(Baonghean) - Sau khi tổ chức đợt kiểm tra đột xuất, UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo các ngành, các địa phương tiếp tục kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
 
Qua kiểm tra cho thấy, Chỉ thị 17 đã tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của các cơ quan nhà nước. Cán bộ, công chức, viên chức chấp hành  kỷ luật hành chính nghiêm túc hơn; tình trạng đi muộn về sớm, bỏ nhiệm sở trong giờ hành chính, làm việc riêng tại cơ quan… từng bước được khắc phục; đặc biệt quy định không uống rượu, bia trong giờ làm việc, giờ nghỉ trưa được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện tốt.
 
Nhưng cũng qua kiểm tra thực hiện Chỉ thị 17 có một vấn đề cần làm rõ, đó là mối quan hệ giữa kỷ luật hành chính với đạo đức công vụ. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính sẽ góp phần nâng cao đạo đức công vụ, và có nâng cao đạo đức công vụ mới bảo đảm được kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nhưng trong thực tế, không phải trường hợp nào việc chấp hành kỷ luật hành chính cũng thể hiện đúng đạo đức công vụ. Nhiều công chức đi làm đúng giờ, ngày 8 tiếng ngồi trong phòng ở công sở, không có hành vi nào thể hiện vi phạm kỷ luật lao động. Nhưng thực tế chất lượng, hiệu quả làm việc thấp bởi nhiều lý do: năng lực hạn chế, thiếu khả năng tư duy sáng tạo, thờ ơ với công việc tập thể…Đây chính là loại công chức “sáng vác ô đi tối vác về”, nhìn bề ngoài chấp hành kỷ luật hành chính nghiêm túc nhưng thực tế không làm được việc. 
 
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi đây là loại công chức “có cũng được, không có cũng được”.
 
Có một đối tượng rất khó phát hiện, đó là những công chức khi thi hành công vụ đã lợi dụng vai trò, vị trí của mình để thu vén lợi ích cá nhân. Với những tính toán vụ lợi tinh vi, nhưng các công chức này luôn tỏ ra chấp hành nghiêm kỷ luật hành chính, bề ngoài không vi phạm kỷ luật cơ quan; giấu mình trong cái vỏ bọc luôn nghiêm chỉnh, nhưng loại công chức này thường sống cơ hội, có những hành vi làm mất uy tín cơ quan, gây mất đoàn kết nội bộ. Với loại công chức này, việc kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa thể phát hiện và xử lý được, mà phải có biện pháp mạnh hơn như kiểm tra, giám sát đảng viên, phát huy vũ khí phê bình, tự phê bình. 
 
Không ai phủ nhận vai trò của kỷ luật, kỷ cương hành chính trong việc nâng cao đạo đức công vụ. Thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính là tạo môi trường tốt nhất cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức làm việc có hiệu quả, làm tròn trách nhiệm của mình với dân. Buông lỏng kỷ luật, kỷ cương hành chính là tạo môi trường xấu cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức đi vào con đường tự do cá nhân, đạo đức công vụ theo đó mà xuống cấp. Cần phải nhận thấy nhân tố cơ bản tạo nên đạo đức công vụ là lương tâm, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức đối với dân; tránh chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính một cách “hình thức”. 
 
Mối quan hệ giữa kỷ luật hành chính với đạo đức công vụ phải được nhìn nhận một cách biện chứng, nhiều trường hợp xẩy ra trong thực tiễn phải được giải quyết có lý, có tình. Đối với những công chức chấp hành kỷ luật hành chính một cách hình thức, chỉ cốt để khỏi bị phê bình, còn thực tế làm việc không hiệu quả thì phải xem xét lại từ năng lực đến tinh thần trách nhiệm. Không thể kéo dài tình trạng biến cơ quan nhà nước thành nơi công chức “sáng vác ô đi, tối vác về” để hưởng lương và các chế độ khác. Đối với những công chức có năng lực, làm được việc, nhưng có những “khuyết tật” làm cho việc chấp hành kỷ luật hành chính chưa thật nghiêm thì phải có biện pháp giáo dục thích hợp, tránh tình trạng vì kỷ luật hành chính mà “trói buộc” sự sáng tạo của công chức trong quá trình làm việc. Đối với những công chức thoái hóa biến chất, lấy vỏ bọc kỷ luật hành chính để che đậy động cơ trục lợi thì phải bóc trần và kiên quyết xử lý.
 
Như vậy, Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy là “cái gậy” để thiết lập kỷ luật, kỷ cương hành chính trong các cơ quan nhà nước. Nhưng trên cơ sở kỷ luật, kỷ cương hành chính phải xây dựng được đạo đức công vụ cho mỗi cán bộ, công chức, viên chức thì mới thực hiện trọn vẹn Chỉ thị 17 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
 
Trần Hồng Cơ