TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê - Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An trao đổi với Báo Nghệ An về công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới.
PV: Ở thời điểm này, số ca mắc COVID-19 ở Nghệ An ở mức cao, người dân từ các tỉnh, thành trở về địa phương ăn Tết tăng lên. Dịch đang dồn về tỉnh nhà từ 4 phương, 8 hướng. Ông có thể nhận diện cụ thể hơn về nguy cơ dịch lúc này?
TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê: Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 này, số lượng người dân từ các tỉnh, thành trên cả nước trở về quê ăn Tết trên địa bàn, đặc biệt là người dân trở về từ các địa phương có dịch (không phải vùng cấp 4 - vùng đỏ) gia tăng. Thực hiện chủ trương thích ứng, linh hoạt hiện nay của Chính phủ, Nghệ An không áp dụng quy định kiểm soát di chuyển của người dân, hạn chế việc xét nghiệm cũng như việc cách ly đối với người dân trở về từ các địa phương trên cả nước… Bên cạnh sự thuận lợi cho người dân thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng cũng tăng cao.
Nguy cơ dịch còn đến từ những sự kiện tập trung đông người. Vào thời điểm cuối năm cũ, đầu năm mới, ở tỉnh thường xuyên có các sự kiện tập trung đông người như: liên hoan, tất niên, đám cưới, mua sắm… Đã có những ca nhiễm trong cộng đồng được phát hiện sau khi tham gia những sự kiện này. Ngoài ra, trong thời gian vừa qua các học sinh trên địa bàn đã trở lại đi học trực tiếp, từ đây cũng đã ghi nhận các ca nhiễm tại các trường học và đã lây lan ra cộng đồng. Bên cạnh đó, công ty, doanh nghiệp tiềm ẩn nhiều nguy cơ, với đặc điểm công nhân ở rải rác khắp các địa phương, một số cơ sở sản xuất chưa thực hiện triệt để công tác phòng, chống dịch... dẫn đến nguy cơ tiềm ẩn bùng phát dịch là rất lớn.
PV:Để đảm bảo an toàn phòng dịch, bảo vệ sức khỏe cho người dân, Nghệ An đã có quy định phòng dịch đối với người về quê ăn Tết như thế nào? Người dân cần chuẩn bị những gì khi về quê?
TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê: Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế; tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 598/KH-UBND ngày 21/10/2021; Quyết định số 3869/QĐ-UBND ngày 21/10/2021 của UBND tỉnh về việc Quy định tạm thời một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” đối với từng cấp độ dịch trên địa bàn tỉnh Nghệ An và các chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Nghệ An tuyệt đối không đặt ra những quy định về phòng, chống dịch trái với hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế, của Chính phủ, gây khó khăn không cần thiết cho người dân nhất là trong dịp về quê ăn tết Nguyên đán Nhâm Dần.
Đối với khi người dân trở về quê ăn Tết, Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 6433/TTCH-SYT về việc Hướng dẫn một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, tỉnh Nghệ An đề nghị thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế (đặc biệt là người trở về từ khu vực có cấp độ dịch cấp 3, 4 và người nhập cảnh), thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" và các quy định phòng, chống dịch, nhất là trong quá trình di chuyển về quê, sinh hoạt trong dịp Tết và trở lại nơi làm việc sau Tết.
Khuyến khích người dân nên thực hiện xét nghiệm Sars-CoV-2 trước khi trở về địa phương để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Riêng đối với người dân trở về từ vùng dịch cấp 4 trở về địa phương bắt buộc phải có xét nghiệm SARS-CoV-2 và tuân thủ quy định đối với từng nhóm đối tượng theo đúng hướng dẫn tại Công văn số 6433/TTCH-SYT… Người dân cần suy nghĩ đến sức khỏe của người thân, cộng đồng để thực hiện tốt các quy định và khuyến cáo phòng, chống dịch này.
PV: Ngành Y tế Nghệ An đã lên các phương án, bố trí nhân lực, vật lực; triển khai các phương án như thế nào để đảm bảo thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong dịp tết Nguyên đán này?
TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê: Sở Y tế Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị y tế và các ngành trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp tết Nguyên đán 2022.
Các đơn vị chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm công tác y tế dịp tết Nguyên đán 2022; tập trung nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh, nhất là đối với biến chủng Omicron.
Các đơn vị trong ngành tham mưu chính quyền các cấp trong việc tổ chức thực hiện quản lý nhóm nguy cơ cao trên địa bàn; tổ chức rà soát, thống kê, quản lý những người thuộc nhóm nguy cơ cao để có phương án đảm bảo an toàn phòng, chống dịch; huy động lực lượng hỗ trợ tổ chức tiêm vét vaccine phòng COVID-19; bảo đảm thực hiện nghiêm việc cách ly tại nơi cư trú, tại các khu cách ly tập trung trên địa bàn theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Ngành cũng tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện truyền thông, phổ biến kiến thức đến các đơn vị, người dân trên địa bàn về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông - Xuân; nâng cao ý thức của người dân về việc tiêm đủ vaccine, xét nghiệm, cách ly, điều trị, nhất là thực hiện nghiêm "5K" trong phòng, chống dịch COVID-19;
Phòng, chống dịch bệnh nói chung, dịch COVID-19 nói riêng, ngành Y tế đã chuẩn bị, dự trữ đầy đủ vật tư, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo đáp ứng nhu cầu chống dịch khi xảy ra dịch bệnh trên địa bàn.
Các đơn vị khám, chữa bệnh cũng đã và đang nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, tiếp nhận, chuyển tuyến giữa các tầng điều trị; đẩy mạnh hỗ trợ chuyên môn của các đơn vị tuyến trên đối với các đơn vị tuyến dưới; củng cố năng lực vận chuyển cấp cứu, chuyển tuyến người bệnh từ cộng đồng, bệnh viện tuyến dưới lên tuyến trên và giữa các bệnh viện trên địa bàn.
Đối với các địa phương triển khai công tác theo dõi, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà, nơi lưu trú, ngành Y tế đề nghị tăng cường công tác giám sát, thường xuyên liên hệ, động viên bệnh nhân yên tâm duy trì theo dõi, điều trị; thực hiện nghiêm công tác xử lý rác thải lây nhiễm theo quy định; cung cấp số điện thoại đường dây nóng cho người bệnh, đảm bảo thường trực hỗ trợ kịp thời về y tế ngay cho bệnh nhân.
P.V: Trong suốt 2 năm qua, sức ép dịch bệnh dồn lên các lực lượng chống dịch là rất lớn, đặc biệt là cán bộ y tế. Tết này, lực lượng này lại tiếp tục gồng sức chống dịch. Nghệ An nói chung và ngành Y tế nói riêng đã, đang và sẽ có những sự quan tâm, động viên nào đối với họ?
TS. BSCKII Nguyễn Hữu Lê: Ngành Y tế đã quan tâm, tổ chức tốt việc thăm hỏi, động viên đối với các cán bộ y tế công tác tại đơn vị trong dịp tết Nguyên đán. Những ngày giáp Tết, lãnh đạo ngành Y tế Nghệ An đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm hỏi, tặng quà, động viên các đơn vị y tế, trạm y tế lưu động ở các huyện miền núi đang cách ly, điều trị bệnh nhân COVID-19, và các lực lượng tuyến đầu chống dịch...
Bên cạnh đó ngành đã đề nghị UBND tỉnh Nghệ An có các chế độ, chính sách động viên cán bộ y tế, nhất là đối với các y, bác sĩ, người tham gia công tác phòng, chống dịch dài ngày, làm việc trong khu điều trị COVID-19... xây dựng kế hoạch tổ chức chăm sóc tốt, thăm hỏi, chúc Tết người bệnh điều trị nội trú, đặc biệt người có hoàn cảnh khó khăn, người nghèo, người thuộc diện chính sách. Ngành Y tế Nghệ An mong muốn các nhân viên y tế trong tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ, đáp ứng tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
P.V: Xin cảm ơn ông!
NHỮNG ĐIỂM CÔNG DÂN CẦN BIẾT KHI VỀ QUÊ ĂN TẾT ĐỂ SẮP XẾP THỜI GIAN HỢP LÝ
I. VÙNG DỊCH CẤP ĐỘ 4:
1. Người đã tiêm đủ liều vắc -xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc -xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 06 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F0 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):
- Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày về địa phương.
- Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương
2. Người chưa tiêm đủ liều vắch xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà, nơi lưu trú ít nhất 07 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 07 ngày.
- Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương.
3. Người chưa tiêm vắc- xin phòng COVID-19:
- Cách ly tại nhà 14 ngày kể từ ngày bắt đầu cách ly, tiếp tục tự theo dõi sức khỏe 14 ngày.
- Xét nghiệm SARS-COV-2 3 lần: Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày đầu và ngày thứ 7 và ngày thứ 14.
II. VÙNG DỊCH CẤP ĐỘ 3:
1. Người đã tiêm đủ liều vắc- xin phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khỏe điện tử hoặc Giấy chứng nhận tiêm đủ liều vắc- xin của cơ quan có thẩm quyền cấp), liều cuối cùng đã được tiêm ít nhất 14 ngày và không quá 06 tháng hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 06 tháng tính đến thời điểm được xác định là đối tượng F1 (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19):
- Tự theo dõi sức khỏe trong vòng 07 ngày.
- Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn trong trường hợp xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
2. Người chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc- xin phòng COVID-19:
- Tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Thực hiện Thông điệp "5K".
- Thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên vào ngày thứ 07. Thông báo ngay cho cơ quan y tế trên địa bàn khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, đau họng, khó thở, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác.
III. VÙNG DỊCH CẤP ĐỘ 1,2:
1. Thực hiện khai báo y tế bắt buộc.
2. Thực hiện thông điệp 5K
3. Tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày trở về địa phương.
4. Khuyến khích người dân tự xét nghiêm sàng lọc khi về địa phương.