(Baonghean) - Hôm qua, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII đã kết thúc nhưng đây đó vẫn để lại trong lòng các đại biểu và cử tri những băn khoăn. Điều đó cũng là bình thường vì kỳ họp nào, khi kết thúc cũng đều chất chứa nhiều cảm xúc trái ngược nhau, tùy theo vị thế, góc độ và cách nhìn nhận, cảm nhận của mỗi người.
Điểm khác biệt với các kỳ họp trước là kỳ họp lần này diễn ra trong lúc tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nguy hiểm, khó lường. Nổi bật nhất là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam; vi phạm luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC); vi phạm Thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc về nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên Biển Đông; làm tổn hại sâu sắc đến tình hữu nghị, đoàn kết, láng giềng của nhân dân hai nước Việt Nam – Trung Quốc.
Thế nên, không ít người kỳ vọng là Quốc hội sẽ có những phản ứng mạnh mẽ như là ra một nghị quyết riêng về tình hình Biển Đông và cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc khi điều đó không xảy ra. Mặc dù, ngay sau khi khai mạc kỳ họp, Quốc hội đã mạnh mẽ lên án hành động sai trái của phía Trung Quốc và ra thông cáo tuyên bố lập trường chính nghĩa của Việt Nam, kiên quyết phản đối hành động sai phạm của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan dầu khí Hải Dương 981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam và không được tiếp tục có những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Khi lòng yêu nước bị tổn thương vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm, người dân có quyền đòi hỏi có những động thái cao hơn thế nữa cũng là chuyện thường tình. Nhưng Quốc hội đã quyết định thế chắc chắn là có lý do chính đáng, không nên bàn luận thêm.
Còn băn khoăn là vì sao kỳ họp kéo dài hơn một tháng, có những vấn đề được cử tri cả nước hết sức quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng là sẽ được giải quyết rốt ráo trong kỳ họp lần này, rút cục vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng và cụ thể. Đó chính là việc lấy phiếu tín nhiệm vẫn thực hiện theo 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp hay nên rút gọn lại chỉ còn hai mức là tín nhiệm và không tín nhiệm như đề đạt, kiến nghị của không ít cử tri gửi gắm tới các đại biểu của mình trước và trong kỳ họp. Có cái gì khó khăn, vướng mắc ở đây mà Quốc hội vẫn chưa thể đưa ra được quyết định cuối cùng.
Vì theo thông tin từ cuộc trao đổi giữa ông Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội với báo chí thì qua thăm dò, hơn 50% đại biểu tán thành lấy phiếu tín nhiệm hai lần một nhiệm kỳ, nhưng chưa đến 50% đề nghị chỉ có hai mức tín nhiệm. 30% đại biểu không bày tỏ ý kiến gì về các mức tín nhiệm khi được xin ý kiến. Trong trường hợp tạm hoãn biểu quyết thông qua việc sửa đổi, Nghị quyết 35 vẫn có hiệu lực, Quốc hội có thể vẫn sẽ lấy phiếu với 3 mức như cũ vào kỳ họp cuối năm nay, theo đúng quy định của Nghị quyết 35. Tại kỳ họp này, Quốc hội hoãn chưa biểu quyết dự thảo sửa đổi Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, như chương trình dự kiến. Thế nên việc lấy phiếu tín nhiệm nghiễm nhiên là vẫn theo kiểu cũ, không có gì thay đổi cả.
Dường như, ở vấn đề này, giữa kiến nghị của cử tri với ý muốn của đại biểu có sự vênh nhau. Vì nếu như đại biểu thể hiện đúng ý chí, nguyện vọng của cử tri thì không chắc là số người đề nghị chỉ có hai mức tín nhiệm lại không quá bán. Vì qua dư luận xã hội thì hầu như ai được hỏi cũng đều khẳng định là nên theo cách làm thông thường như xưa nay vẫn làm là hai mức tín nhiệm. Vấn đề này, tới lúc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, các đại biểu cần làm rõ ra và phải giải thích cặn kẽ, thấu đáo cho mọi người hiểu. Nếu không, nỗi băn khoăn sẽ trở thành thất vọng. Vì không ít người đã từng tự trào “Ta đến, ta nói, ta nghe/ Nói xong ta lại tàu xe ta về”, chẳng giải quyết được vấn đề gì cả. Và câu hỏi lớn vẫn cứ đọng lại trong lòng cử tri là không lẽ việc loại trừ những cán bộ yếu kém ra khỏi bộ máy lại khó khăn đến thế sao?
Trong phiên bế mạc kỳ họp, Quốc hội đã giao nhiệm vụ cho 4 bộ, ngành có người đứng đầu trả lời chất vấn tại kỳ họp này trong thời gian tới phải hoàn thành và có câu trả lời cụ thể về những vấn đề đại biểu chất vấn liên quan tới bộ, ngành mình. Đó là các Bộ Tài chính, Công Thương, Tư pháp và Thanh tra Chính phủ. Trong đó, Bộ Tài chính phải bảo đảm an toàn, an ninh tài chính về nợ công, tái cơ cấu nợ công theo hướng chuyển từ cơ cấu vay ngắn hạn sang vay dài hạn, phát hành trái phiếu Chính phủ có kỳ hạn dài hơn; giảm bội chi ngân sách, hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ. Bộ Tài chính cũng phải bảo đảm thu ngân sách, cân đối thu chi, tăng khả năng trả nợ của ngân sách; phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng gian lận thương mại, trốn thuế, nợ thuế, hoàn thuế sai, chuyển giá.
Đặc biệt là, Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân… Thế nhưng, vào đêm trước của ngày được giao nhiệm vụ “kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá” mà cụ thể là từ 20h ngày 23/6, Bộ Tài chính đã cho phép các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá bán, riêng xăng tăng 330 đồng, lên 25.230 đồng/lít RON 92 và 25.730 đồng/lít RON 95 (ở vùng một).
Với các địa bàn xa trung tâm, cảng biển (vùng hai), xăng RON 92 và 95 lần lượt là 25.730 và 26.240 đồng/lít. Không rõ việc tăng giá xăng dầu này là ngẫu nhiên hay cố ý đi trước một bước, nhưng e là nhiệm vụ “kiểm soát, điều tiết, bình ổn giá, công khai giá, tập trung vào những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động trực tiếp đến đời sống của người dân…” mà Quốc hội giao cho Bộ Tài chính, nhiều khả năng trở thành “nhiệm vụ bất khả thi”. Không nghi ngờ sao được khi diễn biến của việc tăng giá nhanh, bất ngờ lại đúng thời điểm như trên, khiến người dân thất vọng ngay trước khi có thể kỳ vọng.
Đương nhiên, không thể đòi hỏi mỗi kỳ họp, Quốc hội phải giải quyết dứt điểm mọi vấn đề đặt ra. Nhưng ít nhất là dù giải quyết được hay chưa thì điều cần phải làm là không nên để những kỳ vọng của cử tri trở thành nỗi thất vọng.
Duy Hương