(Baonghean) - Một năm học mới nữa đã bắt đầu. Và có một câu hỏi liên quan đến sự học, đã có từ rất lâu, rất cũ, rất đơn giản và tưởng chừng như đã đọc trả lời thấu đáo, đầy đủ. Đó là, học để làm gì?
Sở dĩ phải “hỏi lại cho rõ” như vậy vì có không ít người đi học, nhất là ở bậc đại học, cắp sách đến giảng đường mà rồi vẫn không biết mình học để làm gì. Lắm người đi học cốt để có một tấm bằng đại học cho “bằng chị, bằng em”, cho oai, cho oách với họ hàng, làng nước. Có người, chỉ nghĩ đơn giản là có bằng đại học sẽ kiếm được việc làm tốt, lương bổng cao. Cũng có những người đi học vì muốn làm hài lòng các đấng sinh thành…
Có ít, rất ít người xác định được cho mình một cách rõ ràng, cụ thể là học để làm cái gì. Thế nhưng, khi được hỏi, không ít người nói vanh vách rằng là, học để lấy tri thức, học để làm tốt công việc của mình, học để tiến thân… Có người còn viện dẫn cả luận thuyết của tổ chức Unesco là học để biết, học để làm việc, học để sống chung với người khác và học để tồn tại…Song thực tế lại khác, rất khác.
Hầu hết các học sinh khi rời trường phổ thông đều mong mỏi đỗ vào đại học. Thế nên, mới có chuyện nhà nhà, người, người đua nhau học đại học mà không cần biết học xong sẽ làm gì. Kết cục cho lối suy nghĩ giản đơn, không đến nơi, đến chốn đó là hàng chục nghìn kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ học xong không có việc làm. Làm hao tốn, lãng phí một nguồn lực không nhỏ của xã hội và là căn nguyên dẫn đến những bất ổn xã hội. Thực trạng đó cho thấy, câu hỏi “học để làm gì”, cho đến nay vẫn chưa được nhận thức đầy đủ và có câu trả lời thấu đáo, chính xác.
Tranh minh họa Không chỉ người học mới rơi vào tình cảnh oái oăm là đi học mà không rõ mình học để làm gì mà ngay cả những người và ngành làm công tác dạy học cũng chưa xác định được một cách rõ ràng là học để làm gì. Người dạy cứ dạy, người học cứ học. Người ta thích học cái gì thì dạy cái đó. Miễn là có người học, có người nộp tiền. Không cần biết đến sản phẩm của mình làm ra có phù hợp, có đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống hay không.
Thế nên, người học đại học thất nghiệp nhan nhản mà các trường đại học cũng xuất vẫn cứ xuất hiện nhan nhản. Dẫn đến, không ít trường đại học, nhất là các trường ngoài công lập tuyển sinh theo kiểu “vơ bèo, vạt tép” cho đủ chỉ tiêu tuyển sinh bằng cách chỉ xét học bạ, không cần biết thí sinh có đạt điểm sàn hay không. Nguy cơ nhãn tiền là các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề sẽ không tuyển được đủ người học, có những trường chưa tuyển nổi 1/10 chỉ tiêu vì các trường đại học đã vớt hết. Và hệ thống giáo dục cao đẳng buộc phải đối mặt với câu hỏi: tồn tại hay không tồn tại?
Trong khi đó, nhiều kỹ sư, cử nhân đại học ra trường thất nghiệp phải giấu thân phận để đi làm công nhân. Và nghịch lý “thừa thầy thiếu thợ” không những không chấm dứt được mà còn lâm vào khủng hoảng ở mức độ mới là “thầy”ngày càng thừa và trình độ ngày càng thấp đi, trong khi “thợ” giỏi thì bói không ra.
Để giải quyết tận gốc các vấn đề bức xúc nói trên, cần tập trung vào trả lời cho thật chính xác, rõ ràng câu hỏi là học để làm gì? Càng lên cao thì “học để làm gì?” càng trở nên quan trọng. Với bậc đại học thì “Học để làm gì?” là câu hỏi chủ chốt mà mỗi sinh viên, và rộng hơn là nhà trường, cần phải trả lời. Với một cá nhân, muốn việc học có hiệu quả thì phải trả lời bằng được câu hỏi “Học để làm gì?”. Nếu học chỉ để kiếm sống, chỉ để tồn tại một cách đơn giản thì có lẽ không cần phải học lên quá cao. Mà chỉ cần trang bị một lượng kiến thức vừa đủ rồi rẽ ngang đi kiếm sống. Tiết kiệm được cả thời gian và tiền bạc lẫn sức lực.
Với những người muốn học không chỉ kiếm sống để tồn tại mà còn để thỏa mãn những nhu cầu khác ở cấp độ cao thì cứ việc “học, học nữa, học mãi” như lời Lê-nin dạy. Với một hệ thống giáo dục, muốn cải cách thành công thì cũng cần phải trả lời câu hỏi này một cách thật thấu đáo. Bởi việc học, có ba câu hỏi quan trọng cần phải trả lời: “Học cái gì?”, “Học thế nào” và “Học để làm gì?”.
Và theo nhận định của một chuyên gia giáo dục “Học để làm gì?” là quan trọng nhất, vì nếu trả lời được câu hỏi này thì hai câu còn lại sẽ tự động có đáp án. Hệ thống giáo dục hiện thời đang đặt trọng tâm vào “Học cái gì?”, vì thế những cuộc cải cách giáo dục trong suốt mấy chục năm qua chỉ loay hoay vào sách giáo khoa. Ngay cả đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đang được triển khai cũng tập trung vào sách giáo khoa với lượng kinh phí lớn.
Như vậy, từ đây có thể đi đến nhận định là bao năm qua, ngành Giáo dục cứ loay hoay đổi mới mà kết cục vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn có lẽ là do chưa trả lời được chính xác câu hỏi: học để làm gì?
Bụt Sơn