(Baonghean) - Lâu nay, hễ cứ đề cập đến chuyện xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập ở khu vực nông thôn là người ta hay nói đến vấn đề “đầu tiên” là tiền đâu! Và luôn coi đó là lý do cơ bản dẫn đến mọi khó khăn, ngăn trở. Nhưng ít ai để ý đến một thực tế là, khi có đồng tiền trong tay rồi, khá nhiều người lại không biết sử dụng nó một cách hợp lý và hiệu quả để đồng tiền sinh sôi, nảy nở nhằm bảo đảm cho bản thân và gia đình có  một cuộc sống ổn định, đủ đầy về lâu dài.
 
Thực trạng trên biểu hiện rất rõ qua hiện tượng một số gia đình có người nhà đi xuất khẩu lao động tích lũy được một lượng tiền khá lớn, nhưng rồi sử dụng một cách thiếu tính toán như để xây nhà to, mua sắm các trang, thiết bị đắt tiền. Thậm chí, có người, có gia đình còn sử dụng những đồng tiền đó vào việc chơi bời, hưởng thụ. Dẫn đến bạc tiền lần lượt “đội nón ra đi” và nghèo lại hoàn nghèo. Bao mồ hôi, nước mắt đổ ra ở xứ người trong mấy năm hóa thành công cốc. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó thì có rất nhiều. Nhưng trước hết là do người dân thiếu kiến thức về quản lý kinh tế và cộng với tâm tính thích oai. Hễ có tiền là phải xây nhà to, mua xe đẹp để vênh vang, mở mày, mở mặt với bàn dân thiên hạ cho bõ những tháng ngày sống trong đói kém, khổ cực. Vì thế mà đồng tiền phải rất vất vả mới kiếm được lại bị tiêu xài hoang phí. Từ đây mới thấy có một lỗ hổng rất nghiêm trọng. Đó là trong nhiều năm qua, chúng ta cứ mải tập trung vào việc tìm đủ mọi cách để tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân mà quên không hướng dẫn họ cách quản lý, chi tiêu và sử dụng nguồn thu nhập đó sao cho hiệu quả. Dân gian có câu “Một người lo bằng cả kho người làm”. Người làm ra nhiều mà không có người biết cách lo lắng, chi tiêu, sử dụng đồng tiền kiếm được vào những việc hữu ích thì dẫu có kiếm được bao nhiêu cũng bằng không.
 
Cho nên bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo nghề, dựng nghiệp mở mang nguồn thu cho nông dân thì cần phải tính đến việc mở các lớp tập huấn, trang bị các kiến thức về quản lý, sử dụng nguồn  tài chính cho các hộ nông dân. Việc này nên giao cho Hội Phụ nữ, Hội Nông dân làm đầu mối mời cán bộ,  chuyên gia về lĩnh vực này về giảng dạy. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác hướng nghiệp, dạy nghề cho nông dân. Vì nếu có tiền mà không biết đầu tư vào đâu, làm nghề gì cho phù hợp với trình độ, năng lực bản thân thì đồng tiền cũng rất khó mà sinh sôi được. Thậm chí có khi còn bị hao hụt đi. Đi cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể phải phối hợp chặt chẽ với nhau để nắm rõ nguồn thu nhập của từng gia đình trong thôn, xóm. Nhất là những gia đình có người đi xuất khẩu lao động để trên cơ sở đó tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân thực hành tiết kiệm, dùng những đồng tiền tích lũy được đầu tư vào sản xuất, kinh doanh để tạo việc làm cho gia đình và xã hội. Thật ra, không phải người dân không suy nghĩ đến việc chắt chiu, dành dụm có vốn liếng làm ăn, nhưng vì thiếu kiến thức, thiếu người “đưa đường, dẫn lối”, thiếu nơi, thiếu chỗ để đầu tư  nên mới dẫn đến sự thể như thế. Cho nên, nhất thiết phải có bộ phận đứng ra lo việc này cho họ. Để làm tốt được những việc đó, cần thống nhất một quan điểm là không nên coi tiền dân kiếm được là của riêng họ và họ tiêu pha thế nào cũng mặc  mà phải coi đó như là một nguồn lực quan trọng trong xã hội cần  phải tranh thủ huy động để phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Mà gần gũi nhất là để phục vụ cho công cuộc xây dựng nông thôn mới. Cần phải có chương trình, kế hoạch cụ thể cho việc này để tránh lãng phí một nguồn lực lớn trong dân.
 
Duy Hương