(Baonghean) - Tại 3 huyện Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn, định hướng chung trong phát triển kinh tế với hỗ trợ của 30a là xây dựng các mô hình, chuỗi sản xuất nông nghiệp thương phẩm, từ đó nhân rộng và hướng tới xây dựng vùng cung cấp theo quy hoạch. Sau 5 năm khởi động chương trình, đến nay đã xây dựng được 84 mô hình khuyến nông, khuyến lâm với hình thức hỗ trợ chính là cây, con giống; trong đó, có một số mô hình có "thương hiệu" gắn với từng địa phương như chanh leo Quế Phong; rau sạch Tương Dương hay trang trại chăn nuôi ở Kỳ Sơn,... Bên cạnh những mô hình thành công và đang tiếp tục phát triển, cũng có không ít thất bại. So sánh, nhìn nhận và đánh giá thành công cũng như thất bại là cần thiết để rút ra bài học kinh nghiệm cho chặng đường về sau của việc thực hiện Nghị quyết 30a.
Những mô hình thành công
Nói đến thực hiện Nghị quyết 30a tại Quế Phong, cần nói đến đầu tiên là mô hình chanh leo ở các xã Tri Lễ, Nậm Giải. Khởi đầu với 2 ha năm 2010, đến nay mô hình đã nhân rộng lên thành 16,1 ha, có thể cho thu nhập trên 200 triệu đồng/ha. Không thể phủ nhận đây là một thành công - một điển hình minh họa cho sự chuyển biến rõ trong tư duy và phương thức sản xuất của người dân. Dù “sinh sau đẻ muộn" nhưng không kém triển vọng là Dự án trồng mây, quản lý rừng lùng tái sinh và khai thác tại các xã Hạnh Dịch, Đồng Văn và Thông Thụ. Đây là dự án do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ năm 2014 đến năm 2016. Mục tiêu đặt ra cho dự án là: trong 3 năm, trồng mới 12 ha mây tại xã Hạnh Dịch và 600 ha rừng nứa, lùng tại xã Đồng Văn và Thông Thụ. Ước tính thu nhập từ mây đạt 50 - 70 triệu đồng/ha/năm; sản lượng thu hoạch nứa, lùng toàn dự án đạt 45.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 60 - 70 triệu đồng/ha/năm, giá trị tiêu thụ hàng hóa đạt 45 - 55 triệu đồng/ha/năm.
Đến xã Hạnh Dịch (Quế Phong) đúng lúc các hộ dân đang đến UBND xã đăng ký diện tích trồng mây để được nhận giống và phân bón. Được biết, các hộ dân tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 100% về giống và phân bón NPK trong 3 năm (2014 - 2016). Nguồn vốn lấy từ nguồn của chương trình 30a và một phần nhỏ do nhân dân đóng góp. Điểm đáng chú ý ở dự án trồng mây, lùng tại Quế Phong nói chung và trồng mây tại Hạnh Dịch nói riêng là sự hiện diện của các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ cùng tham gia vào các khâu của quy trình sản xuất.
Hỗ trợ bà con trong kỹ thuật canh tác và ươm giống là Dự án OXFAM của Hồng Kông. Đồng chí Lương Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND xã dẫn chúng tôi đi xem vườn ươm giống mây nước và mây nếp đúng lúc anh Cao Ánh Sáng - cán bộ kỹ thuật của OXFAM đang hướng dẫn cho bà con cách làm bầu và lấy giống. Triển khai từ tháng 10/2013, đến nay 60.000 bầu giống mây nước đã sẵn sàng xuất vườn, giao cho các hộ dân trồng trên diện tích đất canh tác. 20.000 bầu giống mây nếp đang được các tổ viên trong tổ phụ trách vườn ươm chuẩn bị. Đồng chí Lương Quốc Việt cho biết, triển khai vườn ươm giống không chỉ đảm bảo giống mây phát triển khỏe mạnh mà còn tạo điều kiện cho bà con tiếp cận với công nghệ kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất.
Ngoài ra, xã đóng vai trò "trung gian", "mua" giống của bà con làm vườn ươm, sau đó lại phát giống cho bà con canh tác, đảm bảo khai thác triệt để nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay tại Hạnh Dịch đã triển khai được 2 ha trồng mây, chia đều cho 8 hộ dân. Anh Cao Ánh Sáng vừa làm mẫu, hướng dẫn cho bà con trồng mây. Anh Sáng lạc quan: "Cây mây là cây bản địa. Ưu điểm của nó là phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, phương thức trồng và chăm sóc lại không phức tạp, bà con dễ thực hiện. Thế nên khi triển khai dự án này, toàn thể bà con hết sức đồng tình và có tinh thần tiếp thu, làm theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và định hướng chỉ đạo của xã, huyện".
Đó là về khâu sản xuất, còn về khâu tiêu thụ, dự án đã thu hút được Công ty TNHH Đức Phong (trụ sở đặt tại Nghi Phú) - một doanh nghiệp chuyên về các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu - cam kết thu mua toàn bộ mây (và lùng), đảm bảo thị trường tiêu thụ cho bà con yên tâm sản xuất. Đứng ra chịu trách nhiệm về mặt pháp lý trong các giao dịch với doanh nghiệp là Hợp tác xã mây lùng Hạnh Dịch được thành lập từ năm 2013, do anh Hà Văn Huy làm chủ nhiệm; đây là bước khởi đầu của việc đưa bà con hòa nhập vào chuỗi giá trị sản xuất liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nước. Có nghĩa là dự án mây, lùng đã vượt ra khỏi giới hạn của một mô hình (như mô hình chanh leo tại Tri Lễ) mà đã xây dựng được một chuỗi giá trị khép kín, đem lại hiệu quả và lợi ích kinh tế bền vững, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các thành phần trong xã hội, từ đó tạo đà kéo người nông dân nghèo đi lên.
Còn tại Kỳ Sơn, thế mạnh của địa phương được xác định là chăn nuôi theo mô hình gia, trang trại nên nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a được tập trung cho cấp phát con giống, đặc biệt là giống bò. Từ năm 2010 đến năm 2014, đã cấp phát tổng cộng 3.931 con bò cho 20 xã. Thời điểm chúng tôi có mặt cũng là lúc phòng Nông nghiệp huyện đang tiến hành bàn giao 45 con bò 30a, trị giá trên 400 triệu đồng cho 45 hộ nghèo tại hai bản Sơn Hà, Hòa Sơn - xã Tà Cạ. Đồng chí Vi Văn Mằn - Phó Chủ tịch xã Tà Cạ cho biết, xã có 11 bản thì đến nay bản nào cũng đã được Chương trình 30a cấp phát bò. Đây là chủ trương đúng với nhu cầu của bà con nên người dân hưởng ứng rất tích cực. Sự phấn khởi, háo hức và cả những hy vọng hiện rõ trên khuôn mặt bà con, họ có mặt tại điểm bàn giao từ sớm, ngắm nghía, vuốt ve từng con bò, sau đó bàn luận với nhau về những hộ đã được nhận bò trước, về những dự định trong tương lai...
Đồng chí Lầu Chông Vừ - Phó Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn cho biết: Việc hỗ trợ con giống của Chương trình 30a đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nhưng với số lượng cấp phát dàn đều (mỗi hộ 1 con) như thế này, khó có thể thoát nghèo nhanh chóng. Trên thực tế, một số hộ đã mạnh dạn dùng nguồn vốn cá nhân kết hợp vay vốn Nhà nước (với lãi suất ưu đãi) để phát triển mô hình chăn nuôi theo hộ, gia, trang trại. Đây là những gương làm kinh tế giỏi tiêu biểu, là hạt nhân lan tỏa cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của ông Lô Khắc Lợi ở bản Xốp Nhị, xã Hữu Lập. Vừa thái rau cho lợn, ông Lợi vừa chia sẻ với chúng tôi về quá trình gây dựng nên cơ ngơi ngày hôm nay từ hai bàn tay trắng.
Năm 2007, vợ chồng ông vay ngân hàng 200 triệu đồng, hưởng ưu đãi theo cơ chế cho vay diện trang trại để đầu tư vào mô hình trang trại tổng hợp với "vốn" cây, con khởi điểm gồm: 10 con lợn, 100 con gà, 48 con vịt bầu Quỳ, ao cá thả 5 cân cá giống và 3,2 ha trồng 300 gốc nhãn, xoài, cây lâm nghiệp. Đến nay, đàn gia súc, gia cầm đã phát triển lên gồm 1 con bò, 24 con lợn, 400 con gà, 80 con ngan, 30 con vịt. Tuy vẫn còn nợ ngân hàng, nhưng trang trại đem lại thu nhập ổn định, nhất là đàn gà mà vợ chồng ông xác định tập trung nuôi lấy trứng. Vậy thì những hộ dân có ý thức tự thân, tự giác vươn lên làm giàu như ông Lợi được nhận hỗ trợ gì từ Chương trình 30a nói riêng và từ các chương trình xóa đói, giảm nghèo nói chung? Ông Lợi cho hay khoảng đầu quý 4 năm nay, huyện đã hỗ trợ cho trang trại của ông trên 50 con gà và vịt giống bầu Quỳ bằng vốn Chương trình 30a. Ngoài một số nhỏ bị chết do thời tiết và bệnh, nay cơ bản còn 75% phát triển tương đối khỏe mạnh.
Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Lập cho biết thêm, gia đình ông Lợi là 1 trong 20 hộ được Chương trình 30a hỗ trợ giống vịt bầu Quỳ (50 con/hộ), để thấy với xu hướng và thế mạnh về chăn nuôi theo mô hình trang trại như ở Kỳ Sơn thì việc cấp phát tập trung những con giống nhỏ, ngắn ngày như gà, vịt đem lại giá trị cao hơn là cấp phát dàn trải những con giống lớn như trâu, bò,... Tất nhiên, điều này đồng nghĩa với việc không hỗ trợ, đầu tư dàn trải mà chỉ có thể đầu tư cho một số hộ. Điều khiến chúng tôi băn khoăn là liệu làm như vậy có gây thắc mắc trong bà con về sự công bằng, minh bạch của cơ chế, chính sách? Đồng chí Nguyễn Văn Thành giải thích: “Sau một thời gian cấp phát dàn đều, chúng tôi nhận thấy phương pháp này vừa không đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, vừa không tác động được sâu sắc đến người dân. Thay vào đó, nếu như khuyến khích, hỗ trợ để một số hộ có ý thức và khả năng làm kinh tế vươn lên làm giàu, sẽ tạo được tấm gương tốt để bà con noi theo. Gây dựng được lòng tin của người dân vốn quen với các phương thức sản xuất truyền thống, nhận thức về sản xuất thương phẩm còn hạn chế là điều rất khó khăn. Cán bộ đi làm công tác dân vận nói trăm câu cũng không có sức thuyết phục bằng một hộ dân thoát nghèo, làm giàu bằng thực tế”.
Bài học kinh nghiệm
Từ ví dụ về những mô hình điểm rất thành công kể trên, có thể rút ra bài học kinh nghiệm để một mô hình sản xuất có thể đi vào thực tiễn, góp phần vào công cuộc thoát nghèo tại các huyện 30a của Nghệ An.
Bài học thứ nhất, là mô hình cần xuất phát từ đặc điểm, tình hình tự nhiên - xã hội của địa phương. Cụ thể, cần nắm rõ thổ nhưỡng, khí hậu để chọn giống cây, giống con phù hợp, nếu có thể nên ưu tiên những giống cây, con bản địa. Không chỉ phù hợp với vùng đất, mà còn phải là những cây, con gần gũi với con người, bởi có hai lý do: Một là, người ta thường dễ dàng tiếp nhận những thứ mà mình đã biết, đã quen thuộc nên công tác dân vận sẽ thuận lợi hơn. Hai là, giảm thiểu được chênh lệch giữa yêu cầu và trình độ kỹ thuật của người dân, tăng khả năng thành công và hiêu suất của mô hình. Hay nói cách khác, bài học đầu tiên này chính là: muốn nhanh thì phải từ từ. Nếu vội vàng đưa vào những giống cây, con mới lạ với tập quán canh tác, chăn nuôi của bà con, vừa khó thành công lại vừa phải xuất phát từ con số “không” để tạo cho người dân thói quen, nếp sản xuất mới.
Trên thực tế, nhiều mô hình tại các huyện 30a đã thất bại vì lý do nói trên, đơn cử như mô hình trồng lạc tại xã Châu Thôn (Quế Phong) - nơi mà bà con dân tộc Thái không quen trồng cây màu; mô hình trồng chuối tiêu hồng tại xã Tiền Phong (Quế Phong) và Lưu Kiền (Tương Dương) - hai vùng đất khô cằn, chưa có công trình thủy lợi trong khi chuối ưa đất có độ ẩm lớn; ngoài ra, tập quán chăn nuôi gia súc thả rông cũng mâu thuẫn với việc trồng chuối. Nhiều mô hình chăn nuôi cũng không duy trì được vì lý do con giống không phù hợp với khí hậu, hay xảy ra bệnh dịch, nhận thức của người dân về công tác thú y còn thấp. Một khi đã chọn được mô hình phù hợp với đất và người, công tác dân vận, tập huấn, chỉ đạo bà con tất nhiên sẽ thuận lợi.
Bài học thứ hai trong làm mô hình kinh tế là sự chọn lọc. Chọn ở đây là chọn đối tượng để triển khai, tập trung hỗ trợ. Không phủ nhận rằng nhận thức của đa số bà con tại các huyện miền núi cao còn hạn chế, sức ỳ lớn, ý thức tự thân vận động chưa cao - đây là câu hỏi hóc búa đặt ra cho công tác dân vận, tuyên truyền nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo. Câu trả lời cũng lại nằm ở chính người dân, nhưng ở đâu? Ở những hộ dân có ý thức và có tiềm năng thoát nghèo nhanh và bền vững. Có nghĩa là chúng ta phải nhìn nhận Chương trình 30a như một chất xúc tác "kích cầu", đẩy nhanh những đối tượng đang trên đà vươn lên thoát nghèo, chứ không phải là một "phép màu" có thể vực những hộ với sức ỳ thụ động còn quá lớn. Bởi, nếu chưa thay đổi được tư tưởng ỷ lại của người dân, dù có hỗ trợ nhiều đến đâu cũng không thể thay đổi bản chất là xã hội đang gánh vác, bù đắp "hộ" cái nghèo, cái đói của một bộ phận.
Bài học cuối cùng và cũng là khâu cuối cùng của "dây chuyền sản xuất": tiêu thụ sản phẩm. Một mô hình phát triển tốt chưa chắc đã là một mô hình thành công, cho đến khi tìm được đầu ra ổn định và đảm bảo giá trị kinh tế cho người dân. Có hai lý do dẫn đến việc sản phẩm không tìm được đầu ra trên thị trường: Một là, do năng suất thấp nên không đáp ứng được điều kiện bao tiêu. Hai là, năng suất rất cao nhưng không có doanh nghiệp, cá nhân nào đứng ra nhận bao tiêu sản phẩm. Trên thực tế, đa số các mô hình hiện đang phát triển đều mới ở quy mô nhỏ, các hoạt động giao dịch buôn bán chủ yếu ở hình thức tự phát tại hộ gia đình với các thương lái tư nhân. Tuy nhiên, có hai bất cập nảy sinh từ tình trạng này như sau: thứ nhất, người dân có nguy cơ chịu thiệt khi lái buôn ép giá, có khi được mùa nhưng giá thấp nên tựu chung vẫn không đem lại hiệu quả kinh tế cao. Thứ hai, do không hình thành được cơ chế, đơn vị bao tiêu ổn định nên không xây dựng được thành mặt hàng có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Về lâu dài, đây mới là cái đích mà Chương trình 30a nhắm đến: xây dựng các chuỗi sản xuất đầu - cuối có tính ổn định, bền vững.
Chung quy lại, yếu tố trung tâm, mấu chốt của cả 3 bài học kể trên đều là con người. Đó là người dân với yêu cầu phải thay đổi, chuyển biến về nhận thức, ý thức tự vươn lên, hoàn thiện bản thân để trở thành nhân tố chủ động trong công cuộc thoát nghèo. Đó là nhà khoa học với vai trò nghiên cứu, tham mưu và đề xuất các phương án phát triển kinh tế khả thi và tối ưu, phù hợp với từng địa phương. Đó là doanh nghiệp - khâu cuối cùng hoàn chỉnh chuỗi sản xuất, tạo cầu nối giữa nhà nông với thị trường tiêu thụ. Bao trùm lên tất cả những mắt xích ấy là Nhà nước mà vai trò định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ, khuyến khích và kích cầu được thể hiện cụ thể nhất thông qua vai trò người cán bộ các cấp. Đó cũng chính là lý do vì sao kiện toàn đội ngũ cán bộ, thu hút tăng cường tri thức trẻ có trình độ cao về các địa phương 30a là một trong những mục tiêu được chú trọng. Trả lời được câu hỏi về vấn đề con người không chỉ cho phép đánh giá, giải thích những kết quả đạt được trong giai đoạn vừa qua, mà còn xác định được hướng đi cho chặng đường sắp tới.
Thục Anh