(Baonghean) - Trong 4 nhóm cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chương trình 30a, dành riêng một nhóm cho vấn đề nguồn lực con người: người lao động và cán bộ địa phương. Ở đây chúng ta sẽ bàn đến vấn đề kiện toàn hàng ngũ cán bộ phục vụ mục đích nâng cao vai trò định hướng và cầu nối của “Nhà nước" trong mối quan hệ “bốn nhà” - nền tảng của chủ trương xóa đói, giảm nghèo toàn diện và bền vững.
Tăng cường nguồn trí thức trẻ
Trong Chương trình 30a, có hai chính sách về tăng cường, thu hút cán bộ được Chính phủ thông qua tại hai văn bản: Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/04/2009 và Quyết định 170/QĐ-TTg ngày 26/1/2011.
Thực hiện quyết định thứ nhất, tỉnh Nghệ An đã thu hút được 155 trí thức trẻ bố trí vào các tổ công tác (tạm gọi là tổ công tác 30a) tại các xã. Trong đó, 59 người tại huyện Quế Phong, 51 người tại huyện Tương Dương và 45 người tại huyện Kỳ Sơn. Các đối tượng của chính sách này được tuyển dụng theo hình thức ký hợp đồng, có trách nhiệm trực tiếp theo dõi, kiểm tra và hỗ trợ địa phương trong triển khai Chương trình 30a.
Thực hiện chính sách theo quyết định thứ hai, hay còn gọi là Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, Nghệ An đã tuyển chọn thông qua xét tuyển hồ sơ 26 trí thức trẻ có trình độ đại học, tăng cường về làm phó chủ tịch UBND xã tại các huyện 30a. Cụ thể: Quế Phong có 5 người phân bổ về các xã Quế Sơn, Đồng Văn, Châu Kim, Châu Thôn, Nậm Nhoóng; Tương Dương có 13 người phân bổ về Tam Đình, Tam Thái, Thạch Giám, Xá Lượng, Lưu Kiền, Lượng Minh, Yên Na, Yên Tĩnh, Yên Hòa, Nga My, Xiêng My, Hữu Khuông, Yên Thắng; Kỳ Sơn có 8 người phân bổ về Tây Sơn, Huồi Tụ, Mường Lống, Bảo Nam, Bảo Thắng, Hữu Lộc, Hữu Kiệm, Phà Đánh.
Đáng lưu ý, nhiều người trong số trên là con em của địa phương, trước khi được bổ nhiệm làm phó chủ tịch tăng cường đã có thời gian công tác tại các vị trí cán bộ cấp xã. Có thể nói, đây là những nhân tố được hy vọng mang đến "luồng gió mới" cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo ở các huyện 30a. Với nhiệt huyết, sự mạnh dạn, sức trẻ cũng như trình độ kiến thức cao, liệu họ đã hoàn thành sứ mệnh hạt nhân lan tỏa ở những mảnh đất nơi họ được "ươm mầm" hay chưa?
“Khơi lên” điểm sáng
Phóng viên có mặt tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương vào một buổi chiều, vì cuối giờ hành chính nên UBND xã chuẩn bị đóng cửa. Rất bất ngờ và cũng rất may mắn, đồng chí Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch xã được tăng cường của Chương trình 30a vẫn đang làm việc. Tiếp phóng viên, đồng chí vui vẻ cho biết đang hoàn tất báo cáo tổng kết hoạt động của đội viên trí thức trẻ về công tác tại xã Tam Thái theo Chương trình 30a.
Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, sau khi nắm được thông tin về Dự án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ ưu tú tăng cường tại xã, đồng chí Vi Viết Kiều đã nộp hồ sơ dự tuyển với mong muốn được quay trở về đóng góp xây dựng quê hương (nguyên quán đồng chí ở xã Tam Quang, huyện Tương Dương). Tháng 6/2012, đồng chí Kiều chính thức nhận nhiệm vụ Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thái, phụ trách khối Kinh tế. Đây là một xã nằm dọc tuyến Quốc lộ 7A, có diện tích tự nhiên 11.267,76 ha, gồm 8 bản, trong đó có 5 bản đặc biệt khó khăn. Dân số gồm 3.872 nhân khẩu, 96,5% là dân tộc Thái. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp.
Sau khi nhận công tác, đồng chí Vi Văn Kiều đã cùng các đội viên tổ công tác 30a tiếp cận người dân, tìm hiểu địa bàn, từ đó tham mưu, đề xuất cho xã và huyện các phương án, mô hình sản xuất phù hợp. Trong đó có những mô hình đã thành công như nuôi lợn đen địa phương và lợn đen lai lợn rừng (2011-2013). Năm 2013, thực hiện mô hình trồng rau an toàn với diện tích 2 ha tại 14 hộ, đem lại thu nhập ổn định, cung ứng nhu cầu tiêu dùng trong địa bàn xã và vùng lân cận. Năm 2014, triển khai trồng 5.000 gốc chuối tiêu hồng trên diện tích 2,5 ha, đến thời điểm hiện tại phát triển tốt, dự kiến có sản phẩm phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Kết quả rõ rệt nhất là tỷ lệ thoát nghèo của xã: từ 32,98% năm 2011 giảm xuống còn 16,5% năm 2014, tức giảm gần một nửa.
Đồng chí Vi Viết Kiều chia sẻ: "Những mô hình ở Tam Thái có điểm chung là quy mô không quá lớn và đó cũng chính là chủ đích của chúng tôi. Có hai lý do: Thứ nhất, nếu đầu tư dàn trải sẽ tạo thêm sức ỳ, tính phụ thuộc vào hỗ trợ Nhà nước. Thế nên, khi triển khai, chúng tôi chỉ chọn một số hộ để làm "mô hình điểm". Tập trung nguồn lực, nên khả năng thành công cao hơn, mà bà con nhìn vào cũng có ý thức tự giác làm theo, mô hình tự khắc nhân rộng và có tính bền vững. Tất nhiên, các mô hình đều được lựa chọn dựa trên năng lực, trình độ sản xuất của người dân, để ai cũng làm được và hưởng lợi. Lý do thứ hai là nếu triển khai hàng loạt sẽ xảy ra tình trạng bão hòa thị trường, sản phẩm mất giá, bà con có thể nhụt chí rồi bỏ không làm nữa".
Cũng cùng quan điểm trên là đồng chí Hà Minh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Kim, huyện Quế Phong. Trước khi trúng tuyển Đề án 600 trí thức trẻ của Chương trình 30a, cử nhân tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp này từng là đội viên trong tổ công tác 30a của xã, nên nắm rất rõ đặc điểm thổ nhưỡng và con người nơi đây, từ đó xây dựng những đề án có tính khả thi cao. Một trong số những mô hình thành công nhất do đồng chí đề xuất - mô hình trồng rau sạch nay đã trở thành "thương hiệu" của địa phương. Triển khai từ năm 2012 chỉ với 0,6 ha thí điểm, đến nay diện tích trồng rau sạch ở Châu Kim là 3 ha, dự kiến hết năm 2014 đạt 5 ha và không phát triển rộng thêm nữa.
Nói về chủ trương trên, đồng chí nhận định: "Không phải cứ mô hình nào phát triển tốt là nhân rộng lên mãi, đó chính là sản xuất theo lối tự phát. Muốn sản phẩm có giá trị thương mại cao thì phải xây dựng được thương hiệu và hệ giá trị. Quy mô rộng quá sẽ dẫn đến hai bất cập: không đảm bảo chất lượng sản phẩm; đẩy cung vượt quá cầu khiến sản phẩm mất giá trị. Vì vậy, tôi tham mưu cho xã duy trì chứ không phát triển thêm diện tích trồng rau". Đồng thời, đồng chí Hà Minh Tuấn cũng triển khai các mô hình khác để tận dụng sức lao động và đất canh tác, tất cả đều được "hãm" ở một quy mô nhất định sao cho giá trị tiêu thụ trên thị trường có lợi nhất cho người dân.
Một điểm nổi bật khác trong chủ trương phát triển kinh tế ở Châu Kim là việc lồng ghép các chương trình, chủ trương của Đảng và Nhà nước, đơn cử như việc thực hiện Chỉ thị 08 về dồn điền, đổi thửa của Tỉnh ủy. Xác định được đặc điểm của xã là có diện tích đất lúa cưỡng, đất bãi bồi bỏ hoang lớn, đồng chí Hà Minh Tuấn đã tham mưu cho xã vận động 37 hộ dân chuyển đổi 14,5 ha đất sản xuất không hiệu quả nói trên thành diện tích trồng mía, ký hợp đồng bao tiêu với Nhà máy đường NASU từ năm 2012. Tới đây, đồng chí đang ấp ủ đề án quy hoạch, chuyển đổi diện tích bãi bồi ven sông để trồng dưa hấu sạch. Với sự năng động, mạnh dạn đổi mới dựa trên cơ sở những ưu, nhược điểm của địa phương, đồng chí Hà Minh Tuấn đã góp phần không nhỏ vào thành công của xã Châu Kim trong thực hiện nhiệm vụ thoát nghèo: Từ 41,86% năm 2011 giảm còn 21% năm 2014.
Như vậy, tại mỗi địa phương, mỗi trí thức trẻ tìm cho mình một lối đi riêng, nhưng tựu trung đều hướng đến cái đích đưa địa phương mình thoát khỏi đói nghèo. Điểm chung ở họ là tư duy làm kinh tế có lộ trình đầu - cuối. Sự quyết liệt, kiên trì ngay từ những bước đi đầu tiên đặt nền móng cho một mô hình sản xuất là điều kiện đảm bảo chất lượng sản phẩm cuối cùng. Ví dụ, khi xác định xây dựng mô hình rau sạch, cần theo dõi sát sao, kiên quyết trong chỉ đạo để người dân tuân thủ quy trình, kỹ thuật canh tác. Đã có thời điểm tổ công tác 30a và đồng chí Hà Minh Tuấn đích thân xuống vườn rau, cùng bà con chiếu đèn pin và bắt sâu bằng cách thủ công, đảm bảo không sử dụng các chất bảo vệ thực vật.
Đầu ra cho sản phẩm cũng là vấn đề khiến đội ngũ cán bộ ở đây trăn trở, nhận định đây là yếu tố quyết định tính bền vững và sức sống của mô hình. Với mô hình rau sạch, đồng chí Hà Minh Tuấn chia sẻ là đã từng nghĩ đến phương án in tờ rơi, vận động đội ngũ cán bộ xã và huyện mua ủng hộ bà con nếu có trường hợp rủi ro, không tìm được đầu ra. Nhưng kết quả thành công hơn mong đợi, mùa bắp cải đầu tiên xuất vườn đúng vào dịp Tết Nguyên đán nên đã "cháy hàng", đem lại thu nhập cao cho bà con, là sự khích lệ to lớn đối với đội ngũ cán bộ tâm huyết và trách nhiệm. Còn với đồng chí Vi Viết Kiều, rút kinh nghiệm từ thất bại của mô hình chuối tiêu hồng ở Quế Phong, đã tìm hiểu thị trường và lập được phương án liên kết với các thương lái, thu gom sản phẩm của bà con theo số lượng lớn, phục vụ nhu cầu người tiêu dùng vào những ngày Rằm và lễ, Tết.
Bài học gắn kết thực tiễn
Đồng chí Lữ Đình Thi - Bí thư Huyện ủy Quế Phong nhận định: "Chúng tôi đánh giá cao những đóng góp của đội ngũ trí thức trẻ về công tác tại địa phương theo Chương trình 30a, đặc biệt là 5 đồng chí phó chủ tịch xã. Ưu điểm của lực lượng này là trình độ chuyên môn cao; năng động, sáng tạo; tinh thần xông pha không ngại khó, ngại khổ và ý chí cầu thị, mong muốn được cống hiến. Đây là những yếu tố cần để kiện toàn đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới. Đặc biệt, với vốn kiến thức sẵn có cộng việc theo sát tình hình địa phương, nhiều đồng chí đã đúc rút được những kinh nghiệm đáng học hỏi trong công tác dân vận, vốn là khó khăn lớn nhất trong thực hiện nhiệm vụ xóa đói, giảm nghèo, thay đổi nhận thức bà con. Chúng tôi xác định cần phải theo dõi sát sao đội ngũ này, không chỉ để hỗ trợ, tạo điều kiện, mà còn để hội tụ những kinh nghiệm, cách làm hay của từng cá nhân, tạo sức lan tỏa trong toàn bộ hàng ngũ cán bộ địa phương".
Còn theo đồng chí Lương Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Tương Dương, thì điểm nổi bật nhất trong tư duy của đội ngũ trí thức trẻ là tính thực tiễn. Điều này không chỉ thể hiện trong cách phân tích, hoạch định đường lối phát triển kinh tế, mà còn trong cách triển khai, thực hiện và tiếp cận người dân. “Từ trước đến nay, công tác dân vận trong bà con các huyện nghèo miền núi luôn được nhận định là cực kỳ khó, bởi cách tư duy của bà con rất cụ thể và đơn giản, không cởi mở tiếp thu cái mới. Một số đồng chí phó chủ tịch xã tăng cường theo Chương trình 30a đã nắm bắt được tâm lý này, từ đó có phương pháp dân vận hiệu quả.
Ví dụ, khi triển khai mô hình nuôi gà thương phẩm, có đồng chí làm phép tính: Mỗi ngày một con gà ăn hết bao nhiêu bát thóc, để nuôi đạt trọng lượng xuất chuồng cần bao nhiêu thời gian, quy đổi chi phí chăn nuôi thành tiền. Sau đó lại lấy giá thịt gà bán trên thị trường, nhân với trọng lượng xuất chuồng, quy đổi ra giá trị sản phẩm. Tính chênh lệch sẽ thấy thời gian xuất chuồng lý tưởng đem lại lợi nhuận lớn nhất là bao nhiêu ngày, nếu vượt quá thời gian này, vừa không mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tăng nguy cơ bệnh dịch. Đó là những lý lẽ hết sức đơn giản mà bà con đều hiểu, đều thấy tận mắt nên nghe và làm theo".
Như vậy có thể thấy, mấu chốt làm nên thành công của hầu hết các trí thức trẻ là đã biết gắn lý thuyết, kiến thức chuyên môn vào thực tiễn. Không chỉ đem lại hiệu quả cho Chương trình 30a, mà còn minh chứng cho tính đúng đắn của chủ trương tăng cường trí thức trẻ về công tác tại địa phương. Một mặt, bổ sung, kiện toàn và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, cập nhập kịp thời những tiến bộ của thời đại. Mặt khác, tạo cơ hội và môi trường cho thế hệ trẻ tiếp cận với thực tế, trau dồi kinh nghiệm, năng lực cũng như ý thức, trách nhiệm của người dân, người cán bộ. Kết lại, có thể khẳng định đây là lực lượng phù hợp với yêu cầu và tiêu chí của các địa phương đang cần sức nhanh và bền trên "đường chạy" tới “đích” phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, để lực lượng này thực sự phát huy khả năng, trở thành hạt nhân có sức lan tỏa tại xã, thậm chí là huyện và khu vực, còn cần có sự đồng thuận, gắn kết chặt chẽ trong toàn bộ hàng ngũ cán bộ các cấp. Đó là sự phối hợp, đồng hành của đội ngũ cán bộ đi trước ở cấp xã: kinh nghiệm thực tế và sự hướng dẫn, góp ý của họ là cần thiết để các cán bộ trẻ hoàn thiện bản thân, nhanh chóng bắt nhịp với công việc; đó là sự theo dõi, đánh giá sát sao, ghi nhận và định hướng kịp thời của lãnh đạo huyện để bồi dưỡng, phát huy, nâng tầm ảnh hưởng của đội ngũ trí thức trẻ có trình độ cao. Đổi lại, người cán bộ trẻ cần có tinh thần học hỏi, cầu tiến và cầu thị, lồng ghép quan điểm mới của mình với chủ trương, tình hình thực tế tại địa phương một cách hài hòa.
Tóm lại, bài học đúc rút ra từ vấn đề con người, cụ thể hơn là người cán bộ trong thực hiện Nghị quyết 30a có thể tóm gọn trong ba chữ: “Tâm - Trí - Lực”. Phải thực sự tâm huyết, trách nhiệm, nhận thức được lợi ích của người dân và địa phương cũng chính là lợi ích của cá nhân - một phần của cộng đồng và hơn thế nữa, phải là "lực đẩy" để tất cả cùng tiến lên. Một khi xác định được tâm thức, trách nhiệm đó, mới có thể phát huy triệt để trí tuệ cá nhân, hòa chung vào trí tuệ tập thể. Cuối cùng, phải có sự gắn kết chặt chẽ trong hàng ngũ cán bộ để phát huy năng lực, vai trò chỉ đạo, định hướng. Nguồn lực này không chỉ đến từ nội bộ tổ chức đảng và chính quyền các cấp, mà là sức mạnh tập thể, liên kết cả với nhà nông, nhà khoa học, nhà đầu tư,... Như vậy, người cán bộ thực hiện Nghị quyết 30a nói riêng và những nhiệm vụ phát triển, xây dựng xã hội nói chung phải không ngừng hoàn thiện bản thân một cách toàn diện. Mỗi cá nhân toàn diện là nhân tố cấu thành một tập thể toàn diện, cùng nhau xây dựng một xã hội toàn diện.
(còn nữa)
Thục Anh