(Baonghean) - Gần 20 năm nay, cây mận tam hoa từ Bắc Hà (Lào Cai) về định cư miền núi Nghệ An và trở thành một thứ đặc sản. Ở xã Mường Lống (Kỳ Sơn), thứ trái cây mang vị ngọt giòn ấy giờ có thêm vị chua khi vào mùa chín rộ nhưng mận không có người mua…

Mỗi lần đến với Mường Lống, trong tôi lại rộn lên thứ cảm giác lạ lẫm. Tôi như lạc vào những khung cảnh khác nhau và cũng rất riêng, dẫu rằng cùng một miền đất. Tôi đã đến cái thung lũng được ví “như Đà Lạt” ấy vào cuối mùa Đông, còn ít tuần nữa là Tết Nguyên đán. Từ trên cổng trời phóng tầm mắt bao quát khắp bản Trung Tâm. Trong tiết trời đông có một ngày hiếm hoi hửng nắng. Hoa mận nở trắng xóa dưới thung sâu. Khắp bản như có ai đem chăn hoa trắng ra hong dưới nắng sớm.  Tôi nhớ ngày ấy, cô bé Xồng Y Súa ở bản Mường Lống 1 bảo tôi: “Mận tam hoa nở hoa đấy!” Cô bé chưa học xong cấp hai đã nghỉ học để làm rẫy. Lam lũ vậy mà cặp má vẫn hồng, làn da vẫn trắng. “Đã là mùa hoa thứ 18 rồi. Em biết được rõ là vì cha em bảo em sinh vào đúng cái năm đầu tiên người bản trồng mận.” – Y Súa tâm sự. 

Tôi nhớ lại lần ấy, ông Xồng Chống Lầu, cha của Y Súa kể chuyện về cây mận tam hoa như câu chuyện cổ tích. Ngày xưa, người Mông về lập bản ở Mường Lống đã rất chăm làm. Cái rẫy không ngừng mở rộng ra, con trâu, con bò ngày mỗi đông đúc. Thế nhưng, người dân thì vẫn mãi nghèo đói, vì người cũng ngày mỗi nhiều. Lúc này đường vào Mường Lống hãy còn gian nan lắm, chưa có con đường nhựa như bây giờ đâu. Cán bộ muốn vào đến bản phải lội bộ, trai gái bản đi Mường Xén học cũng phải lội bộ. Muốn đem đào ra chợ bán rồi mang muối, dầu đèn về thắp sáng phải thồ bằng ngựa. Hạt lúa củ khoai trên rẫy cũng phải thồ bằng ngựa. 
 
Thế rồi một ngày, cán bộ huyện bảo với cán bộ xã, cán bộ xã gọi cán bộ bản đi tập huấn. Cán bộ bản về bảo lại với chúng dân trong bản: “Phải trồng mận tam hoa đem bán để thoát cái nghèo”. Ai biết mận tam hoa là cái gì đâu? Cán bộ bản cũng là người đứng đầu dòng họ đã bảo thế thì nghe và làm cái đã. Dân Mông vốn trên dưới một lòng, lại nghe nói sẽ thoát được cái nghèo nữa thì càng mừng cái bụng. Thế rồi, người bản được đi học cách trồng cây mận, cán bộ nông nghiệp xã huyện chuyển cây giống về tận rẫy.
 
Mận tam hoa được dân bản Trung Tâm, bản Mường Lống 1, Mường Lống 2 trồng đầu tiên. Bây giờ tổng diện tích toàn xã đã lên mấy chục ha. Dân bản nhận ra chính đất này, khí hậu này đúng là của mận rồi. Sau 3 năm trồng, chẳng cần phải tốn phân bón hay công chăm sóc gì, mận đã ra hoa rồi đậu quả. Mùa đầu tiên dẫu chưa nhiều quả nhưng ngọt lịm. Người Mông trong các bản hái bỏ gùi đem ra chợ Huồi Tụ, chợ Mường Xén bán về xuôi được người mua tấm tắc khen ngon. Ở Mường Lống cũng có chợ phiên mỗi tháng 2 lần nhưng người ta không bán mận. Chợ chủ yếu phục vụ các bản trong xã mà nhà nào cũng trồng mận rồi thì bán cho ai nữa? Những mùa sau đó, rừng mận trĩu quả. Người bản không sao hái xuể. Mận chín rụng đầy gốc, người bản tiếc ngẩn ngơ. Những nhà chăm chỉ nhất dùng ngựa thồ, xe máy, gùi trên lưng ra chợ bán cùng lắm mỗi mùa chỉ được vài tạ quả còn lại để chín rụng đầy vườn. Thế là niềm hy vọng thoát nghèo nhờ cây mận tam hoa cũng nhạt dần. 
 
Cho đến 2 năm trở lại đây, niềm hy vọng này lại được nhen nhóm trở lại khi tuyến đường nhựa vào Mường Lống hoàn thành. Phải nói rằng, con đường không chỉ mang lại hy vọng cho riêng gì người trồng mận. Có đường rồi, quả đào, củ khoai, hạt ngô, cây cải đắng cũng dần thành hàng hóa. Khu chợ ở bản Trung Tâm cũng sầm uất hơn. Bây giờ, Mường Lống đã có xe khách chạy từ Thành phố Vinh vào trung tâm xã, mỗi ngày một chuyến lên xuống. 
 
images983025_thi_u_n__m_ng_h_i_m_n.jpgThiếu nữ Mông hái mận.
Mận Mường Lống, một đặc sản của Kỳ Sơn.
 
Lần trở lại Mường Lống lần này, vào một ngày cuối tháng 5 trong đợt nắng nóng kéo dài cả tuần liền. Dưới thung lũng, rừng mận đã vào kỳ chín rộ. Gặp lại Xồng Chống Lầu cùng gia đình đang hái mận ngoài vườn. Sau cái bắt tay thân thiện, vẻ mặt ông Chống Lầu vẻ ưu tư. Ông cầm trái mận đỏ mọng, trao cho tôi và nói: “Mận bây giờ chua rồi chú ạ. Chua vì không bán được!”. Rồi ông kể hồi năm ngoái, mận còn xanh đã có người từ miền xuôi đánh ô tô về mua tại vườn. Quả còn xanh họ vẫn mua, mỗi cân giá 6000đ, rồi 5000đ. Bà con phấn khởi hẳn. Trong xã, đã có nhiều nhà thu khá tiền hơn làm rẫy nhờ trồng mận, phải kể đến gia đình ông Hờ Pà Chù được gần 20 triệu đồng nhờ bán mận. Bán rẻ, người trồng mận đã phải chịu thiệt thòi, chỉ sau vài ngày thu mua với giá cao, những thương lái đến vườn mận chỉ mua 1.000 đồng – 2.000 đồng/kg mận, có lúc xuống còn 500 đồng/kg. Không bán cho họ thì biết bán cho ai, vì chỉ có vài người đến thu mua. Có nhà bị ép giá, ức quá cứ để vậy cho mận rụng!
 
Dẫn tôi đi thăm rừng mận của bản Mường Lống 1, Chủ tịch UBND xã Xồng Và Súa tỏ ra lo lắng. Đó cũng là nỗi lo chung của những người trồng mận ở Mường Lống: “Mận đã bắt đầu chín rồi đấy, nhưng chưa thấy xe lên thu mua. Sau vài ngày nữa, mận chín mà không có người mua, chỉ còn nước nhìn mận rụng đầy vườn!”. Rồi ông Và Súa chia sẻ: “Giống mận tam hoa đến mùa quả chín, chỉ vài ngày là đã đỏ ửng khắp vườn. Trong vòng một tuần mà không thu hoạch hết thì quả sẽ rụng. Đầu ra cho thứ cây đặc sản này phụ thuộc vào tư thương nên bấp bênh lắm”.
 
Năm nay, mận được mùa chưa từng thấy. Một cây bình quân gần 1 tạ quả. Người dân phải dùng cọc gỗ chống đổ thế mà vẫn có nhiều cành gãy rạp. Đâu đó trong rừng mận, những phụ nữ Mông mang gùi đi hái quả. Cánh đàn ông thì bắc thang hái những cành cao. Người Mông ở Mường Lống không có thói quen nghỉ trưa. Họ tranh thủ đi hái mận đem xuống chợ huyện cách nhà ngót năm chục cây số bán. Một số thì có người đặt hàng, nhưng chỉ có một vài ba bao tải. Nhà chị Hờ Y Xùa trồng hơn 20 gốc mận, năm nay quả nhiều nhưng lại lo không bán được. Có người gọi điện hái cho 2 bao tải. Thế là chị tức tốc ra vườn hái để kịp đầu giờ chiều giao cho khách đưa về Vinh. Chị bảo: “Kể mà ngày nào cũng có người đặt hàng như vậy thì quả là hạnh phúc”. Còn nhà anh Và Bá Lì, vườn mận hàng trăm gốc sắp chín. Anh mong nhất là cái xe ô tô của tư thương đến thu mua. Dù có rẻ một chút cũng được. Ngày nào cũng phải chở ra chợ bán thì chẳng bõ công, lại không chở hết được lượng quả lên đến gần chục tấn.
 
Mận đang chín rộ, nhưng vẫn không thấy tư thương vào mua. Dân bản lại lo mận ế, rụng đầy vườn. Nhiều người than thở: Mận tam hoa giờ lại thêm vị chua! 
 
Hữu Vi