(Baonghean) -Ngôi làng ấy nằm giữa một thung lũng núi đá vôi trên con đường vào khu du lịch Thác khe Kèm, phía trong ngôi làng không xa là đại ngàn xanh mướt mát của vườn quốc gia Pù Mát. Thế nhưng, mỗi năm cái làng 85 hộ dân, gần 300 con người này có vài tháng thiếu nước sinh hoạt…
Mùa hè về, ngay từ sáng sớm, khi gà chưa gáy canh ba người dân trong thôn Khe Tín (xã Yên Khê, huyện Con Cuông) đã phải trở dậy đi chở nước ăn. Trong thôn có đến 90% số hộ thiếu nước sinh hoạt. Tiếng động cơ xe máy, tiếng thùng phuy, can lọ, xô chậu va nhau vang khắp xóm. Lúc này không ai còn có thể ngủ được nữa. Từ trẻ nhỏ đến người già đều đã thức giấc. Một ngày ở làng “khát” Khe Tín bắt đầu như thế.
Ngày trước rừng còn nhiều, khe suối, giếng đào của người dân trong bản luôn đầy nước. Thế nhưng từ hơn chục năm nay, hè về suối lại cạn nước, giếng cũng khô rang, Khe Tín lại khốn đốn vì thiếu nước. Dân làng phải đi xa chở nước ở con suối Khe Luông cách làng 5 cây số. Con suối này từng lớn nhất vùng nhưng qua nhiều năm rừng bị chặt, không còn cây cối giữ nước, nguồn suối dần cạn. Bây giờ con Suối Lớn (tên tiếng Thái của con khe) chỉ còn là khe nước nhỏ. Nhưng đó lại là nguồn sống của hàng nghìn con người trong những thôn bản lân cận.
Buổi sáng không kịp đi chở nước vì bận chăm vườn chè, 14 giờ chiều, trong cái nóng hầm hập của tiết đại thử, anh Nguyễn Đình Dũng cùng 2 người hàng xóm chở theo 3 chiếc thùng phuy trên chiếc xe lôi vào suối chở nước. Phải khá vất vả, nhóm thanh niên lực điền này mới đẩy nổi chiếc xe lên khỏi con suối. Sau đó chiếc xe được nối vào đuôi xe máy tạo thành chiếc xe lôi. Anh Dũng cho biết, hàng chục năm nay, cứ hè đến người dân trong thôn lại thiếu nước sinh hoạt. Hạn hán khiến các giếng nước trong làng đều cạn khô. Người dân phải đi chở nước ở con suối Khe Luông về dùng. Tuy nhiên, gần đây, con suối cũng đang dần trở nên ô nhiễm do người dân sống gần đó thường tắm giặt ngay dưới suối, trâu bò thả rông xuống đằm khiến nguồn nước bị ô nhiễm.
Ở thôn Khe Tín, mỗi năm tình trạng thiếu nước sinh hoạt kéo dài từ khoảng 3 - 4 tháng, từ tháng 5 đến tháng 7, 8. Ban đầu dân làng tìm đến những cái giếng còn có nước trong thôn xin nước, thậm chí phải bỏ tiền ra mua. Nhưng rồi giếng trong làng cũng dần cạn nước. Muốn mua cũng không có nữa nên phải đi lấy thứ nước bẩn này từ con suối về lắng lọc lại mà dùng thôi. Vào mùa nắng nóng, mỗi gia đình phải cần đến 2 lao động chuyên đi lấy nước, không còn thời gian đâu để lo việc khác.
Ông Nguyễn Đình Hiền, trưởng bản Khe Tín cho biết: Vào mùa nắng nóng, khoảng 1 tuần không có mưa là các giếng dân đào trong làng đều cạn nước. Cả nước sinh hoạt, tắm giặt, nước uống cho gia súc, mỗi nhà phải chở 2 – 3 chuyến trong ngày mới đủ nước dùng. Nhiều gia đình không có đủ nước cho gia súc đã phải bán tống, bán tháo trâu bò, lợn khi mùa nắng nóng đến. Trong thôn có 30 ha chè của bà con thì có đến quá nửa số diện tích này đang trong tình trạng “kêu cứu” vì thiếu nước tưới. Ngoài nước sinh hoạt, mỗi tuần các hộ có con em học tại trường mầm non phải nộp 2 can 20 lít để phục vụ nước sinh hoạt cho các cháu.
Ngoài thôn Khe Tín, các thôn Trung Yên, Trung Thành, Trung Hương, tổng cộng hơn 1.000 nhân khẩu cũng chung tình trạng thiếu nước. Riêng bản Trung Chính ở gần nguồn suối nên đỡ vất vả hơn.
Cách đây hơn 10 năm, từng có một công trình nước tự chảy được xây dựng phục vụ người dân xã Yên Khê. Tuy nhiên, một thời gian sau công trình xuống cấp và bị bỏ hoang. Cho đến bây giờ, những chiếc bể khô nước với đường ống gỉ sét vẫn nằm đó phơi mưa, phơi nắng. Nguyên nhân của tình trạng này một phần do ý thức của người dân kém trong việc sử dụng và bảo vệ công trình công cộng ở các bản đầu nguồn. Nhiều nhà đã tự động khoan đường ống dẫn nước về nhà gây thất thoát nguồn nước. Mong mỏi của người dân trong những làng “khát” giữa đại ngàn này vẫn là một công trình nước sạch. Anh Nguyễn Đình Dũng chia sẻ: “Có lẽ bây giờ người dân nơi đây mới thấm thía tầm quan trọng của những công trình nước tự chảy mà trước đây không ít người cố tình phá hoại. Mong sao sau này nếu có được một đường ống nước mới được xây lắp lại, mọi người sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ của công. Mùa hè phải đi kéo nước thế này thì cực lắm”.
Hữu VI