(Baonghean) - Mỗi đợt đi tuần tra, các trạm QLBVR của VQG Pù Mát phát hiện và thu giữ hàng trăm chiếc bẫy thú được giăng khắp nơi trong rừng. Hành động và cách thức đặt bẫy của những thợ săn ngày càng tinh vi và khó lường hơn khiến cho công tác bảo vệ nguồn động vật quý hiếm trên diện tích hơn 93 ngàn ha của Vườn cũng trở nên khó khăn và phức tạp bội phần.
Bẫy giăng khắp rừng
VQG Pù Mát được biết đến là 1 trong những khu vực rừng có nhiều loài động vật quý hiếm đang sinh sống như hổ, sao la, khỉ mặt ngựa… Với diện tích hơn 93 ngàn ha trải dài trên địa giới của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, công tác bảo vệ các nguồn động vật quý hiếm quan trọng không khác gì công tác phòng chống cháy rừng, chống trộm cắp lâm sản. Điều mà nhiều cán bộ bảo vệ rừng trăn trở nhất chính là hành động bẫy thú rừng của người dân sống xung quanh rừng vẫn diễn ra lén lút dù đã được vận động, tuyên truyền, thậm chí là xử phạt hành chính.
Hơn 6 tháng đầu năm 2011, số bẫy mà các nhân viên bảo vệ rừng thu được lên đến con số hàng ngàn chiếc. Các loại bẫy chủ yếu thường hay được sử dụng như: lao đâm, bẫy thòng lọng, bẫy kẹp,… Theo anh Đặng Đình Xuân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm VQG Pù Mát thì số bẫy thú thực tế được các tay trộm thú đặt trong rừng còn lớn hơn rất nhiều. Anh còn cho biết rằng, nhiều khi các nhân viên bảo vệ rừng do không có thời gian mà thu lượm bẫy thú trong quá trình đi tuần tra rừng nên đành phá bỏ đi. Các con vật chủ yếu mà các tay trộm thú thường ngắm đến là lợn rừng, chồn, khỉ, sóc ..
Bẫy dây phanh- một loại bẫy thường được những kẻ trộm thú sử dụng.
Địa điểm mà chúng tôi ngắm đến là khe Bu, nơi có nhiều loài động vật sinh sống và cũng là nơi mà người dân thường đặt bẫy thú rừng. Anh Nguyễn Đình Tiến và anh Nguyễn Công Thành (cán bộ Trạm QLBVR Khe Bu) dẫn chúng tôi vào rừng. Anh Tiến vừa tâm sự: Bây giờ, chiêu thức đặt bẫy thú tinh vi và phức tạp lắm, mỗi mùa họ sẽ đặt một kiểu khác nhau, như mùa mưa là mùa đặt bẫy, còn các mùa khác thì họ thường vào rừng dọn đường để dụ thú.
Qúa trưa, chúng tôi cũng đến được Khe Chát, những cành dây leo chằng chịt như mạng nhện, những cây cổ thụ to lớn mà 2 người ôm không xuể. Vừa đi, cả đoàn vừa phải tập trung để qua sát từng tiếng động, dò xem bẫy thú ẩn nấp trong từng bụi cây, dưới đám lá khô. “Đến đây thì phải đi cẩn thân vì bẫy thú được giăng khắp nơi. Nhiều lúc, mình đi không khéo lại mắc bẫy của họ cũng nên”, anh Tiến vừa đi vừa dùng chiếc gậy khuơ khuơ phía trước. Vút ! chiếc gậy đập trúng một chiếc bẫy, lá cây khô bay tứ tung, chiếc bẫy kéo giật trên cao. Anh Tiến cầm chiếc bẫy thú lên rồi nói: Đây là loại bẫy thòng lọng, dùng dây phanh, nó được thiết kế rất đơn giản nhưng con thú to đến mấy khi đã mắc vào cũng khó lòng thoát ra được. Mỗi đợt đi tuần, chúng tôi phát hiện hàng trăm cái bẫy như thế này. Nếu chúng tôi lơ là một tí là các con vật sẽ mắc bẫy ngay.
Đi thêm chừng 1 km nữa, chúng tôi còn phát hiện thêm khoảng chục cái bẫy dây phanh tương tự. Tuy nhiên, theo như anh Tiến cho biết thì thực ra, số bẫy xung quanh đây còn rất nhiều. Các anh không thể đi thu gom hết trong quá trình đi tuần tra rừng được.
Cần ngăn chặn nạn bẫy thú rừng
Theo anh Xuân cho biết thì kẻ săn bắt thú chủ yếu là những người dân sống xung quanh vùng đệm của VQG Pù Mát. Ngày xưa, người dân xem bẫy thú như là một nghề kiếm sống chính, nhưng do được tuyên truyền, vận động nên tình trạng vào rừng đặt bẫy đã có giảm nhiều. Tuy nhiên, bây giờ họ làm lén lút nên rất khó phát hiện. Người dân thường vào rừng đặt bẫy thú như ở bản Trung Chính (Yên Khê, Con Cuông), bản Tùng Hương, bản Quang Yên (Tam Đình, Tương Dương)… Mỗi lần đi rừng đặt bẫy, họ mang theo thức ăn rồi ngủ trong rừng từ 10-15 ngày. Có khi họ đặt bẫy xong, họ sang bên Lào chơi rồi vài ngày sau mới quay lại thăm bẫy.
Để tránh sự phát hiện của kiểm lâm VQG Pù Mát, những kẻ trộm thú sau khi bẫy được thú rừng còn làm thịt, rửa sạch sẽ, bỏ trong thùng xốp rồi mới đưa về. Trước khi lên Khe Bu, chúng tôi đã đến bản Trung Chính, trong vai người mua thịt thú rừng về bán nhưng tuyệt nhiên không có một đầu mối nào. Hỏi ra mới biết, bây giờ, các kẻ trộm thú đã móc nối với các đầu nậu, thương lái dưới xuôi. Mỗi khi có hàng, 2 bên trao đổi qua điện thoại. Các đầu nậu sẽ đánh xe lên trực tiếp tại bản rồi đưa thẳng về các quán nhậu, nhà hàng. Vì là mối lạ nên chúng tôi khó lòng mua được dù chỉ là một cân.
Con chồn hương được cán bộ của Vườn thu giữ được
từ những người đi bẫy thú.
Trời bắt đầu mưa, biết chúng tôi đã thấm mệt, không thể đi tiếp, anh Tiến đề nghị cả đoàn quay về Trạm. Các anh cho biết, dù anh em cán bộ bảo vệ rừng đã cố gắng rất nhiều nhưng việc ngăn chặn nạn bẫy thú vẫn rất vô cùng khó khăn và gian nan. Với diện tích của Vườn là hơn 93 ngàn ha, trong khi đó, lực lượng cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng lại rất mỏng khiến cho công tác tuần tra, phát hiện, thu giữ bẫy thú trở nên “vượt sức”. Riêng Trạm QLBVR Khe Bu có 7 anh em cán bộ nhưng diện tích được giao nhiệm vụ bảo vệ là hơn 25 ngàn ha. Trung bình, mỗi người được giao quản lý hơn 3 ngàn ha. Đó là diện tích rừng không hề nhỏ khiến cho công tác tuần tra rừng, phát hiện, thu giữ bẫy thú càng khó khăn hơn.
“Nhiều lúc do số lượng bẫy thú nhiều quá nên chúng tôi không thể đem về được, đành phải phá bỏ ngay trong rừng luôn. Trong quá trình đi tuần tra, nếu phát hiện có thú bị mắc bẫy thì anh em kiểm tra xem nếu con thú còn khoẻ, vết thương không nặng thì thả luôn vào rừng. Nhưng nếu vết thương quá nặng thì các anh sẽ sơ cứu trước rồi sau đó đưa về Trung tâm cứu hộ động vật tại Vườn để chăm sóc, nuôi dưỡng”, anh Thành cho biết.
Cơn mưa tầm tã của buổi chiều tháng 7 khiến chúng tôi rảo chân buớc nhanh hơn hướng về trạm QLBVR Khe Bu. Càng đi, mưa càng nặng hạt, tát vào mặt rát buốt. Cả đoàn im lặng, người này nối gót người kia mà đi. Chúng tôi biết, rồi mưa sẽ tạnh, nắng sẽ lên nhưng những chiếc bẫy thú kia biết bao giờ hết vương vãi khắp rừng, khắp lối mòn của dấu chân thú ? Những con thú kia biết bao giờ mới được sống “bình yên” ?