(Baonghean) - Đợt trước mình theo một đoàn về tham quan mô hình kinh tế dưới cơ sở, lần đầu đi nên háo hức, hí hửng lắm. Lăn, lê, bò, trườn, ngồi xổm, ngồi bệt, thôi thì đủ tư thế, cốt để chụp những pô ảnh sao cho đẹp, độc nhất. Đi về cứ gọi là mãn nguyện vô cùng, tự nhủ phen này có bộ ảnh cơ sở sinh động, chân thực ăn đứt ảnh tư liệu.
 
Mấy hôm sau thấy trên báo đăng một bài về địa phương mình đi. Nhìn cái ảnh thấy ngờ ngợ, đúng nhà ông này hôm ấy mình vào tham quan. Dụi mắt nhìn thêm lần nữa, lại đúng cái ông bên cạnh hôm ấy dẫn mình vào tham quan. Hay là mấy sếp thư ký "mượn" ảnh mình hôm nọ? Nếu thế thì mình phải ghi sổ, cuối tháng tính thiếu nhuận bút của mình thì biết tay nhau. Nhưng sao ảnh mình chụp lại đẹp thế nhỉ? Hoá ra nhận nhầm, không phải ảnh quen mà là người trong ảnh quen!
 
Mình thắc mắc với một đồng nghiệp tiền bối thì được giải thích như thế này:
 
- Chú mày ếch pha nhái lắm. Anh đảm bảo với chú là một năm hay vài năm nữa chú quay lại cũng vẫn chỉ chụp được đúng cái cây đấy, ông đấy chứ người ta chẳng dẫn chú đi xem ông nào, cây nào mới đâu. Tại sao à? Cả địa phương người ta được mỗi một mô hình "điểm", không khoe ở đấy thì khoe ở đâu? Các đoàn về kiểm tra, truyền thông về đưa tin, cho đến đấy hết. Các anh thích chụp ảnh vườn cây? Có vườn cây. Thích phỏng vấn, hỏi chuyện người dân? Có người dân. Chỉ cần một ví dụ như thế là có thể kết luận: mặt bằng chung ở địa phương chúng tôi đều tốt như thế này cả đấy! Không khéo chủ hộ "điểm" ấy còn bắt bài hết các quan khách, chú chưa lên tiếng người ta đã biết chú định hỏi gì, câu trả lời thì muôn lần như một...
 
Mình ngồi nghe mà méo mặt, xem lại ảnh mình chụp và ảnh đăng báo hôm nay hầu như chẳng khác gì nhau. Cũng người ấy, vườn ấy, thậm chí cũng quả chanh ấy được làm "đạo cụ diễn xuất". Khác chăng là người trong ảnh... mặc cái áo khác mà thôi. Tự nhiên mình nghĩ đến hồi còn bé được đi Suối Tiên chơi, có dịch vụ cho thuê quần áo vua, hoàng hậu, ngồi lên ngai vàng chụp ảnh. Trăm người như một, mặc đúng bộ quần áo ấy, ngồi đúng tư thế ấy. Ảnh chụp ra cái nào cũng như cái nào, cứ như ảnh photoshop ghép mặt mình vào cái khuôn có sẵn. Bây giờ mình cũng đang có cảm giác được người ta rập vào một cái khuôn đúc như thế. Nhưng chụp một bức ảnh là chuyện nhỏ, ý nghĩa của nó mới là chuyện lớn. Chẳng nhẽ sau bao nhiêu năm mà mô hình ấy không phát triển thêm được gì khác? Chẳng nhẽ cả địa phương chỉ có duy nhất một cá nhân là tiêu biểu? Nếu thế thì phải đặt lại câu hỏi về hiệu quả của mô hình cũng như mức độ lan toả của nó. Bởi lẽ, chững lại trong một thời gian dài không phải là sự ổn định mà là sự thụt lùi.
 
Hồi đi học có phương pháp giải toán tên là quy nạp, mình vô cùng thích vì chỉ cần đi từ một vài ví dụ cụ thể là có thể đưa ra kết luận chung áp dụng cho mọi trường hợp. Nghe có vẻ dễ nhưng cũng rất nguy hiểm, vì nó khiến mình dễ đi vào lối mòn của sự phiến diện, đôi khi vì muốn nhanh chóng đạt được cái khái quát nên không lường hết được các trường hợp đặc biệt. Quy nạp trong Toán học đã nguy hiểm, quy nạp trong thực tế còn nguy hiểm hơn, nhất là khi người kết luận không vô tình mà cố ý lờ đi những cái chưa tốt, tập trung khuếch đại 1, 2 cái tốt, vờ như đó là phần đa. Suy cho cùng, cũng do tư duy lười biếng, không muốn làm, muốn nhìn những cái mới, mà chỉ tự hài lòng với những việc quen, người quen!
 
Hải Triều