Trận lượt đi trên sân Mỹ Đình, đội khách Australia có đủ đội hình tốt nhất nhưng không vội vàng tổ chức tấn công để áp đặt thế trận. Trái lại, họ dường như chỉ thi đấu đạt mục tiêu một trận thắng 3 điểm mà không toan tính điều gì khác.
Nhưng ở trận lượt về trên sân nhà ở Melburn, dù thiếu hụt lực lượng nhưng mục tiêu đặt ra là phải thắng và thắng với tỷ số càng đậm càng tốt nhằm tạo lợi thế cho cuộc đua giữa các đội đầu bảng B khi ĐT Australia đang tạm xếp ở vị trí thứ 3, có khả năng đua tranh tấm vé chính thức đi World Cup. Vậy nên, ngay từ giây đầu tiên, các chàng trai áo vàng đã lao lên phần sân của ĐT Việt Nam, khai triển một lối đá nhanh, đa dạng, đầy ý đồ để ghi được 4 bàn thắng, chưa kể một số tình huống bỏ lỡ đáng tiếc khác.
Trước một đối thủ vừa có đẳng cấp vừa đầy khát vọng như ĐT Australia, thầy trò ông Park Hang-seo trong hiệp 2 trận lượt đi và khoảng 30 phút đầu hiệp 2 trận lượt về đã chứng minh được một số điểm tích cực khi tổ chức tấn công biến hóa, chỉ thiếu may mắn để có bàn thắng rút ngắn tỷ số. Đó là điều đáng tiếc, nhưng đồng thời cũng minh chứng rằng, ở thời điểm hiện tại, ĐT Việt Nam thiếu hẳn một sát thủ vòng cấm đúng nghĩa, dù Quang Hải, Tiến Linh hay Thành Chung, Công Phượng đều lần lượt có cơ hội nhưng đều không thể thành công.
Câu chuyện đáng quan tâm hiện nay của ĐT Việt Nam không phải là thắng-thua mà là quá trình làm mới của ông Park Hang-seo liệu đã thực sự bắt đầu hay vẫn chỉ là quá trình nói nhiều hơn làm, mọi việc vẫn chưa tiến triển bao nhiêu? Cái mới đầu tiên là đội trưởng Hùng Dũng đã ra sân hơn 70 phút trong trận đấu ở Melburn và sự chờ đợi của người hâm mộ đã được đáp ứng. Hùng Dũng vẫn xông xáo, tận tụy với nhiệm vụ được giao nhưng uy lực mà người đội trưởng này tạo ra, nhất là khi Ngọc Hải trở lại, sẽ vẫn là thử thách không nhỏ?
Tuấn Hải đã chơi trọn 90 phút đỉnh cao và anh được đánh giá cao về màn trình diễn này. Thậm chí ông Park Hang-seo đã nói rõ là sẽ tìm kiếm nhân tố mới như Tuấn Hải để làm mới đội hình. Còn lại, những nhân tố mới như Xuân Mạnh, Văn Xuân để lại những dấu ấn đậm nhạt khác nhau. Văn Xuân không bị cóng nhưng là người trực tiếp mắc lỗi cùng với Tiến Dũng trong bàn thua thứ nhất của đội tuyển và chỉ được thử nghiệm 45 phút của hiệp thứ nhất. Không rõ, việc ông Park nói “có một số cầu thủ thiếu kinh nghiệm và không tuân thủ chiến thuật” có rơi vào Văn Xuân hay không nhưng khả năng được đá chính của cầu thủ này sẽ bị đặt dấu hỏi trong thời gian tới.
Trong khi đó, Xuân Mạnh lần đầu chơi trung vệ lệch phải kết hợp khá tốt với Văn Thanh để bịt kín hành lang trái ở hiệp 1 là điểm cộng cho cầu thủ SLNA. Sang hiệp 2, Xuân Mạnh được trả lại vị trí hậu vệ phải sở trường và sau đó bị thay ra để “người cũ” Hồng Duy vào đổi chỗ cho Văn Thanh trong toan tính quen thuộc lâu nay của thầy Park. Nhìn chung, Xuân Mạnh không làm thất vọng ông thầy và người hâm mộ nhưng chưa đủ dữ liệu để nói rằng, cầu thủ này sẽ được tin dùng hơn trước?
Đáng nói là những nhân tố được chờ đợi mới được gọi lại như Hữu Tuấn, Văn Vũ, Hoàng Anh hay Tấn Tài từng làm nên chuyện trước đây lại chưa được thử sức ở trận đấu quan trọng này? Lại phải chờ thời gian mới biết được rõ ràng vì sao ông Park còn “cất” họ hay thiếu niềm tin thực sự ở những nhân tố này?
Khi ông Park Hang-seo vừa mong một trận hòa, vừa thay đổi, xáo trộn đội hình liên tục, lại vừa để dành lực lượng cho trận sau thì rất khó để đánh giá đúng về những nhân tố mới và triển vọng của họ? Chỉ biết rõ rằng, nếu xác định lực lượng mạnh nhất của ĐT Việt Nam hiện tại thì nhân tố mới sẽ chỉ Tuấn Hải có hy vọng được đá chính, là “suất cứng” mà thôi. Và như vậy, công cuộc làm mới của ông Park xem ra vẫn rất ít các nhân tố mới lọt vào tầm ngắm và chưa thể nói gì về quá trình này có thực sự triệt để hay chỉ là những bước đi nửa vời?
Trách cứ ông Park Hang-seo về sự bảo thủ, về cạn tiềm năng, đụng trần hay thực ra lực lượng, tầm vóc mọi mặt của các cầu thủ Việt Nam chỉ đến vậy mà thôi, là điều còn tiếp tục được đặt ra, được tranh luận và chờ thực tế kiểm nghiệm. Và không dễ để ông Park quen dùng những nhân tố nào trong 4 năm qua trong phút chốc lại mất chỗ hay lùi sau khi trong mắt ông những nhân tố mới vẫn chỉ là những người “thiếu kinh nghiệm và không tuân thủ chiến thuật” như ông vừa than thở?