặn người săn bắn, bẫy thú rừng.
Chuẩn bị mắc võng ngủ giữa đại ngàn Pù Mát.
Già làng La Văn Quyết phấn khởi: “Trước đây người Đan Lai đốt rẫy hết rừng xa, đến rừng gần nhưng nay nghe lời kiểm lâm bản đã khai hoang được hơn 5 ha ruộng nước. Cái bụng no thì người dân sẽ đỡ vào rừng đốt rừng làm rẫy thôi”. Vào mùa nắng nóng này anh em chốt chặn nơi cửa rừng 24/24 vì sợ bà con thường vào rừng chặt nứa, mang theo lửa đi bắt ong sẽ dễ gây cháy rừng.
Theo con đường du lịch chúng tôi đến Trạm QLBVR Khe Kèm, tại đây được đánh giá là vùng khá phức tạp, bởi giáp ranh vùng đệm với vùng lõi, thuộc nhiều bản làng của xã Yên Khê. Cửa rừng sát Thác Khe Kèm, nhiều khách du lịch qua lạ, nhiều người dân vùng đệm vào vùng lõi tìm kế sinh nhai. Nên ngay tại đường nhựa dẫn vào thác kèm Trạm đã đặt ngay trạm kiểm soát barie để tiện việc kiểm tra.
Chúng tôi cắt dông núi ngay tại chân thác Kèm để đến với Pù Loong, đi theo “tiếng gọi nơi hoang dã”. Tại đây phải ngược dốc đá mà leo, băng trên những thảm lá khô mục. Anh Nguyễn Trọng Nhật - cán bộ Trạm nói: Khu vực rừng này lắm tre, nứa, là nơi ẩn nấp, trú ngụ của các loại rắn độc. Tôi dò dẫm từng bước đi thận trọng, mong sao đừng dẫm phải lưng rắn. Trời về chiều, muỗi đói túa ra từ rừng nứa rậm rạp, lao sa sả vào mặt người để chích máu. Vạch lá cây rừng mà đi, sên, vắt cứ thế chui thẳng vào người hút máu no ễnh bụng mới chịu nhả. Mệt nhọc nhưng anh Nguyễn Văn Khánh (quê ở TP Vinh) vẫn cười tươi: “Nhiều lúc đi rừng cũng chẳng để ý nữa, muỗi vắt cắn chán chê rồi cũng phải nhả ra thôi.” Nói thế chứ các anh ai cũng bị sốt rét rừng hành hạ, da dẻ vàng bủng, mắt bạc thất thần, sốt li bì nằm co quắp. Thế nhưng tỉnh dậy lại nhớ rừng, lại thèm được tuần rừng để được ngắm nhìn những rừng cây đại thụ xanh mướt, nghe tiếng chim líu lo.
Bám theo những vách đá dựng đứng, chúng tôi sang được khu rừng hỗn giao, tre nứa và cây đại thụ mọc lẫn lộn. Bỗng nghe tiếng sột soạt, một cán bộ kiểm lâm chạy lại xem dấu chân con gì thì chỉ thấy lằn lên một đường cong queo trên thảm lá khô rồi mất dấu. Có lẽ đôi trăn gió hứng tình đuổi nhau đã chui vào hang rồi. Khu rừng này trăn gió còn nhiều, nhưng chúng nhanh như sóc, chỉ một loáng đã không để lại dấu vết. Tuần tra vùng tre nứa hỗn giao, tôi thấy trên nét mặt anh em ai nấy đều căng thẳng. Hoá ra các anh vừa dò dẫm vừa xem có voi rừng không. Vì đi tuần thường sợ nhất là dấu chân voi rừng. Tại Khe Kèm năm nào đàn voi cũng rủ nhau về để ăn măng non, tre nứa. Gặp “ông” voi trong rừng thì theo như anh Lê Đình Đô cán bộ VQG Pù Mát “bày” cho là cứ chạy hình “chữ chi,” loanh quanh trên sườn đồi. Vì mình chạy lên dốc voi đuổi rất nhanh, chạy xuống thì càng chết, voi da dày nó quỳ chân trượt xuống dốc nhanh như gió. Mưa rừng lại ập đến ầm ào và dai dẳng, đi rừng nhiệt đới mùa mưa quả là thử thách khắc nghiệt. Con đường trơn nhầy nhụa như mỡ, sẵn sàng quật đổ những người đi rừng rắn rỏi đầy kinh nghiệm.
Gian nan giữ rừng xanh Pù Mát
Tiềm năng phong phú nên “kho báu xanh” của Pù Mát được coi như miếng mồi béo bở của lâm tặc rình rập, chặt phá chưa kể cả những người dân sống quanh vùng đệm. Được biết Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát hiện có 64 người. Theo quy định 186 của Thủ tướng Chính Phủ năm 2006: Rừng đặc dụng được quy định 1 kiểm lâm viên quản lý 500 ha rừng. Nhưng tại VQG Pù Mát có hơn 94.000 ha rừng, mỗi cán bộ kiểm lâm nơi đây đang phải làm việc gấp 3 lần so với quy định. Ý định là xây dựng 11 Trạm QLBVR nhưng do thiếu nhân lực nên VQG chỉ mới có 8 Trạm QLBVR được chốt chặn ở Cao Vều (Anh Sơn), Phà Lài, Cò Phạt (Môn Sơn), Khe Bu (Châu Khê)…
Bữa ăn trưa giữa rừng chỉ có cơm vắt và muối vừng.
Anh Nguyễn Thanh Nhàn – Giám đốc VQG Pù Mát ưu tư kể: VQG Pù Mát được thành lập gần 10 năm mà có tới 6 Hạt trưởng kiểm lâm đã xin chuyển công tác vì nhiều lý do. Nhưng theo tôi lý do là “bám” trụ giữ rừng ở VQG quá khổ và anh em cứ “nghèo” mãi… Anh Xuân – Hạt trưởng kiểm lâm VQG Pù Mát kể: Giữ rừng nơi đây luôn phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập. Lâm tặc ngày càng dữ dằn, hung hãn, chúng sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn chống trả lực lượng kiểm lâm. Cách đây vài năm, 3 kiểm lâm đi tuần rừng ở khu vực Tam Đình - Tương Dương, phát hiện các đối tượng lâm tặc đang chặt gỗ. Trong lúc ngăn chặn anh Phạm Công Đức đã bị lâm tặc bắn vào lưng bị thương nặng. Rồi vụ đoàn kiểm lâm phát hiện ra gỗ bị cưa xẻ chuẩn bị tẩu tán ở làng Yên, đã vấp phải sự chống đối quyết liệt. Lâm tặc huy động hàng chục người tập kích ném đá khiến ai cũng bị thâm tím mặt mũi, chân tay.
Các kiểm lâm giữ rừng ở Pù Mát còn bị lâm tặc dùng kim tiêm nhiễm HIV để tấn công. Vụ việc xảy ra năm 2009 cũng tại khu vực xã Tam Đình - Tương Dương. Anh Lương Hải Nam vẫn cảm thấy sởn gai ốc khi anh cùng đoàn đang tuần tra, một đối tượng lâm tặc bất ngờ nhảy ra từ bụi rậm đâm thẳng kim vào người, khiến anh không kịp trở tay. Nam đã hứng trọn vẹn mũi kim, anh đã được chuyển xuống tỉnh để làm xét nghiệm phơi nhiễm HIV. Vụ lâm tặc liều lĩnh đặt mìn ở trước cửa Trạm QLBVR Làng Yên khiến anh em ai nấy hú hồn, nhưng rất may là không ai bị thiệt mạng và bị thương.
Dù đối mặt với bao hiểm nguy nhưng Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát vẫn chỉ đạo các Trạm QLBVR tuần tra kiểm soát thường xuyên. Vì lâm tặc lợi dụng sơ hở chúng chặt gỗ và tẩu tán rất nhanh .Chúng mang theo cưa xăng, đốn được gỗ là xẻ luôn và tuồn ra các lòng khe suối để tẩu tán. Hoạt động của lâm tặc rất ti vi, xảo quyệt. Có khi đoàn kiểm lâm chuẩn bị tuần rừng là lâm tặc đã “đánh hơi” biết được. Chúng cử người theo dõi, thấy anh em đi mua lương thực thực phẩm nhiều, chắc chắn biết là chuẩn bị vào rừng. Nên để đề phòng ngay từ công tác chuẩn bị cho mỗi chuyến tuần tra rừng anh em kiểm lâm phải hết sức bí mật.
Nếu như đối phó với lâm tặc lắm hiểm nguy thì đối phó với “giặc hoả” cũng không kém phần căng thẳng. Mùa nắng nóng anh em kiểm lâm trực tại rừng phải “cơm đùm, cơm vắt” túc trực 24/24 tại rừng. Để tuần tra, canh gác, phát hiện kịp thời những hành vi gây cháy như người vào rừng bắt ong, đốt nương làm rẫy …
Giữa đại ngàn Pù Mát bao la, hùng vĩ tôi vẫn thấy màu xanh của rừng hoà lẫn màu xanh của những chiến sĩ gác rừng. Họ đang lặng lẽ cống hiến tuổi thanh xuân, cho đại ngàn Pù Mát mãi thêm xanh.