(Baonghean) - Trên địa bàn huyện Quỳ Hợp có gần 10 chiếc cầu tạm không đủ tiêu chuẩn vẫn  được người dân sử dụng. Đây là một mối nguy hiểm lớn, là những “chiếc bẫy” có thể dẫn đến tai nạn bất cứ lúc nào.

Con sông Dinh, chạy qua địa bàn xóm Cốc Mẳm có lòng sông khá rộng. Mùa nắng nóng, mực nước xuống thấp, lòng sông có khi chỉ dài khoảng 40 – 50 mét. Tuy nhiên vào mùa mưa, nước sông dâng cao, lòng sông kéo dài gần gấp 3, gấp 4.  Cách xa như vậy, nhưng phương tiện duy nhất để nối người dân của xóm Cốc Mẳm, xã Thọ Hợp và hai xóm khác của xã Châu Đình chỉ là một chiếc cầu tre mong manh, xập xệ.

Theo Xóm trưởng xóm Cốc Mẳm, Trương Văn Biển, chiếc cầu làm tạm bợ, không có lan can, lòng cầu lại yếu, làm bằng tre giòn dễ hư, đi bộ cũng phải cẩn thận, nói chi đi xe máy. Sàn cầu chỉ là những liếp tre được đan rất sơ sài, rộng chưa đến một mét, cách một đoạn lại thấy thủng lỗ chỗ, trẻ con chỉ cần trật chân là có thể rơi tõm xuống sông. Cứ khoảng 3, 4 ngày người dân lại phải thay nhau ra sông để sửa chữa cầu một lần. Công việc thường xuyên đến nỗi, xóm không thể nhờ đến sự “tự nguyện” nữa mà phải thành lập các  tổ riêng, cứ đến phiên tổ nào thì tổ ấy cắt cử người ra xem xét, hỏng chỗ nào “vá” chỗ ấy. 
 
images983285_20140522_095507_1.jpgCầu Cốc Mẳm được dựng tạm bợ, nguy cơ mất an toàn cao.
 
Một trong những nạn nhân của cây cầu này là anh Trương Văn Kiên. Đã gần 2 năm trôi qua, nhưng anh và mọi người dân trong xóm vẫn nhớ rất rõ vụ tai nạn này, bởi khi đó nước ở lòng sông lên khá cao. Đang đi xe máy từ bên này sang bên kia bờ, anh Kiên bỗng trật tay lái rồi bất ngờ cả người và xe lao xuống sông. Cú va đập mạnh, xe hư hỏng hết là một lẽ, nhưng người anh Kiên cũng bị xây xát không ít, phần cổ bị gãy, phải đóng đinh không cử động được. 
 
Chỉ đứng ở cầu Cốc Mẳm chừng năm, mười phút là đã thấy hàng chục chiếc xe máy của bà con hai xã Thọ Hợp và Châu Đình phóng vù vù chạy trên cầu, bất chấp tiếng kêu cót két và đong đưa qua lại của cây cầu. Anh Trương Văn Hưng – một người dân của xã nói: “không đi cầu này thì chúng tôi biết đi đâu, chẳng lẽ phải vòng sang Nghĩa Xuân, Tam Hợp rồi vòng về mất hơn hai mươi cây số. Thương nhất là các em học sinh, từ lứa tuổi mầm non đến cấp III hàng ngày phải đi qua cầu này để đến trường”.
 
Cũng là người Cốc Mẳm, anh Trương Hải Nam, Phó Phòng Công thương huyện Quỳ Hợp nói rằng: Không có cầu bà con thiệt thòi đủ đường từ  đi lại, học hành, sinh hoạt. Sản phẩm nông nghiệp làm ra cũng bị trả giá thấp bởi điều kiện vận chuyện khó khăn quá… Trên địa bàn Quỳ Hợp đang có tới 9 - 10 điểm cầu  tạm bợ bắc qua sông, suối như vậy. Điểm chung nhất của những chiếc cầu này đều là làm bằng tre, không có lan can, không có bất cứ một sự đảm bảo an toàn nào.
 
Sông Dinh chạy qua địa bàn Quỳ Hợp có hơn 40 nhánh lớn nhỏ, địa hình lại bị chia cắt bởi nhiều sông, nhiều suối vậy nên chỉ có cầu là giải pháp duy nhất để người dân đi lại. Không có cầu, người dân sẽ bị cô lập. Để giải quyết vấn đề đi lại cho người dân, huyện  Quỳ Hợp cũng đã xây dựng quy hoạch phát triển giao  thông từ nay đến năm 2020, trong đó có chú trọng đến việc xây dựng các cây cầu treo, cầu tràn. Tuy nhiên, vì eo hẹp về kinh phí, nên sau rất nhiều cố gắng đến năm 2013, chiếc cầu treo duy nhất hiện nay trên địa bàn chạy qua xã Châu Đình mới được hoàn thành. Phần còn lại đều đang nằm trên chủ trương, như cầu Sơn Tiến, cầu Tam Liên, cầu Bản Thịnh. Cầu Cốc Mẳm được xem là có tính khả  thi nhất vì đã được phê duyệt với tổng dự án gần 27 tỷ đồng và lên kế hoạch sẽ triển khai xây dựng trong năm 2014 cũng đã bị chậm so với tiến độ vì đang chờ kinh phí. Ở nhiều điểm khác, xây dựng cầu tràn được xem là giải pháp tiết kiệm hơn, thế nhưng nay cũng chưa có điều kiện để triển khai dù thực sự người dân đang hết sức bức bách trong vấn đề đi lại.
 
Cùng tìm giải pháp, thời gian qua người dân ở xóm Cốc Mẳm (xã Thọ Hợp) và các xóm Tân Hợp, Đồng Hợp, Đồng Sòng (xã Tam Hợp) cũng đã góp sức, góp của xây dựng cầu bê tông. Nhờ đó, đã có một thời điểm ngắn, người dân ở đây đã có cầu bê tông bán kiên cố để đi. Tuy vậy, do kinh phí hạn hẹp, khi làm chưa xem xét kỹ điều kiện kỹ thuật, điều kiện thổ nhưỡng cũng như không lường trước được mực nước lũ nên cả hai lần người dân Cốc Mẳm góp tiền làm cầu thì cả hai lần đều bị nước lũ cuốn trôi. Lần gần đây nhất là năm 2009, cầu làm chưa được 1 năm đã bị hư hỏng hoàn toàn, thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Còn cầu Tam Liên ở xã Tam Hợp tuy chưa bị hư hỏng hoàn toàn nhưng nay cũng xuống cấp trầm trọng. Hiện hệ thống lan can ở hai bên cầu bị đứt gãy hết, lòng cầu lại nhỏ nên đi lại hết sức nguy hiểm. Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ tịch xã Thọ Hợp cũng nói rằng: Làm một chiếc cầu kiên cố là quá sức đối với xã. Vì vậy, khi đưa ra phương án cần phải suy xét mọi phương diện, tránh trường hợp lãng phí, kém hiệu quả như những lần xây dựng trước để tạo sự yên tâm cho bà con.
 
Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Quỳ Hợp cũng đã ra văn bản gửi tới tất cả các xã, thị trấn hiện đang có cầu tạm. Trong đó, khẳng định tất cả những chiếc cầu này đều là những cây cầu tự phát, không được cấp phép và không an toàn cho người dân khi đi qua cầu. Vì vậy, yêu cầu các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các khối, xóm bản tháo dỡ các cây cầu tạm. Đồng thời bố trí đò ngang đảm bảo an toàn, được phép của cơ quan thẩm quyền hoặc nâng cấp cải tạo các tuyến đường liên gia, liên xóm để phục vụ nhân dân đi lại sinh hoạt an toàn thuận lợi. Phải thường xuyên, kiểm tra, ngặn chặn, không cho các cá nhân tự ý làm cầu. Nếu để xảy ra tai nạn, chính quyền địa phương để người dân tự ý làm cầu phải chịu trách nhiệm.
 
Mỹ Hà