(Baonghean)- Nơi thượng nguồn sông Giăng, giữa đại ngàn Pù Mát ( Nghệ An) ngày ấy, người ta phát hiện ra tộc người Đan Lai sinh sống theo kiểu hái lượm. Họ như một “bộ lạc” biệt lập với thế giới bên ngoài, suốt đời: Theo dấu chân nai/ Bỏ vào hạt lúa/Theo dấu chân cọp/ Cắm vào hạt ngô/ Lang thang đầu suối/ Đìu hiu lưng đèo/ Như dòng suối nhỏ/ Như gió rừng chiều …(Dân ca Đan Lai).

Truyền thuyết Đan Lai  

Chúng tôi hành trình vào thượng nguồn sông Giăng trong những ngày mưa lũ đang hoành hành. Anh Lê Dinh Đô cán bộ VQG Pù Mát ái ngại: “Vượt sông Giăng mùa này nguy hiểm lắm”. Nhưng bằng lòng quyết tâm chúng tôi đã lên xuồng máy do chính những người Đan Lai cầm lái. Con xuồng xé sóng lao ra giữa dòng sông. Hai bên bờ loi thoi đá dựng, những cây đại thụ nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông. Những rặng đá cao vút phía trước là đảo khỉ. Thỉnh thoảng những người lái xuống vẫn gặp hàng đàn khỉ đu mình trên những vách đá chí choé trêu đùa. Càng vào sâu, dòng sông càng trở nên hung hãn, nước lũ cuộn lên ngầu đỏ. Anh La Văn Thắng, người lái xuồng kể: “Nếu không cẩn thận bị hút vào hố xoáy có khi mất mạng.” Hồi còn bé Thắng chứng kiến con trâu mộng bơi qua sông Giăng mùa lũ bị hút vào hố xoáy không tìm thấy xác mà vẫn còn sợ.  

766949_small_64479.jpg

                       Người Đan Lai đánh bắt cá trên sông Giăng

Tính từ chân đập Phà Lài lên tận thượng nguồn khe Khặng (sông Giăng), dân lái đò phải vượt cả 100 thác ghềnh ngoắt ngoéo, hiểm trở. Vào mùa khô càng ngược lên, lòng khe càng hẹp và cạn nước, có khi khách phải lội qua bãi đá ngầm để đẩy thuyền. Mùa lũ năm 1996, chiến sĩ biên phòng Nguyễn Đình Thanh đã mãi mãi nằm lại với thác ghềnh sông Giăng trong lúc dẫn đường cho đoàn phóng viên vào miền đất này. Năm 2007 cũng trên dòng sông này 2 chiến sĩ của Đồn biên phòng 555 đã hi sinh khi cứu dân. 
 
Vượt qua bao thác ghềnh, chúng tôi đến bản Cò Phạt khi trời vừa đứng bóng. So với thời gian cách đây 5 năm tôi vào thăm, Cò Phạt vẫn không thay đổi là mấy. Vẫn những mái lá bạc phếch, lụp xụp, phên vách nứa liêu xiêu, nhìn ngang thấy núi, nằm ngửa thấy trời. Bên bếp lửa bập bùng, giọng già làng La Văn Quyết như gió thoảng kể về truyền thuyết Đan Lai lắm buồn thương, (đã được kể trong sách Thanh Chương túi khí của Bùi Dương Thư Tịch): Xưa đã lâu lắm rồi lấy lá rừng mà kể, lấy nước suối mà tính. Thủa ấy người Đan Lai sống ở miền Hoa Quân, nay thuộc huyện Thanh Chương. Có một tên bạo chúa tàn ác đã bắt dòng họ La phải tìm ra cho được “100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền liền chèo”. Nếu không tìm được sẽ giết sạch trẻ già, trai, gái. Dòng họ La đã rủ nhau trốn chạy vào rừng sâu, đêm ngủ hốc đá, ngày ra suối bắt cá, đào củ mài kiếm ăn. Họ đi mãi vào chốn đại ngàn hoang lạnh nơi ấy chỉ để dành cho thú rừng và chim muông quần tụ (vùng lõi VQG Pù Mát) bây giờ. Tộc người Đan Lai ra đời từ đó, tên Đan Lai được ghép từ chữ “Đan” nghĩa là tên Đan Nhiệm từ xưa, chữ “Lai” là do người dân sống giữa núi rừng lai tạp với các dân tộc khác. Rồi một ngày tộc người Đan Lai được các chiến sĩ biên phòng phát hiện ra khi đi tuần tra biên giới.
 
Ở bản Cò Phạt, các già làng vẫn còn giữ thói quen dùng gậy chống cằm ngủ ngồi bên bếp lửa. Theo như già Quyết thì đây là nếp ngủ có từ khi tộc người Đan Lai vào đây trú ngụ. Bởi nơi đại ngàn đầy rẫy thú dữ, ngủ ngồi đề phòng nếu không hổ, báo nó vồ ngay. Rồi lỡ quân quan bạo chúa miền Hoa Quân truy lùng thì người Đan Lai có thể vùng chạy thoát thân ngay vào rừng sâu. Vì thế mà tục ngủ ngồi vẫn tồn tại đến ngày nay. 
 
Đan Lai bao giờ hết “ngủ ngồi” ? 
 
Bản Cò Phạt có 71 nóc nhà thì chủ yếu là những ngôi nhà kê lợp tranh tuềnh toàng rách nát. Trưởng bản La Xuân Đường vừa đi rẫy về than thở: “Cò Phạt trong năm thiếu ăn từ 7-9 tháng, thời gian còn lại phải vào rừng sâu kiếm sống…” Mùa này ngược sông Giăng chúng tôi bắt gặp rất nhiều bè nứa vẫn đang dùng dằng chưa xuôi, da nứa phơi đầy nắng gió đã ngả màu vàng au. Người ta vào rừng chặt nứa rồi kéo ra ngâm nước dòng Giăng cho bền chắc mới xuôi dòng bán cho thương lái để lấy tiền mua gạo. Hai bên bờ sông Giăng từng đoạn có dăm mái lều kết tạm bợ dựng bên sườn đồi tả tơi xác lá, là nơi trú ngụ của người Người Đan Lai đi đánh cá. Người Đan Lai từ già đến trẻ đều thạo bắt con cá mát, cá lăng, cá lệch giữa dòng sông, thậm chí bắt cá trong đêm tối ở lòng hang đá. Sông Giăng là “nguồn sống” cứu người Đan Lai từ những buổi sơ khai vượt qua ngày ba tháng tám.

Đêm ở Cò Phạt buồn hiu hắt, ánh sáng leo lét hắt ra từ những ngôi nhà  trông  bản làng nơi thượng nguồn sông Giăng càng thêm huyền bí. Già Quyết vẫn đang ngồi bên bếp lửa. Giọng già khàn đục: Những năm qua người Đan Lai được Nhà nước quan tâm giúp đỡ, nhưng nhận thức vẫn chưa thay đổi nhiều. Anh coi họ sống phóng khoáng như núi rừng vậy, chỉ quen chạy bữa mô ăn bữa nấy. Được nhà nước trợ cấp tiền cứu trợ, thậm chí cây giống, con giống một số hộ dân còn bán lấy tiền uống rượu. Vào rừng chặt được cây nứa, bắt được con cá dưới khe đều quy ra rượu. Họ uống rượu từ tối cho đến khi hừng đông mới chịu chân nam đá chân chiêu tìm về căn lều rách.
 
Sáng nay Trưởng bản La Xuân Đường cùng với giáo viên “cắm bản” chuẩn bị vận động học sinh học ôn hè. Trưởng bản Đường ngượng ngùng: Có trường lớp được Nhà nước xây dựng nhưng vận động học sinh đến lớp khó lắm. Có giáo viên đến nhà, thậm chí trèo đèo lội suối bở hơi tai lên tận nương rẫy để vận động phụ huynh thì nhận được câu trả lời cụt lủn: “Học chữ có no được cái bụng không …” Cả bản Cò Phạt chỉ có mỗi anh La Văn Long đậu được tốt nghiệp PTTH, rồi đi học Trường trung cấp lâm nghiệp đã được coi như sự kiện “động mường”. Người Đan Lai vẫn duy trì hôn nhân trực hệ, cùng huyết thống nội tộc, cả hàng trăm gia đình Đan Lai ở tất cả các bản từ Có Phạt đến bản Cồn, bản Búng (Môn Sơn), bản Bu ở Châu Khê đều chung một họ La. Hôn nhân cùng dòng tộc, huyết thống đang khiến cho người Đan Lai bị suy thoái. Có thời điểm người Đan Lai sinh ra chết nhiều hơn số người sinh ra sống sót. Vì thế người Đan Lai đều có dáng vóc nhỏ bé, thấp lè tè. Tảo hôn nơi đây vẫn đang còn tái diễn, khi cây lúa rẫy đơm bông trĩu hạt, đám trẻ 13-14 tuổi bỏ trường, bỏ lớp chạy theo tiếng gọi của “tình yêu”.  

               Quân y biên phòng đang khám bệnh cho bà con Cò Phạt

Những năm qua nhờ có bộ đội biên phòng của Đồn biên phòng 555 “cầm tay chỉ việc”, các chương trình dự án xây dựng đầu tư Cò Phạt, bản Búng có những đổi thay. Hiện tại Cò Phạt đã có trường học mầm non, tiểu học, được sử dụng hệ thống nước sinh hoạt. Đồn 555 “cắm” 12 chiến sĩ cùng ăn cùng ở với dân Đan Lai để giúp họ thoát nghèo. Chiến sĩ Trần Đình Kiên –Trạm quân dân y cho biết: “Trước đây người dân có bệnh thì hay khai, cúng con ma rừng, để nhiều người bệnh chết oan.” Anh La Văn Toản đang nằm điều trị tại Trạm phấn khởi: Mỗi khi đau ốm bà con đều ra Trạm được khám bệnh, cấp thuốc miễn phí. Bộ đội nó tài lắm, làm còn “ma rừng” phải sợ, làm cho dân Đan Lai “hoãn” được cái đẻ. Anh Kiên nói: Nhờ vận động tốt mà đến nay đã xoá được tình trạng đưa trẻ sơ sinh mới lọt lòng ngâm suối, người chết không còn quấn chiếu để cúng bái cả tuần… Các chiến sĩ biên phòng cùng giúp dân bản Cò Phạt khai hoang được 6 ha ruộng nước. Đến mùa hạt thóc chắc mẩy như trứng o­ng rừng ai cũng ưng cái bụng lắm. La Văn Toản mắt sáng lên: Hàng quý Nhà nước đều hỗ trợ cứu đói gạo mỗi nhân khẩu từ 10-14 kg gạo, nhưng cũng chỉ giải quyết được trong tháng thôi. Muốn ổn định phải nghe theo bộ đội biên phòng khai hoang ruộng nước thì mới no được cái bụng lâu dài, mới không chặt phá rừng …
 
Được biết đến thời điểm hiện nay còn có 141 hộ dân Đan Lai sống trong vùng lõi VQG Pù Mát. Theo kế hoạch năm 2011 -2012, sẽ di dời 75 hộ, năm nay di dời 35 hộ về tại xã Thạch Ngàn. Huyện Con Cuông đang tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, như đường giao thông, giải phóng mặt bằng xây dựng 35 ngôi nhà sàn, đầu tư cải tạo khai hoang ruộng nước, hệ thống thuỷ lợi để đón các hộ tái định cư.
 
Rời Cò Phạt khi chiều buông, tôi vẫn thấy già Quyết đang chống cằm lim dim bên bếp lửa. Người Đan Lai ngủ ngồi đã bao đời nay nơi rừng sâu suối thẳm. Họ đang mong chờ ngày “hạ sơn” để cuộc đời tươi sáng hơn, để cả thế hệ Đan Lai sẽ thoát cảnh “ngủ ngồi.”


Văn Trường-Phạm Bằng