(Baonghean) - Nghị quyết Đại hội lần thứ XXVII Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đặt mục tiêu xây dựng huyện trở thành trung tâm phát triển mới của vùng miền núi Tây Bắc Nghệ An. Theo hướng đó, Đảng bộ và nhân dân huyện khai thác tối đa các nguồn lực và lợi thế của địa phương, tăng tốc phát triển, đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Dấu ấn đầu tiên của Đảng bộ Nghĩa Đàn từ đầu nhiệm kỳ đến nay là đã hình thành một vùng kinh tế nông nghiệp gắn với chế biến được khép kín quy trình từ trồng trọt, chăn nuôi và chế biến sữa. Đó là việc Tập đoàn TH triển khai thực hiện dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp trên diện tích lớn. Lần đầu tiên trên vùng đất đỏ Phủ Quỳ một dự án lớn về quy mô đầu tư, công nghệ hiện đại đã được triển khai đồng bộ. Những trang trại khổng lồ vươn sừng sững giữa những cánh đồng cỏ, cao lương, ngô bao la.
Nhờ khát vọng, nung nấu ý tưởng của nhà đầu tư tạo sự gắn kết “từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch” đã tạo một khí thế mới trên vùng đất Phủ Quỳ, nên chỉ một thời gian ngắn, số lượng đàn bò sữa có trên 30.000 con, diện tích đồng cỏ cũng đã đạt hơn 2.000 ha. Một chuỗi công nghệ hiện đại từ những con bò được gắn chíp, máy quét kiểm tra tình trạng sức khỏe, đo chất lượng sữa thông qua tính dẫn điện, quản lý bò bằng phần mềm quản trị và lập biểu đồ theo dõi từng cá thể bò... Còn việc nhập, trồng các loại giống cỏ ngoại như cỏ mombasa, cây cao lương, sử dụng hệ thống công nghệ tưới bằng những “cánh tay rô bốt” tự động, thu hoạch bằng máy móc và khép kín quy trình chế biến sữa cho các loại sản phẩm “Made in Nghĩa Đàn”.
Phải nói rằng, sự khởi động của dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH ngay từ đầu nhiệm kỳ đã mở ra cho Nghĩa Đàn một định hướng phát triển hoàn toàn mới dựa trên tiềm năng đất đai. Trên cơ sở đó, BCH Đảng bộ ra nghị quyết chuyên đề về “Quy hoạch và thực hiện quy hoạch nông thôn mới gắn với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn”. Ngay sau đó, huyện huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng nhà đầu tư giải quyết rốt ráo các vướng mắc phát sinh nên chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn ha đất sạch đã được bàn giao cho nhà đầu tư. Cùng với dự án bò sữa của Tập đoàn TH, dự án Nhà máy gỗ MDF tại KCN Nghĩa Đàn của Công ty CP lâm nghiệp Tháng Năm với ưu thế nổi trội là sự kết hợp giữa công nghệ chế biến gỗ thanh và công nghệ chế biến gỗ ván sợi MDF chất lượng cao, cho phép nhà máy sử dụng gần như toàn bộ sản phẩm, phụ phẩm trên cây gỗ, mở ra triển vọng mới cho nghề trồng rừng không chỉ ở Nghĩa Đàn mà cả vùng miền Tây.
Để nhà máy cho sản phẩm vào cuối năm 2014, Nghĩa Đàn chỉ đạo đảm bảo tiến độ công tác GPMB bàn giao cho nhà đầu tư cũng như xây dựng các hạng mục phía ngoài hàng rào của dự án. Ngoài ra, một số các dự án sử dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cũng được nhà đầu tư đăng ký bước đầu triển khai đầu tư như: dự án trồng rau trong nhà kính, dự án trồng cây dược liệu... Sự khởi động cho hiệu quả ban đầu của một số dự án trên lĩnh vực nông nghiệp trở thành những tiền đề, chất xúc tác rất quan trọng để Nghĩa Đàn chủ động trong việc đón nhận thời cơ phát triển mới khi tỉnh đang xây dựng Đề án thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Nghệ An” nhằm thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020. Đồng chí Lê Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, Nghĩa Đàn sẽ tiếp tục đồng hành cùng các dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sử dụng công nghệ cao, tạo cơ sở khai thác có hiệu quả tiềm năng đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Hiệu quả mô hình y tế “2 trong 1”
Dấu ấn rõ nét trên lĩnh vực văn hóa, xã hội của Nghĩa Đàn triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XXVII Đảng bộ huyện, đó là công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Nghị quyết số 11- NQ/HU về công tác chăm sóc sức khỏe nhân nhân dân, củng cố mạng lưới y tế cơ sở và Trung tâm Y tế huyện. Trên cơ sở định hướng của nghị quyết, Nghĩa Đàn triển khai thực hiện hiệu quả. Vì vậy, từ một địa phương không có cơ sở khám, chữa bệnh tuyến huyện thì nay đã hiện hữu một trung tâm y tế quy mô hiện đại, đảm bảo thực hiện tốt đồng thời 2 chức năng: khám chữa bệnh và chăm lo y tế dự phòng tuyến cơ sở; thể hiện khoa học trong cách bố trí các phòng khám nội, khám ngoại, biển chỉ dẫn rõ ràng, nhân viên tận tình đón tiếp, không gian phòng chờ thoáng đãng... tạo nên sự thoải mái cho người bệnh. Bà Đỗ Thị Ý, xóm Đồng Ao, xã Nghĩa Hội đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện hài lòng nhận xét: “Từ khi Nghĩa Đàn có trung tâm y tế, bệnh nhân nghèo như chúng tôi không phải ra khám tại Bệnh viện Đa khoa Tây Bắc nữa vừa xa, vừa trái đường. Chúng tôi thực sự yên tâm khi khám và điều trị tại đây”.
Nhờ thực hiện đồng bộ cơ chế, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đối với những vị trí nòng cốt, khuyến khích hình thức tự đào tạo tại chỗ, đào tạo lại từ tuyến huyện xuống cơ sở... nên đội ngũ y, bác sỹ các cơ sở y tế huyện Nghĩa Đàn đáp ứng yêu cầu đặt ra. Hiện nay, cùng với việc đưa vào sử dụng các hạng mục của dự án, Sở Y tế trang cấp một số thiết bị như: máy xét nghiệm huyết học, máy ly tâm, máy lắc, máy xét nghiệm nước tiểu, máy xét nghiệm sinh hoá, máy X-Quang, máy siêu âm 2D, 3D, bàn mổ, đèn mổ hiện đại, hệ thống phẫu thuật nội soi, máy CT-Scanner và một số trang thiết bị cung cấp phục vụ cho hoạt động y tế dự phòng... Nhờ vậy, đã tăng cường năng lực chuyên môn, điều kiện khám, chữa bệnh tại trung tâm tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Bác sỹ Vi Văn Quế, Giám đốc Trung tâm y tế cho biết: Hiện tại, Trung tâm Y tế Nghĩa Đàn có quy mô 80 gường bệnh, nhưng thực tế công suất sử dụng cao hơn nhiều, từ 160 - 197%, bình quân số lượt bệnh nhân đến khám đạt gần 2.800 lượt/tháng, tỷ lệ bệnh nhân có thẻ BHYT đến khám, chữa bệnh là 82%; tỷ lệ danh mục kỹ thuật thực hiện đạt 72%... Trong quá trình chữa trị, trung tâm chưa để xảy ra sai sót chủ quan nào ảnh hưởng đến uy tín, cũng như đạo đức nghề y.
Không chỉ chăm lo cơ sở vật chất, đội ngũ tại Trung tâm Y tế huyện, thực hiện định hướng nghị quyết, Nghĩa Đàn còn chăm lo xây dựng mạng lưới trạm y tế cơ sở, đủ năng lực để vừa giảm tải tuyến trên, vừa thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Tại xã Nghĩa Đức, một xã trong diện khó khăn của Nghĩa Đàn, khi đến thăm Trạm Y tế xã, chúng tôi thực sự bất ngờ về điều kiện cơ sở hạ tầng, vật chất của trạm. Dẫn chúng tôi đi thăm từng buồng, phòng điều trị, bác sỹ Nguyễn Thị Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế chia sẻ: “Địa bàn của xã rộng, trình độ dân trí lại không đồng đều nên nhận thức về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của một số người dân có phần hạn chế. Bên cạnh đó, có xóm nằm xa trung tâm xã hơn 10 km, giao thông chưa thuận lợi nên điều kiện để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân còn khó khăn. Tuy nhiên, đội ngũ y, bác sỹ gồm 5 người của trạm luôn nỗ lực cố gắng, hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn được giao, đưa trạm trở thành địa chỉ tin cậy cho nhân dân địa phương. Xã Nghĩa Đức đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020 trong đợt thẩm định vào tháng 11 vừa qua”.
Còn tại xã Nghĩa Lạc, mặc dù là xã 135 còn gặp nhiều khăn trên các mặt. Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được quan tâm. Vì vậy, từ năm 2013, Nghĩa Lạc đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Đồng chí Lê Văn Cảnh, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Lạc cho biết: “Với sự hỗ trợ một phần của cấp trên, cũng như đóng góp của nhân dân thông qua công tác xã hội hóa nên cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất của trạm xá được đầu tư nâng cao, đảm bảo ngày càng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân”. Báo cáo tổng hợp cho thấy, thực hiện chỉ đạo xây dựng Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020, trong năm 2014, Nghĩa Đàn có thêm 3 đơn vị được công nhận đạt chuẩn, nâng luỹ kế số đơn vị đạt bộ tiêu chí trên toàn huyện là 17/25, đạt 68%. Đồng chí Võ Tiến Sỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện khẳng định: “Những kết quả đạt được đó là kinh nghiệm thực tiễn để Nghĩa Đàn tiếp tục vừa đầu tư hoàn thiện các hạng mục tại Trung tâm Y tế huyện, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả mô hình 2 trong 1 đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”.
Xây dựng đội ngũ ngang tầm nhiệm vụ
Sau khi chia tách, các cơ quan của huyện Nghĩa Đàn chuyển vào địa điểm mới từ tháng 5/2008 với nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc, đặc biệt là công tác tổ chức, bộ máy cán bộ cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng cấp huyện còn thiếu nhiều so với biên chế được giao. Một loạt quyết định, giải pháp đã được BTV Huyện ủy đồng bộ triển khai thực hiện như: quy chế bổ nhiệm cán bộ; quy chế phân cấp quản lý cán bộ...; đồng thời tổ chức kiện toàn bộ máy cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến cơ sở... nên nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, hoạt động có hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Tiến Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn, người có thâm niên gắn bó với huyện Nghĩa Đàn cả trước và sau khi chia tách, nhớ lại: “Trong bối cảnh thiếu hụt cán bộ, nhưng Nghĩa Đàn luôn nhất quán dựa trên quan điểm lựa chọn cán bộ phải đảm bảo chất lượng, theo quy định tiêu chuẩn, chứ không tuyển dụng, bổ nhiệm ồ ạt, “trám” vào các vị trí, chức danh còn thiếu. Tuy nhiên, một thực tế rất khó khăn, đó là các chức danh lãnh đạo và cả cán bộ hầu hết đều còn mới, chưa có nhiều kinh nghiệm trên cương vị công tác, đơn cử như tại UBND huyện, 12/13 trưởng phòng chuyên môn được bổ nhiệm mới… Do đó, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện bộ máy thì công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ được huyện Nghĩa Đàn đặc biệt quan tâm”.
Vì vậy, bước vào đầu nhiệm kỳ 2010 - 2015, trên tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/HU của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn về công tác cán bộ; Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 29/4/2011 của BCH Đảng bộ huyện về “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh” công tác cán bộ trên địa bàn huyện được các cấp ủy đảng đặc biệt quan tâm, tăng cường xây dựng đội ngũ, xem cán bộ là “gốc” để triển khai thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết. Theo đó, huyện tập trung tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ. Đặc biệt là thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nghiêm túc, đúng quy trình, phát huy dân chủ. Vì vậy, theo đánh giá của lãnh đạo huyện, những cán bộ trong quy hoạch đều thể hiện tinh thần phấn đấu vươn lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Theo số liệu của Ban Tổ chức Huyện ủy Nghĩa Đàn, trong thời gian từ năm 2011 đến nay, huyện đã đề bạt, bổ nhiệm cấp trưởng, phó phòng, ban và tương đương cấp huyện 45 lượt cán bộ, trong đó bổ nhiệm mới 31 đồng chí, bổ nhiệm lại 14 đồng chí; chỉ định bổ sung cấp uỷ cơ sở 41 đồng chí, chuẩn y kết quả bầu bổ sung 25 đồng chí giữ chức vụ bí thư, phó bí thư, uỷ viên ban thường vụ đảng ủy. Bầu bổ sung bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch, phó chủ tịch UBND huyện; bầu bổ sung 3 ủy viên UBKT và 1 phó chủ nhiệm UBKT Huyện uỷ.
Bên cạnh đội, ngũ cán bộ cấp huyện, đội ngũ cán bộ cấp xã, thị trấn cũng được kiện toàn, nâng cao chất lượng. Nghĩa Đàn một trong những địa phương đầu tiên trong tỉnh thực hiện thi tuyển dụng công chức cấp xã. Đây là đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở. Tại xã Nghĩa Đức, một trong những địa phương còn khó khăn của huyện Nghĩa Đàn, trong những năm qua, công tác cán bộ được qua tâm nên hầu hết cán bộ UBND xã có trình độ đại học, trong đó 9 cán bộ được tuyển theo hình thức thi tuyển công chức. Đồng chí Lục Đình Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Đức cho biết: “Ngoài việc nâng cao chất lượng đầu vào của cán bộ, hàng năm, xã đều cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn của huyện, tỉnh mở nhằm nâng cao trình độ chuyên môn”. Bên cạnh đó, huyện tập trung cử cán bộ học các lớp quản lý nhà nước và mở các lớp đào tạo cán bộ theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 về mô hình khung cho quy trình thủ tục hành chính. Mở các lớp bồi dưỡng kỹ năng quản lý, lãnh đạo cho đội ngũ chủ tịch xã, hiệu trưởng các trường, chủ tài khoản và kế toán các cơ quan…
Đồng chí Lê Huy Hòa, Trưởng phòng Nội vụ huyện Nghĩa Đàn cho biết: “Huyện đặt ra yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải xác định được vị trí việc làm, nhuần nhuyễn kỹ năng công tác; đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong công việc. Vì vậy, chất lượng cán bộ ngày càng được nâng lên, hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước sau khi chia tách dần đi vào ổn định, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt hơn nhu cầu của nhân dân”. Trao đổi với chúng tôi về công tác, chất lượng đội ngũ cán bộ, đồng chí Phan Tiến Hải, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết thêm: “Lực lượng cán bộ của huyện Nghĩa Đàn tuy đa số còn trẻ nhưng đã có sự trưởng thành nhanh trong công việc. Đây là cơ sở vững chắc cho công tác quy hoạch cán bộ trong các giai đoạn tiếp theo của huyện”.
Có thể nói những kết quả mang “dấu ấn” nêu trên chỉ là những lĩnh vực trong tâm, còn trên thực tế, có rất nhiều thành tựu khác mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Nghĩa Đàn đã nỗ lực đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay. “Đó chính là những bài học kinh nghiệm quý trong việc lựa chọn ra nghị quyết, công tác triển khai, tổ chức thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống để Đảng bộ Nghĩa Đàn vững tin vào giai đoạn nhiệm kỳ mới với định hướng trở thành trung tâm phát triển mới vùng Tây Bắc Nghệ An” – đồng chí Vi Văn Định, Bí thư Huyện ủy khẳng định.
Hữu Nghĩa - Thành Duy