(Baonghean) - Sau hơn 200 năm chạy trốn, sống chui lủi trong rừng sâu bằng nghề săn bắt, hái lượm, người Đan Lai đã được đi học, được làm cán bộ. Người khởi đầu cho phong trào ấy là ông La Văn Bốn ở bản Khe Bu, xã Châu Khê (Con Cuông). Ông còn là người duy nhất trong bản được gặp Bác Hồ lúc sinh thời. Người Đan Lai xem ông Bốn như là “báu vật" của dân bản.

“Báu vật sống” cho muôn đời
 
Tôi gặp ông La Văn Bốn tại bản Châu Sơn, xã Châu Khê (Con Cuông) khi ông đang chuẩn bị bữa trưa dưới bếp. “Báu vật” của Đan Lai nay đã bước sang cái tuổi 80 nên sức khoẻ đã yếu đi, dáng đi chậm chạp, đôi bàn tay run run khi nắm tay tôi. Duy chỉ có đôi mắt ấy vẫn sáng rực và nụ cười vẫn trìu mến như ngày xưa. Ông bảo: “Bây giờ già rồi, chạm đâu cũng thấy bệnh thôi. Nào là viêm gan, là viêm khớp, là tim.. đủ cả”. Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, suốt cả câu chuyện với tôi, ông luôn miệng cười, nụ cười làm sáng bừng lên cả một gian nhà trong buổi chiều mưa tầm tã của mùa tháng 7.
 
Hơn 23 năm ông gác bút về nghỉ hưu nhưng chưa khi nào ông thôi trăn trở về chuyện học hành của bọn trẻ. Tôi hỏi ông vì sao ngày xưa, trong khi ăn còn chưa no nhưng sao ông vẫn quyết tâm đi học rồi làm giáo viên. Ông bảo cũng vì.. tức mà học thôi. Hồi đó, bọn cuờng hào, lý trưởng trong vùng lúc nào cũng ức hiếp, bóc lột người dân trong bản. Chúng còn đánh đập, cướp bóc của dân nên ông tức lắm. Đã thế, những đứa con của chúng còn cậy thế có bố làm quan nên cứ ra vẻ huênh háo, coi thường lứa thanh niên như ông. Năm 1951, ông lúc đó đang là Trung đội trưởng dân quân của 3 bản Nà, Bu, Nóng đã đăng ký xin được đi học để cho bõ tức. Mãi hơn 2 năm sau, ông mới được cử đi học lớp bổ túc văn hoá của huyện Con Cuông. Rồi kết thúc khoá học năm đó, ông tiếp tục được cử đi học ở Trường Sư phạm miền núi Trung Ương trên Tuyên Quang. Năm 1954, giải phóng miền Bắc, trường chuyển về Hà Nội. Sau đó, ông còn ra Hà Nội thêm 2 lần nữa, đó là những lần ông được cử đi học nâng cao. Ông còn cho biết rằng, ông là người Đan Lai đầu tiên được đi học hết chương trình phổ thông, rồi còn được học cao lên để làm giáo viên.

767096_small_64646.jpg
 Ông Bốn bên những huân huy chương của mình.

Từ đó, ông mang nghiệp giáo viên đi dạy học. Ông bảo: Lúc học xong, họ phân công tôi đi dạy nhiều nơi lắm, từ Kỳ Sơn đến Nghĩa Đàn, sau đó về Con Cuông, nhưng xa nhà nên có muốn về thăm vợ, thăm con cũng khó. Năm 1979, lúc đó ông đang là Hiệu trưởng Trường sư phạm miền núi Nghệ An đóng tại huyện Tân Kỳ. Nhưng do trường thừa cán bộ nên ông xin về Con Cuông. Về Con Cuông ông được giao nhiệm vụ là Phó phòng giáo dục huyện. Mãi đến năm 1988, thấy sức khoẻ của mình đã yếu, ông xin được về hưu. Hơn 30 năm đi dạy, điều ông Bốn trăn trở nhất vẫn là chưa thể mang được các kiến thức mà mình tích luỹ được để về giúp đồng bào Đan Lai của ông. “Dân Đan Lai của tôi còn khó khăn lắm. Tôi được đi học, được làm thầy giáo nhưng chưa giúp được gì cho dân bản mình cả”, nói đoạn, đôi mắt của ông ươn ướt, nỗi trăn trở bấy lâu như chực trào ra.
 
Vinh dự khi được gặp Bác
 
Trong lúc đang trò chuyện, ông Bốn vội đứng dậy mở ngăn tủ ra lấy một hộp giấy được gói cẩn thận. Vừa mở ông vừa hồ hởi: “Đây là báu vật của tôi đó. Nếu có chết, thứ duy nhất tôi muốn đưa đi cũng chỉ cần cái này mà thôi”. Bên trong bọc là một tấm ảnh đen trắng đã cũ nhưng do được cất giữ cẩn thận nên còn sáng bóng. Ông lấy khăn cẩn thận lau những vệt bụi trên tấm ảnh như nâng niu, rồi kể: Đây là bức ảnh tôi chụp chung với Bác Hồ khi đang còn học ngoài Trường sư phạm miền núi Trung Ương tại Hà Nội. Hôm đó, cả trường nhốn nháo vì nghe tin được Bác Hồ đến thăm. Sau khi nói chuyện với các sinh viên xong, Bác muốn chụp chung với đại diện của 32 dân tộc của trường. Ông Bốn là đại diện duy nhất của người Đan Lai.


 Tấm ảnh ông La Văn Bốn chụp chung với Bác Hồ.

“Lúc đó, ai cũng muốn được lại gần Bác. Tôi chen chân đứng được gần Bác, rồi Bác cầm tay tôi hỏi: Dân tộc cháu đi được mấy người ?. Tôi sướng quá vì được Bác hỏi chuyện. Tôi trả lời là chỉ có mình tôi đi. Bác bảo: Sao không vận động nhiều người cùng đi ?. Chân tay tôi run lên vì cảm động, nước mắt trào ra. Thấy vậy, Bác liền vỗ vai tôi rồi dặn dò: Các cháu như những hạt giống văn hoá được ươm trồng để sau này về phục vụ dân tộc mình. Vì vậy, các cháu phải cố gắng chăm chỉ học tập cho thật giỏi”. Lời căn dặn của Bác như tiếp thêm sức mạnh, soi đường cho người con Đan Lai trên con đường học tập và làm việc sau này của mình.
 
Tấm hình chụp chung với Bác, ông Bốn xem như báu vật. Ông là người Đan Lai duy nhất được chụp chung ảnh với Bác khi Bác đang còn sống. Chỉ khi có khách quý, ông mới đưa ra khoe. Mỗi lần như vậy, những ký ức năm xưa lại ùa về trong ông. Đôi môi mấp máy nói không thành lời, đôi mắt đã nhem ướt tự bao giờ không hay. Nghe lời Bác, ông Bốn vẫn tiếp tục miệt mài dạy chữ, dạy người.
 
Sau khi nghỉ hưu, ông về trong bản, kêu gọi vận động các gia đình cho con em đến học chữ tại nhà. Rồi những lứa “cán bộ” nối tiếp bước theo chân ông như cô giáo La Thị Tới, chàng Kiểm lâm viên La Văn Long.. làm rạng danh cho dân bản.
 
Mối tình thủy chung, son sắt

Ngồi một bên ông suốt buổi nói chuyện với tôi là một một người đàn bà có nước da trắng mịn, khuôn mặt phúc hậu. Dù đã qua cái tuổi thanh xuân nhưng vẻ đẹp thanh tú, rạng ngời của người phụ nữ Thái vẫn in đậm trên khuôn mặt bà. Đó là bà Vi Thị Bình (76 tuổi) - vợ của ông La Văn Bốn. Ông kể: Năm 20 tuổi, trong một đêm sang bản Nà của dân tộc Thái chơi, ông gặp bà khi bà đang ngồi trong bếp. Lúc đó, vẻ đẹp của bà nổi tiếng cả một vùng nên đám thanh niên ngồi chật cả một gian nhà. Nhưng cũng từ lần gặp đầu tiên, 2 ông bà đã yêu nhau, rồi sau đó tình yêu của 2 người được 2  bên gia đình chấp thuận.


 ông Bốn chỉ cho Bà Bình vị trí mình đang đứng trong tấm ảnh.

Đầu năm 1953, ông được cử đi học ngoài huyện. Gia đình bên nhà trai sợ lúc ông đi hoc sẽ mất cô con dâu đẹp người đẹp nết nên ép ông cưới vợ. Bên nhà gái lại sợ ông đi sẽ không về nên không muốn cho cưới. Nhưng tình yêu của ông bà đã chiến thắng tất cả. Đám cưới diễn ra đúng vào ngày giặc Pháp ném bom điên cuồng, những hố bom chi chít trên khe nước. Bà Bình cười: “Đi cưới mà ai cũng chạy bát nháo lên. Bom nổ nhiều quá nên 2 bên cứ chạy qua, chạy lại suốt”.
 
Cưới xong, ông chỉ được ở nhà 4 ngày rồi phải đi học (theo tục 4 chân lợn của người Đan Lai). Từ đó cho đến lúc ông nghỉ hưu, thời gian 2 ông bà ở với nhau cũng chưa quá 1 năm. “Có lúc ông ấy đi hơn 3 năm mới về. Rồi ngày tết về nhà cũng đuợc vài ngày rồi lại đi tiếp. Tui ở nhà cũng chỉ biết chờ đợi rứa thôi”, bà Bình tâm sự. Do thời gian gần gũi quá ít, sau 5 năm cưới nhau, ông bà mới sinh được người con trai đầu tiên. Hơn 35 năm ông đi học, đi dạy là chừng ấy năm bà ở nhà chăm con, phụng dưỡng bố mẹ chồng. Không một lời ca thán, oán trách, bà âm thầm làm việc trong nỗi cô đơn, buồn tủi. Còn ông lúc ấy thì như lời ông nói là “mê học hơn mê vợ” nên quyết tâm học đến cùng, say mê với nghiệp dạy học của mình. “Cả tui và ông ấy đều có người khác để ý nhưng cả 2 đều thương nhau nên không xa nhau được”, bà Bình chia sẻ.
 
Cái ngày ông nghỉ hưu, bà vỡ oà trong niềm hạnh phúc. Ông phải rời xa bục giảng nhưng lại được về gần với bà. Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, ấm áp, đôi vợ chông già được sống lại như thời mới cưới nhau.


Phạm Bằng